Cái gì là tinh tấn củng cố?

Một phần của tài liệu Con-Duong-Cu-Xa-Xua-Bat-Chanh-Dao-Pham-Kim-Khanh (Trang 52 - 54)

"Nơi đây, vị Tỳ Khưu củng cố một đề mục (công án) thiền thuận lợi... Ðó là tinh tấn củng cố.

"Ðây là bốn tinh tấn: Ngăn ngừa, dứt bỏ, phát triển và củng cố. Ðó là bốn Tinh Tấn mà Ðức Thế Tôn đã ban truyền. Nơi đây vị Tỳ Khưu, nhờ kiên trì tinh tấn, thành tựu chấm dứt đau khổ."

Trong bài kinh này, "pháp bất thiện" là những tư tưởng phát xuất từ ba căn bất thiện là tham, sân, si. Trên phương diện thực hành trong đời sống hàng ngày, bất thiện pháp là mười nghiệp bất thiện đã được đề cập đến trong phần Chánh Kiến.

"Thiện Pháp" ở đây không những chỉ là thập thiện nghiệp mà cón là những yếu tố của Giác Ngộ (Thất Giác Chi), những yếu tố của Tuệ Minh Sát, đưa chúng sanh đến chỗ giải thoát toàn vẹn ra khỏi mọi khổ đau của biển trầm luân. Theo Ngài Ledi Sayadaw, thiện nghiệp là bẩy giai đoạn của Thanh Tịnh Ðạo (Visuddhi Magga, con đường trong sạch dẫn đến Niết Bàn): Giới Tịnh, Tâm Tịnh, Kiến Tịnh, Ðoạn Nghi Tịnh, Ðạo Phi Ðạo Tri Kiến Tịnh, Ðạo Tri Kiến Tịnh và cuối cùng, Tri Kiến Tịnh.

Trong guồng máy phức tạp của con người có cái tâm vô cùng quan trọng. Tâm chứa đựng một kho tàng những đức tánh tốt đẹp và một hầm những tật

xấu. Chánh Tinh Tấn là nỗ lực loại bỏ dần những tật xấu và phát triển tánh tốt.

Cũng như trên một đám đất hoang, muốn thành công gieo trồng tốt thì trước tiên phải diệt cỏ dại và canh chừng không cho nó mọc lên trở lại. Rồi trên thửa đất sạch tốt ấy ta mới gieo giống, thận trọng vun bón và theo dõi sức trưởng thành của cây. Ðó là Chánh Tinh Tấn.

---o0o--- Chánh niệm

Chánh Niệm là chi thứ bảy của Bát Chánh Ðạo. Khi đề cập đến "niệm" một số người trong chúng ta liền nhớ đến hình ảnh một nhà Sư đang trầm ngâm, lặng lẽ ngồi đâu đó trong rừng sâu hay hang thẳm, hoặc trong một ngôi chùa xa xôi hẻo lánh, dưới lùm cây rậm rạp. Vài người vẫn nghĩ rằng tu niệm là công chuyện làm có tánh cách huyền bí, dành riêng cho một hạng người đặc biệt nào. Thật ra "niệm" là một việc hết sức đơn giản, hết sức phổ thông. Tất cả chúng ta đều có niệm, mặc dầu chúng ta niệm trong hình thức sơ khai nhất và chúng ta gọi đó là chú tâm, hay lưu ý đến, nghiã là hướng tâm về đối tượng. Tâm hay biết này, nếu ta giữ được bền lâu trên đối tượng thì đó là niệm. Tâm có chiều hướng phóng ra và luôn luôn chao động. Kéo tâm lại và đặt nó vào một đối tượng, chỉ hay biết đối tượng đó thôi, tức là niệm.

Danh từ Pãli mà do đó ta phiên dịch là niệm, chữ "sati", sanscrit là smrti, có nghĩa là trí nhớ, hay sự hồi nhớ. Tuy nhiên, sati không chính xác giống như quan niệm về trí nhớ của người Tây phương. Sati, niệm là trạng thái chú tâm, sự hiện hữu của tâm trên đối tượng. Ðôi khi sati được xem như sự hay biết đối tượng, nhưng ở đây cũng vậy, sati, niệm, không phải là sự hay biết như thường được hiểu, ít nhiều bao hàm những ý nghĩ, những cảm tưởng v.v... mà là sự hay biết suông, trơ trọi, hoàn toàn tách rời xa khỏi mọi suy tư, tưởng tượng hồi nhớ. Ngoài đối tượng hoàn toàn không hay biết gì khác xảy ra bên trong hay bên ngoài ta. Niệm là sự hay biết không có lựa chọn, chỉ ghi nhận đối tượng mà không vướng víu vào màn lưới của tư tưởng. Như thế, hành chú niệm không phải là vấn đề "làm một điều gì" mà thật sự là "không làm": Không suy tư, không xét đoán, không liên tưởng, không sắp xếp kế hoạch, không tưởng tượng, không ước muốn. Chỉ có sự ghi nhận, quan sát, chú tâm nhìn vào đối tượng. Trong khi hành Chánh Niệm tâm thức tỉnh quan sát điều gì đang xẩy ra một cách rõ ràng, an tĩnh. Chỉ ghi nhận rồi

buông bỏ cho nó trôi qua, không xét đoán hay diễn dịch. Sự vật đến rồi đi, sanh rồi diệt, hành giả ghi nhận diễn tiến trong thời điểm hiện tại, luôn luôn sống trong hiện tại.

Trong Bát Chánh Ðạo, đi kèm danh từ sati có chữ sammã, có nghiã là chánh, đúng. Sammã Sati, là niệm hoặc có sự chú tâm hay biết chân chính, ta gọi là Chánh Niệm. Một cách rốt ráo, thực hành Chánh Niệm là hành Tứ Niệm Xứ. Có bốn loại niệm chân chính là: Niệm thân, niệm thọ, niệm tâm và niệm pháp, được gọi là Tứ Niệm Xứ (Satipatthãna). "Patthãna" hay "upatthãna" là đem lại gần, kềm giữ chắc tình trạng hiện hữu, giữ tâm hay biết, hay thiết lập cơ sở. Tứ Niệm Xứ là bốn xứ, hay bốn chỗ, chánh yếu để hành giả đặt sự chú tâm hay biết vào.

Kinh Tứ Niệm Xứ được Ðức Thế Tôn thuyết giảng cho người dân Kura tại thị trấn Kammasadamma và được ghi chép ở hai nơi trong Tam Tạng kinh điển. Một là bài kinh số 10 trong bộ Trung A Hàm, Majjhima NiKaya, dưới tựa đề Satipatthana Sutta. Bài kinh kia là số 22 trong Trường A Hàm, Dĩgha Nikaya, dưới tựa đề Maha Satipatthana Sutta. Ðiểm khác biệt giữa hai bài là trong Kinh Ðại Niệm Xứ (Maha Satipatthana) của Trường A Hàm phần Tứ Diệu Ðế dược giải thích dài dòng và đầy đủ chi tiết hơn trong đoạn Niệm Pháp. Cả hai bài đều bắt đầu như sau:

"Có con đường duy nhất này để chúng sanh tự thanh lọc, để diệt trừ đau khổ, để thành đạt trí tuệ và để chứng ngộ Niết Bàn -- Ðó là Tứ Niệm Xứ."

Tứ Niệm Xứ là thế nào? -- là Niệm Thân, Niệm Thọ, Niệm Tâm và Niệm Pháp.

Một phần của tài liệu Con-Duong-Cu-Xa-Xua-Bat-Chanh-Dao-Pham-Kim-Khanh (Trang 52 - 54)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(86 trang)