Ðức Phật dạy:
"Tất cả chúng sanh là sở hữu chủ của cái nghiệp của mình, là thừa kế cuả cái nghiệp của mình, sanh ra do nghiệp của mình, là họ hàng thân thuộc của cái nghiệp của mình, ẩn náu trong và được nâng đỡ bởi, cái nghiệp của mình. Bất luận nghiệp nào mà ta đã tạo, dầu thiện hay bất thiện, thì ta sẽ là thừa kế, hưởng trọn hậu quả của nó."
Trong đời sống ta có thể cần cù làm lụng, kiệm cần dành để và tạo nên nhà cửa, sự nghiệp, vàng vòng, trang sức v.v... Ta cũng có thể thừa hưởng những sở hữu trên do ông bà cha mẹ truyền lại. Ta gọi đó là "của mình", hay nói "mình" là sở hữu chủ của những vật đó. Tuy nhiên, dầu ta có bám chắc, nắm chặt và tận lực gìn giữ đến đâu, nó vẫn ở với ta một cách tạm thời. Bao nhiêu yếu tố như hỏa hoạn, bão lụt, trộm cướp, kẻ thù nghịch, chiến tranh v.v... và cuối cùng cái chết phải đến, luôn luôn sẵn sàng để tước đọat quyền làm chủ của ta. Chỉ có một điều -- nghiệp thiện hay nghiệp bất thiện mà ta đã tạo -- sẽ không bao giờ rời ta, dầu ở trong kiếp sống này hay trong nhiều kiếp vị lai. Không có kẻ thù nghịch hay trộm cướp nào tranh đoạt, không có chiến tranh hay thiên tai nào tiêu hủy, chí đến cái chết cũng không làm mất mát hay sứt mẻ cái nghiệp của ta. Do đó, Ðức Phật dạy rằng: "Tất cả chúng sanh là sở hữu chủ của cái nghiệp của mình".
Vì cái nghiệp mà ta đã tạo theo dính liền với ta, ta sẽ thừa hưởng hậu quả của nó như phần di sản, ta sẽ tái sanh vào trạng thái nào cũng do nơi nó, nó
là những người họ hàng thân thuộc không bao giờ rời ta. Ta sẽ ẩn náu an toàn trong thiện nghiệp và nhờ thiện nghiệp nâng đỡ. Nó như người bạn tốt đón chờ ở một cảnh giới nào trong tương lai để hỗ trợ ta. Vậy, ta phải chăm sóc, giữ gìn cái nghiệp cho được luôn luôn tốt đẹp. Ðôi khi có người nói, "Tôi ăn hiền ở lành, không trộm cướp gì của ai, vậy là đủ rồi, cần gì phải tu." Nói như vậy nghe thóang qua hình như hữu lý. Nhưng ăn hiền ở lành là thế nào? Theo người đời, đi câu cá, săn thú hay trà đình, tửu quán là thú tiêu khiển thanh nhàn, cướp sự sống của sinh vật để nuôi mạng sống mình hay để hỷ hả tiệc tùng là tự nhiên, và ta tạo bao nhiêu bất thiện nghiệp khác một cách vui vẻ, tự nhiên. Ta phải biết thương, biết bảo tồn nghiệp thiện hơn là thương yêu và bỏa tồn chính sự sống của ta. Ta phải biết sợ, biết lánh xa bất thiện nghiệp, hơn là ta sợ lánh xa cái chết của chính ta. Thế thường, ta sợ chết và muốn sống. Ðể bảo tồn sự sống và ngăn chặn cái chết, lắm khi ta hành động bất chánh và do đó, tạo nghiệp bất thiện vô cùng tai hại mà trong nhiều kiếp sống chính ta phải gánh chịu hậu quả. Nên nhớ rằng chết ở đây là tái sanh, sống lại ở nơi khác, và khi rời bỏ cảnh giới hiện tại ta cũng lià bỏ tất cả, chỉ mang theo cái nghiệp mà ta đã tạo. Trong quyển The Buddha and his Teachings (Ðức Phật và Phật Pháp), cố Ðại Ðức Nãrada viết:
"Tài sản sự nghiệp mà ta trìu mến bao nhiêu, thân bằng quyến thuộc mà ta yêu qúy bao nhiêu, sẽ không đi theo ta. Chắc chắn như vậy. Cho đến cơ thể này mà ta gọi là "Của Ta" cũng vậy. Từ cát bụi nó đến. Nó sẽ trở về với cát bụi. Danh vọng ảo huyền, vinh quang trống rỗng, tất cả đều tiêu tan theo mây theo gió. Vẫn một thân một mình chúng ta phiêu bạt trong cơn bão táp, giữa đại dương của vòng luân hồi, trôi giạt đó đây theo cái nghiệp."