Chọn dẫn chứng chính xác, làm nổi bật vấn đề nghị luận

Một phần của tài liệu Chuyên đề bồi dưỡng học sinh giỏi ngữ văn THPT, rèn kĩ năng chọn dẫn chứng và phân tích (Trang 30 - 32)

5. Kết cấu

3.2. Chọn dẫn chứng chính xác, làm nổi bật vấn đề nghị luận

Bản chất của văn nghị luận là dùng lí lẽ lập luận để thuyết phục. Để lập luận có sức nặng cần có dẫn chứng tốt. Một dẫn chứng tốt trước hết phải cụ thể, chính xác, phù hợp với luận điểm và làm nổi bật vấn đề nghị luận.

Dẫn chứng chính xác cần xác thực - đúng với chi tiết trong tác phẩm mà người viết chọn dẫn chứng trong bài nghị luận. Như đã đề cập ở thực trạng việc đưa dẫn chứng trong trường THPT hiện nay, việc học sinh ít đọc, lười học thuộc dẫn đến việc không thuộc thơ, chi tiết, tình tiết...dẫn đến việc “tam sao thất bản” nội dung của tác phẩm đã học. Đây là một điều tối kị, vì việc không thuộc nội dung dẫn đến hiểu sai, hiểu chưa đến một vấn đề. Chính vì vậy một yêu cầu tối thiểu là đúng dẫn chứng. Đúng dẫn chứng ở đây là đúng nguyên văn câu thơ, đoạn thơ, bài thơ, nhận định, hoặc chi tiết, cốt truyện...Đặc biệt, khi làm bài nghị luận các tác phẩm văn học trung đại việc đọc kĩ tác phẩm và chú thích là một điều vô cùng cần thiết để hiểu và thuộc dẫn chứng. Bởi lẽ, các sáng tác trong giai đoạn này dùng chữ Hán, chữ Nôm rất xa chúng ta và học sinh chỉ được học qua các bản dịch thơ, dịch nghĩa đôi khi rất dài và khó học thuộc. Ví dụ trong đoạn trích Tình cảnh lẻ loi của người chinh phụ, khi đưa các câu thơ làm dẫn chứng cần hiểu và thuộc ý nghĩa ngôn từ của từng từ:

“Dạo hiên vắng thầm gieo từng bước Ngoài rèm thưa, rủ thác đòi phen”

Trong câu thơ trên nếu không đọc kĩ chú thích, học sinh sẽ hiểu nghĩa của từ “thác” theo cách hiểu đơn thuần đó là dòng suối, dòng thác chăng? Như vậy để chọn một dẫn chứng đúng cần đọc - hiểu được nội dung tác phẩm, sau đó thuộc dẫn chứng một cách chính xác.

Nếu người viết chọn dẫn chứng trong các đoạn thơ, bài thơ cần sự chính xác tuyệt đối. Ngược lại, người viết chọn dẫn chứng trong các đoạn trích, tác phẩm văn xuôi có thể chính xác hoàn toàn - dẫn chứng trực tiếp,

hoặc dẫn chứng nội dung bằng cách trích dẫn gián tiếp: dùng lời văn của mình tóm tắt nội dung, chi tiết, từ ngữ quan trọng của dẫn chứng từ các tác phẩm.

Dẫn chứng chính xác, sáng rõ là một dẫn chứng triển khai được lí lẽ lập luận, dẫn chứng góp phần cụ thể hơn cho những lí lẽ mà người viết đưa ra. Ví dụ khi nghị luận về số phận của người phụ nữ trong xã hội phong kiến. Không thể đưa dẫn chứng là tên tác phẩm Truyện Kiều, Chuyện người con gái Nam Xương, Cung oán ngâm, Chinh phụ ngâm hoặc tên các nhân vật cụ thể Thúy Kiều, Vũ Nương hay tên gọi chung của một tầng lớp, một nhóm người: cung nữ, người chinh phụ. Bởi lẽ tên tác phẩm hay tên nhân vật chưa đủ để làm dẫn chứng cho số phận của người phụ nữ. Đó là một trong những dẫn chứng rất mơ hồ, không thể làm rõ được vấn đề nghị luận. Dẫn chứng chính xác, làm nổi bật vấn đề nghị luận phải là diễn biến trong tác phẩm, chính cuộc đời của mỗi nhân vật ấy đã trải qua những biến cố, những khổ đau nào mới là sáng tỏ được vấn đề nghị luận về số phận.

Vấn đề sẽ được làm sáng tỏ nếu dẫn chứng được lựa chọn một cách chính xác vào trọng tâm vấn đề. Ví dụ về số phận đáng thương của người phụ nữ trong xã hội phong kiến sẽ cụ thể hơn khi người viết đi vào một nhân vật, một đoạn trích để làm bật lên những bất hạnh, những trái ngang mà người phụ nữ phải gánh chịu. Như bao nhiêu số phận đáng thương của người phụ nữ khi chồng lên đường ra chiến trận, những người vợ phải sống trong cảnh cô lẻ phòng không. Người chinh phụ trong Tình cảnh lẻ loi của người chinh phụ

của Đặng Trần Côn là một trong những cánh hoa đáng thương ấy. Nàng phải sống trong nỗi cô đơn, nỗi buồn bi thiết:

“ Đèn có biết dường bằng chẳng biết Lòng thiếp riêng bi thiết mà thôi Buồn rầu nói chẳng lên lời

Hoa đèn kia với bóng người khá thương”

Nỗi buồn mà người chinh phụ chôn giấu trong lòng không biết tỏ cùng ai, nàng đành tìm đến vạn vật xung quanh nhưng “đèn” vật vô tri vô giác làm sao thấu nỗi đau đớn, nỗi sầu dằng dặc trong cõi lòng của nàng.

Hay chi tiết hàng loạt hành động gượng của người chinh phụ để mong vơi được nỗi sầu:

“Hương gượng đốt hồn đà mê mải Gương gượng soi lệ lại châu chan Sắt cầm gượng gảy ngón đàn

Dây uyên kinh đứt, phím loan ngại chùng”

Những người phụ nữ tư dung tốt đẹp đức hạnh, làm trọn nghĩa vụ của một người phụ nữ trong xã hội phong kiến: tam tòng tứ đức, công dung ngôn

hạnh, luôn tần tảo, hy sinh, nhẫn nhịn hết lòng. Nhưng họ luôn nhận về mình nỗi tủi nhục, cô đơn, một cuộc sống đầy bất công. Có thể cụ thể hơn nữa nếu luận điểm số phận của người phụ nữ đáng thương. Chúng ta cần trả lời câu hỏi vì sao đáng thương? Vì chiến tranh – đưa ra dẫn chứng về chiến tranh đã làm chồng nàng xa nhà, một mình nàng đã gánh vác gia đình chồng. Hoặc vì những hủ tục của xã hội phong kiến trọng nam khinh nữ - không có tiếng nói trong gia đình, xã hội, không thể tự định đoạt được hạnh phúc cho cuộc đời mình?

Như vậy, một trong những tiêu chí dẫn chứng cho bài nghị luận văn học là chính xác, làm nổi bật vấn đề nghị luận. Dẫn chứng chính xác sẽ tạo nên tính thuyết phục cho lập luận của người viết.

Một phần của tài liệu Chuyên đề bồi dưỡng học sinh giỏi ngữ văn THPT, rèn kĩ năng chọn dẫn chứng và phân tích (Trang 30 - 32)