Ðể "đồng hành cùng doanh nghiệp" không là khẩu hiệu suông, nhiều năm qua, ở tỉnh Ðồng Tháp, từ lãnh đạo tỉnh cho đến lãnh đạo, cán bộ công chức các sở, ngành, địa phương luôn có sự kết nối chặt chẽ với doanh nghiệp.
Thời gian qua, tỉnh Ðồng Tháp đã tạo lập nhiều kênh thông tin kết nối doanh nghiệp, tổ chức họp mặt doanh nghiệp, hội nghị chuyên đề để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường,…
Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Ðầu tư tỉnh Ðồng Tháp Phạm Thị Ngọc Ðào cho biết: "Việc trao đổi giữa các sở với nhau có sự gần gũi, thân thiện. Nếu mất đoàn kết, không thể phối hợp tốt được. Có văn bản không thể nói hết ý được những nội dung trao đổi mà phải gặp để tìm điểm thống nhất cùng tháo gỡ cho doanh nghiệp".
Bí thư Tỉnh ủy Ðồng Tháp Lê Minh Hoan chia sẻ: Một doanh nghiệp đến địa phương tìm hiểu đầu tư, không chỉ nộp thủ tục xin cấp giấy chứng nhận đầu tư một dự án, mà lãnh đạo sở phải đối thoại, tìm hiểu nguyện vọng của họ ra sao, mang đến lợi ích gì cho họ, cho cộng đồng. Chính thông qua những cuộc đối thoại trực tiếp và thẳng thắn như vậy mới hiểu hết nhu cầu, mong muốn của doanh nghiệp đối với địa phương. Giải thích, hướng dẫn cặn kẽ, từ đó sẽ tạo nên tính tương tác cao giữa chính quyền với doanh nghiệp.
Với phương châm "đồng hành cùng doanh nghiệp", thời gian qua, tỉnh đã nỗ lực tạo lập và duy trì nhiều kênh tiếp nhận thông tin để kịp thời lắng nghe, hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong quá trình hoạt động. Ngoài mô hình "Cà phê doanh nhân", tỉnh Ðồng Tháp còn tạo lập nhiều kênh thông tin kết nối doanh nghiệp như công khai số điện thoại, email, tiếp nhận kiến nghị qua Cổng thông tin điện tử tỉnh, mạng xã hội, nhằm giải quyết kịp thời các vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của doanh nghiệp.
Thời gian qua, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh cũng như các cấp, các ngành đã phối hợp, tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành các chính sách; hỗ trợ doanh nghiệp các điều kiện đất đai, xây dựng, phòng cháy, chữa cháy, bảo vệ môi trường, các loại giấy phép kinh doanh, giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh,... để doanh nghiệp chính thức đi vào hoạt động. Tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận các chính sách hỗ trợ như việc tiếp cận vốn, chương trình xúc tiến thương mại, đào tạo nguồn nhân lực, chính sách đầu tư vào khoa học - công nghệ, hỗ trợ thương mại điện tử, các chính sách hỗ trợ từ chương trình khuyến công. Với chủ trương đồng hành với doanh nghiệp, tỉnh Ðồng Tháp kiên trì thay đổi từ nhận thức đến hành động trong bộ máy công quyền. Từ ứng xử theo kiểu "xin - cho" thành "đồng hành cùng doanh nghiệp ", từ "suy nghĩ cho doanh nghiệp" đến "suy nghĩ như doanh nghiệp", từ tư duy "quản lý, điều hành doanh nghiệp" trở thành "kiến tạo môi trường tốt nhất cho hoạt động của doanh nghiệp". Ðó không phải là một khẩu hiệu suông, mà là chủ trương nhất quán và xuyên suốt của lãnh đạo Ðồng Tháp trong quá trình chỉ đạo điều hành, là sự cam kết của chính quyền đối với sự phát triển của doanh nghiệp...