Nguồn dẫn chứng

Một phần của tài liệu Chuyên đề bồi dưỡng học sinh giỏi ngữ văn THPT, rèn kĩ năng chọn dẫn chứng và phân tích (Trang 28 - 30)

5. Kết cấu

3.1. Nguồn dẫn chứng

Khởi đầu trong việc chọn dẫn chứng là xác định nguồn dẫn chứng. Như chúng tôi đã đề cập bên trên, dẫn chứng trong văn học là tất cả những gì liên quan đến văn học: tác giả, tác phẩm, xu hướng, nhận định…Phạm vi dẫn chứng vô cùng rộng, học sinh cần hệ thống các nguồn kiến thức để có thể huy động kiến thức và chọn dẫn chứng trong quá trình viết văn. Có thế huy động kiến thức để chọn dẫn chứng dựa theo những tiêu chí sau:

- Huy động kiến thức Văn bản văn học:

Kiến thức về văn bản văn học là chất liệu chủ yếu của bài nghị luận văn học. Ngay cả với một đề bài bàn luận về một vấn đề văn chương hay khái quát văn học sử thì sự huy động vốn hiểu biết về tác giả và tác phẩm cụ thể là rất cần thiết để chứng minh, minh họa cho lí luận. Càng nắm vững kiến thức về văn bản văn học càng chuẩn bị cho mình tiềm lực mạnh và tạo được thế chủ động khi làm bài.

Ở phổ thông trung học, học sinh được trang bị kiến thức văn học trong chương trình bao gồm phần học chính thức và đọc thêm. Học sinh cần tận dụng và mở rộng thêm vốn kiến thức này. Có khi còn phải tái hiện cả “gia tài” văn học tiếp thu được ở bậc THCS.

Học sinh phải suy nghĩ, hình thành hoặc ghi nhớ một cách khái quát những nhận định, đánh giá, kết luận tổng quát về các tác giả, tác phẩm cụ thể như: những thành công và hạn chế của tác phẩm, ý nghĩa và giá trị của vần thơ, áng văn, sự kế thừa truyền thống và những đóng góp, cách tân của tác giả, vị trí của nhà văn trong dòng văn học, hoặc thời kì văn học đó. Những kiến thức này có thể thu thập từ nội dung các bài giảng, từ các giáo trình hoặc tham khảo những chuyên luận về tác giả, những bài phân tích tác phẩm, đặc biệt là những bài giới thiệu chung về tác phẩm và tác giả.

- Huy động kiến thức Văn học sử:

Việc tích lũy kiến thức văn học sử rất cần thiết đối với HS giỏi Ngữ văn. Một bài làm văn có chất lượng không thể chỉ dựa vào kiến thức về các tác giả văn học cụ thể mà còn phải có kiến thức văn học sử rộng và chắc để có thể liên hệ so sánh, rút ra những nhận xét, đánh giá, kết luận có tầm khái quát.

- Huy động kiến thức Lí luận văn học:

Lí luận văn học là những tri thức chung nhất về quan điểm và phương pháp sáng tác, phê bình văn học cũng như nghiên cứu lịch sử văn học của nhiều nước, qua nhiều thời đại. Việc trang bị mảng kiến thức này là rất cần

thiết để nâng cao trình độ nhận thức và phân tích văn học của HS giỏi Ngữ văn.

Việc huy động kiến thức lí luận văn học là rất cần thiết để cho bài văn nghị luận văn chương có tầm khái quát, có cơ sở lí thuyết vững vàng, tránh được tình trạng miêu tả liệt kê dài dòng, phân tích bình luận tràn lan, cảm tính, thiếu căn cứ khoa học. HS giỏi Ngữ văn, do vậy, cần phải có ý thức thường xuyên vận dụng kiến thức Lí luận văn học vào bài làm. Chẳng hạn:

+ Lấy lí luận văn học làm cơ sở, làm yếu tố chỉ đạo sự phân tích, bình luận, phê bình văn học (Nghị luận theo hướng diễn dịch).

+ Từ thực tiễn văn học (qua phân tích tác phẩm, trào lưu, xu hướng văn học…) rút ra những nhận định, đánh giá khái quát, những kết luận bao quát rồi nâng lên thành những vấn đề có tính chất lí luận.

+ Kết hợp việc phân tích tác phẩm và trình bày lí luận văn học (trình bày xen kẽ, đan lồng hai mảng kiến thức với nhau).

+ Vận dụng lí luận văn học theo đặc trưng loại thể: chú ý vận dụng lí luận về hình tượng, điển hình, về phân tích nhân vật, về yếu tố tự sự đối với văn xuôi, về yếu tố trữ tình đối với thơ ca…

Có vốn hiểu biết phong phú, dồi dào về tác giả, tác phẩm cụ thể, kết hợp với những kiến thức vững chắc về lịch sử văn học và có trình độ lí luận văn học vững vàng khi phân tích, bình luận về một thiên truyện, một áng thơ, một nhân vật điển hình, một tư tưởng chủ đề…chúng ta sẽ có điều kiện liên hệ, so sánh rộng rãi và sâu sắc.

- Huy động kiến thức bổ trợ, liên môn:

Phần lớn những đề bài dành cho HS giỏi Ngữ văn bao giờ cũng đòi hỏi phải có sự bao quát, ít khi giới hạn trong một hai tác phẩm. Vì vậy, người HS giỏi Ngữ văn, ngoài việc vận dụng kiến thức tiếp thu được từ việc học các tác phẩm, tác giả trong chương trình cần kết hợp với việc huy động kiến thức bổ trợ, ngoài chương trình, hoặc kiến thức liên môn.

- Kiến thức văn học ngoài chương trình:

Kiến thức văn học không tách rời kiến thức của nhiều lĩnh vực khác. Vì vậy, khi huy động kiến thức làm bài, bên cạnh tư liệu văn học là chất liệu chủ yếu, HS còn phải liên hệ tới nhiều loại tri thức có liên quan, chẳng hạn như: kiến thức ngôn ngữ học, kiến thức lịch sử, chính trị, xã hội…

- Kiến thức lịch sử:

Văn học phản ánh hiện thực, đó là quy luật, là nguyên lí cơ bản của nền lí luận văn học. Kiến thức lịch sử nói lên giá trị phản ánh của các tác phẩm văn học và mối quan hệ gắn bó khăng khít giữa văn học với hiện thực. Ở chiều ngược lại, khi muốn giải thích một sự kiện văn học (một trào lưu, một

tác giả, một hình tượng, điển hình…) hay phân tích một tác phẩm văn chương, chúng ta lại cần nghiên cứu kĩ bối cảnh lịch sử, hoàn cảnh xã hội, không khí thời đại làm nảy sinh sự kiện văn học ấy hoặc làm nền cho sự ra đời của tác phẩm nghiên cứu, từ đó đánh giá mặt thành công cũng như những mặt hạn chế của nó.

Như vậy, để chọn được dẫn chứng tốt cho bài nghị luận văn học, học sinh cần huy động kiến thức để có nguồn dẫn chứng phong phú, đa dạng. Từ đó, người viết có sự chọn lọc dẫn chứng chính xác, làm nổi bật vấn đề nghị luận

Một phần của tài liệu Chuyên đề bồi dưỡng học sinh giỏi ngữ văn THPT, rèn kĩ năng chọn dẫn chứng và phân tích (Trang 28 - 30)