khổ, hoặc vô ký (không hạnh phúc không đau khổ) khi những cảm giác ấy vừa sanh khởi.
Thọ là một tâm sở. Theo Vi Diệu Pháp (Abhidhamma) tâm sở thọ là một trong bẩy tâm sở phổ thông (biến hành), có mặt trong tất cả các loại tâm. Như vậy mỗi khi chứng nghiệm một loại tâm nào đều có tâm sở thọ, mạnh hay yếu, rõ ràng rành mạch hay mù mờ, nhưng có sự hay biết là có thọ. Thí dụ như có một hình thể (sắc trần), có mắt (nhãn căn). Khi sắc trần tiếp xúc (xúc) với nhãn căn là có nhãn thức. Nhãn thức là sự hay biết về hình thể, một loại tâm vương, thì trong đó có tâm sở thọ, mạnh hay yếu. Có sáu căn: Nhãn , nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý. Tức có sáu loại thọ khác nhau, tùy theo "xúc" ở căn nào.
Thọ rất quan trọng vì do thọ sanh ái, và từ đó liên tục diễn tiến vòng quanh những kiếp sống khổ đau. Thọ có thể phát sanh rõ ràng, dễ nhận ra, có khi kín đáo và mù mờ, tế nhị đến độ có đó mà ta không nhận diện. Thọ lạc thì ta luyến ái rồi thì chấp thủ, một loại tâm tham. Thọ khổ thì ta bất mãn, buồn phiền, một hình thức của tâm sân. Thọ vô ký thì ta buông trôi, để cho nó mặc tình lôi cuốn, tức ít nhiều có tâm si. Tham, sân, si là căn bản từ đó xuất phát tất cả những loại tâm bất thiện. Nhìn theo Thập Nhị Nhân Duyên là: Do lục căn có xúc, do xúc có thọ, do thọ có ái, và từ đó thủ, hữu v.v...
Thông thường, nếu người ta không kiểm soát, tiến trình của luyồng tâm diễn tiến như thế. Những sự ưa thích hay ghét bỏ của ta phần lớn tùy thuộc nơi tánh cách đáng ưa hay đáng ghét của ngoại cảnh và phát sanh hầu như máy móc, một cách tự động. Chúng ta thường không chủ dộng mà chỉ phản ứng ngoại cảnh. Một cảnh đẹp làm cho ta muốn thưởng ngoạn. Một bản nhạc hay làm cho ta muốn nghe. Một thức ăn ngon khiêu gợi lòng muốn ăn v.v...
Trong quyển The Simpler Side of The Buddhist Doctrine, Ðại Ðức Kassapa viết :
"... Từ lâu, giác quan ta đòi hỏi được thỏa mãn. Ðã lâu rồi, giác quan ta được phụng sự đầy đủ và sẽ còn được phụng sự cho đến khi trở thành qúa dỗi khó chịu. Cái gì phụng sự giác quan? - Chính cái tâm phải phụng sự giác quan như người nô lệ phục vụ cùng một lúc năm vị hoàng đế khó tánh. Tâm, vị chúa tể, đã bị truất phế và chính năm tên quân hầu, năm giác quan, soán ngôi. Người Phật Tử chúng ta có bổn phận phục hồi ngôi vị lại cho tâm, vì tâm là nguồn lực duy nhất có thể giúp ta vạch ra và khai triển con đường." Làm cách nào kềm chế những dòi hỏi của giác quan? Nơi đây là vai trò của "Niệm Thọ". Thọ lạc không đương nhiên dẫn đếm tâm tham cũng như thọ khổ không nhất thiết phải dẫn đến sân và thọ vô ký đến si. Ðôi khi, bằng cách vận dụng ý chí, ta có thể quyết định loại thọ mà không bị dối tượng chi phối. Khi nhờ niệm thọ, ta hay biết kịp thời, nhìn, hiểu biết và điều khiển nó, mà không để nó dẫn đi.
