Tư tưởng không hung bạo:

Một phần của tài liệu Con-Duong-Cu-Xa-Xua-Bat-Chanh-Dao-Pham-Kim-Khanh (Trang 39 - 41)

Hung bạo là gây đau khổ cho người khác mà không xót thương, không động lòng trước tình trạng đau khổ của người khác. Nghịch nghĩa của hung bạo là bi mẫn, động lực làm cho ta rung động trước cảnh khổ của người khác, là cái gì thoa dịu lòng khổ đau của người, là thiện ý muốn giúp người thoát một cảnh khổ. Tâm không hung bạo là tâm bi.

Cũng như tâm tư, tâm bi phải vô lượng, vô biên, không bị hạn dịnh trong một gia dình, một xóm, một làng, một quốc gia, một tôn giáo, một giai cấp hay một loại chúng sanh nào.

Ðối tượng của tâm từ là toàn thể chúng sanh - chúng sanh khổ và chúng sanh không khổ - mà không có sự phân biệt. Ðối tượng của tâm bi là những chúng sanh xấu số, đang ở trong cảnh khổ, và tác dụng của tâm bi là gia công giúp người đang khổ thoát ra khỏi hoàn cảnh bất hạnh ấy. Người có tâm bi chuyên lo nâng đỡ kẻ thấp hèn, nghèo đói, cô thân, tuyệt vọng, chăm nom săn sóc người bệnh hoạn tật nguyền, khuyên nhủ dỗ dành người thất bại, dẫn dắt và cứu độ người tội lỗi và soi sáng người tối tăm lầm đường lạc nẻo. Thấy người hoạn nạn rồi âu sầu ủ dột, phiền muộn khóc than. Ðó không phải là tâm bi mà giống như người "thù mang lốt bạn" của tâm bi. Tâm bi trong Phật giáo không phải là những giọt nước mắt chảy suông trước sự đau khổ của kẻ khác. Ðặc tính của tâm bi là ý muốn giúp người khác thoát khỏi một cảnh khổ chớ không phải là phiền não âu sầu với họ. Thọ ưu (domanassa, cảm giác buồn khổ) thuộc về tâm sân (dosa, hay patigha), một trong ba căn bất thiện.

Tâm bi giống như tình thâm của bà từ mẫu, thương xót đứa con đang lâm bệnh. Bao nhiêu tâm trí, lời nói và hành động đều tập trung lại để chuyên chú tìm phương thế làm cho con đỡ đau khổ.

Lòng người có tâm bi thật là mềm dịu, hơn cả những tai hoa mềm mại, không bao giờ hành hung hay làm điều chi phương hại đến kẻ khác. Chính nhờ tâm bi mà con người có thể phục vụ một cách hoàn toàn vị tha. Người có tâm bi không sống cho mình mà sống cho kẻ khác và luôn luôn tìm cơ hội giúp người, nhưng không bao giờ mong đợi được đền ơn đáp nghiã. Có những tư tưởng hướng về tâm bi là Chánh Tư Duy.

Bản chất của chúng sanh là tham lam, sân hận và hung bạo - hai hình thức khác của ái dục - vì khư khư cố chấp đây là "Ta", cái này là "Của Ta".

Chúng ta vui thích những gì vừa ý và ghét bỏ những gì phật lòng cái "Ta". Vui thích thì đâm ra luyến ái, đeo niú, cố bám chắc, tức tham. Phật lòng thì bất mãn, xua đuổi, giận dữ, oán ghét, tức sân, lắm khi đưa đến hung bạo tàn ác.

Khi Chánh Kiến và Chánh Tư Duy dần dần phát triển, hiểu biết và suy tư chân chánh hỗ trợ lẫn nhau đưa đến nhận thức ngày càng rõ rệt bàn chất rỗng không của cái gọi là "Ta" . Chừng ấy tâm luyến ái, sân hận và hung bạo dần dần suy giảm, nhường chỗ cho tâm buông bỏ, tâm từ và tâm bi.

---o0o---

Phần 4 - Chánh ngữ

Chánh ngữ là lời nói có chân chánh, tức không tạo nghiệp bất thiện bằng lời nói, trái lại trau giồi những thiện khẩu nghiệp.

Lời nói là một khả năng của con người có giá trị vô cùng trọng đại. Bằng lời nói, ta biểu lộ những tư tưởng thầm kín để chia xẻ với người khác. Người có Chánh Kiến và Chánh Tư Duy tức nhiên cũng có Chánh Ngữ. Những người khác, dầu chưa đạt đến mức cao thượng ấy, vẫn có thể tu tập, thận trọng chú tâm vào những gì mình sắp nói. Nếu con người có thể kiểm soát được cái lưỡi không xương của mình nhân loại ắt tránh được bao nhiêu phiền phức và đời sống trên thế gian này sẽ tốt đẹp hơn bao nhiêu. Lời nói trong sạch sẽ không đượm nhuần những tâm sở bất thiện như tham lam, sân hận, ganh tỵ, ngã mạn, ích kỷ v.v...

Bốn loại khẩu nghiệp bất thiện là: nói dối, nói đâm thọc, nói thô lỗ cộc cằn và nói nhảm nhí.

Một phần của tài liệu Con-Duong-Cu-Xa-Xua-Bat-Chanh-Dao-Pham-Kim-Khanh (Trang 39 - 41)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(86 trang)