Như có người kia mà từ lâu ta hằng có cảm tình và giúp đỡ, bỗng nhiên một ngày nọ trở mặt mắng nhiếc ta thậm tệ. Lời thô lỗ đến tai, có nhĩ thức. Thông thường, nếu niệm không đủ bén nhạy, không hay biết kịp thời, tức nhiên có thọ khổ. Tâm sân liền phát khởi, đưa đến những hành động hay lời nói kém thanh lịch. Nếu có niệm thọ, và nếu niệm đủ bén nhạy, vừa hay có thọ khổ và tâm bất mãn ta liền kịp suy tư như sau:
- Lời nói thô lỗ cộc cằn là xấu và sẽ tạo bất thiện nghiệp. Nó là của ai?
- Không phải của ta. Của người kia. Vậy, của họ thì để họ lo, tội gì mình phải gánh chịu.
- Bây giờ, cái gì là của ta?
- Phản ứng của ta như thế nào đối với lời nói ấy sẽ là của ta. Trong trường hợp này có thể có ba cách phản ứng.
Một là ăn miếng trả miếng. Họ mắng chửi mình thì mình mắng chửi lại. Ðó là phản ứng tự nhiên, dễ dàng, thông thường nhất và đương nhiên đưa đến tâm sân, tức đau khổ.
Hai là nhịn. Ta suy nghĩ rằng lời nói chỉ là những âm thanh, nếu để những âm thanh ấy lọt vào tâm thì nó sẽ gây phiền giận, đau khổ mà không lợi ích
gì. Hãy để cho nó qua như gió thoảng qua màn lưới. Ý tưởng ấy sẽ đưa đến tâm Xả, quân bình, bình thản.
Ba là nghĩ rằng tội nghiệp anh ta, tội cho cái nghiệp của anh, anh tạo nhân xấu mà không biết. Rồi ta rải tâm từ đến anh. Hành động vậy thì chính ta hưởng thọ lạc.
Lẽ dĩ nhiên, thái độ thứ nhất là thấp kém và thái độ thứ ba là cao thượng hơn hết, nhưng ít khi ta làm được. Tại sao? - Vì niệm của ta chưa đủ bén nhạy để hay biết kịp thời và tâm từ của ta còn yếu, để cơn giận nổi lên như ngựa chạy điên, có đụng đâu đó rồi mới chịu ngừng. Nếu niệm của ta đã được rèn luyện thuần thục ắt bén nhạy hơn và sẽ hay biết kịp thời.
Lúc đầu trong pháp niệm thọ là chú tâm hay biết những cảm giác vừa phát khởi và rõ ràng phân biệt bản chất của nó là lạc, khổ hay vô ký. Ghi nhận loại thọ, nhưng không tự đồng hóa mình với nó, không xem nó là "Ta", hay "Của Ta", hoặc là cài gì xảy đến cho "Ta". Thọ chỉ là cảm giác suông. Sự hay biết được giữ ở tầng lớp chỉ ghi nhận thọ, không có lẫn lộn với bất luận cảm xúc buồn vui hay ưa thích ghét bỏ nào. Ðó là ý nghĩa của đoạn "niệm thọ trong thọ" trong câu kinh, chỉ ghi nhận loại thọ - lạc, khổ hay vô ký - Hành giả chỉ hay biết có sự hiện hữu của thọ và giác tỉnh theo giõi, nhìn nó tan biến. Lâu ngày tự rèn luyện như thế sẽ đến lúc hành giả có thể ghi nhận từng thọ cảm của mình, sanh khởi và hoại diệt, diệt rồi sanh. Chỉ có một luồng những thọ cảm diễn tiến vô cùng nhanh chóng. Trong tiến trình sanh diệt ấy không có cho tồn tại và không có chi có thể là một cái "Ta" đơn thuần, nguyên vẹn, tồn tại trong hai khoảnh khắc kế tiếp. Không có chi để tham, để sân, hay để si. Không có chi đáng được ưa thích hay ghét bỏ. Không có chi đáng bám níu hay xua đuổi. Ta hoàn toàn buông bỏ.
Cùng lúc ấy, niệm của ta sẽ bén nhạy thêm dần và có thể, dễ dàng hơn, ngưng lại kịp thời những cảm xúc, những ý nghĩ và những tác ý. Ta tinh tấn ngăn ngừa không để cho cảm xúc khởi sanh mà buông bỏ, chận đứng ái ngay tại đây.