7. Kết cấu của luận văn
2.1.1. Diện thừa kế dựa trên quan hệ huyết thống
“Tam đại đồng đường”, “Tứ đại đồng đường” là khuôn mẫu gia đình nhiều thế hệ rất phổ biến trong xã hội Việt Nam. Mỗi một cá nhân trong gia đình ấy đều được tạo nên từ những mắt xích rất bền chặt đó là quan hệ huyết thống giữa các thế hệ. Khi một người trong cái mắt xích ấy chết đi, tài sản mà họ để lại sẽ trở thành di sản thừa kế vấn đề đặt ra là những ai sẽ được hưởng phần di sản thừa kế của người chết ấy. Thờ cúng tổ tiên là phong tục, tập quán, nét văn hóa lâu đời của người dân Việt. Để có người hương hỏa, lưu giữ nét văn hóa ấy, tổ tiên, ông bà thường để lại tài sản của mình sau khi chết cho con trai, cháu trai. Trong thời kỳ phong kiến Bộ Luật Hồng Đức (còn có tên gọi khác là Quốc Triều Hình Luật) có quy định về diện thừa kế dựa trên khuôn mẫu của kiểu gia đình “Tam, tứ đại đồng đường”. Theo đó, phạm vi những người thừa kế được xác định khá rộng. Khi một người chết đi di sản của họ được phân chia cho toàn bộ những người thân bên nội tộc, chỉ khi không còn ai bên nội tộc thì di sản đó mới được chuyển sang cho bên ngoại.
Điểm tiến bộ của Bộ Luật này so với trước đây là quy định con gái và con trai có quyền hưởng thừa kế ngang nhau chỉ đối với di sản thờ cúng thì quyền thừa kế người con gái không được hưởng.
Đến thời kỳ Pháp thuộc, ở Nam Kỳ năm 1883 Bộ luật dân sự Nam Kỳ giản yếu ra đời, ở Bắc Kỳ năm 1931 Bộ luật Bắc Kỳ ra đời và Bộ dân luật Trung Kỳ ra đời năm 1936 ở Trung Kỳ. Theo quy định của Bộ dân luật Bắc Kỳ và Bộ dân luật Trung Kỳ di sản do người chết để lại cũng được phân chia cho toàn bộ những người thân bên nội tộc, chỉ khi không còn ai bên nội tộc thì di sản đó mới được chuyển sang cho bên ngoại như quy định của Bộ Luật Hồng Đức. Cụ thể những người thuộc diện thừa kế theo pháp luật bao gồm: Các con đẻ, con nuôi, các cháu, cha mẹ, ông bà nội, các cụ nội, anh chị em ruột của người để lại di sản [25].
Sau Cách mạng tháng tám năm 1945 một thời đại mới đã ra đời cùng với nó là việc nhà nước ta ban hành các văn bản pháp luật tiến bộ xóa bỏ những tàn dư lạc hậu của chế độ cũ. Với sự ra đời của Hiến pháp 1946, Hiến pháp 1959 quan niệm “trọng nam khinh nữ” đã bị loại bỏ thay vào đó là quy định tại Điều 9 của Hiến pháp 1946: “đàn bà ngang quyền với đàn ông trên mọi phương diện”. Quy định này của Hiến pháp 1946 đã được cụ thể hóa trong Sắc lệnh số 97/SL do Chủ tịch Hồ Chí Minh ký ngày 22/5/1950. Theo đó, diện thừa kế được xác định theo quan hệ huyết thống và quan hệ hôn nhân bao gồm: Con, cháu, vợ, chồng [11]. Diện thừa kế theo quan hệ huyết thống thời kỳ này được quy định khá hẹp chỉ có con, cháu. Mặc dù vậy, Sắc lệnh cũng đã đặt nền móng cho việc xây dựng một chế định thừa kế hoàn chỉnh hơn trong các văn bản pháp luật sau này và xóa bỏ chế độ bất bình đẳng giữa nam và nữ trước đây.
Sau Sắc lệnh số 97 đến Thông tư 1742 do Bộ Tư pháp ban hành ngày 19/8/1956thì diện những người thừa kế theo pháp luật bao gồm: vợ, chồng,
các con đẻ, các con nuôi, các cháu, các chắt, cha, mẹ của người để lại di sản và những người thừa kế khác. Như vậy, theo quy định của Thông tư này diện thừa kế theo huyết thống được mở rộng hơn gồm các con đẻ, các cháu, các chắt, cha, mẹ của người để lại di sản. Tuy nhiên, Thông tư này không xác định rõ những người thừa kế khác là những ai nên những tranh chấp về thừa kế liên tục pháp sinh để khắc phục tình trạng này Thông tư số 594 của Tòa án nhân dân tối cao ra đời ngày 27/8/1968. Theo Thông tư 594 diện thừa kế theo quan hệ huyết thống đã được mở rộng hơn bao gồm các con đẻ, bố đẻ, mẹ đẻ, ông bà nội, ngoại, anh chị em ruột. Thông tư 594 đã đưa thêm anh chị em ruột và ông bà vào diện thừa kế nhưng lại loại cháu, chắt ra khỏi diện thừa kế. Đến Thông tư số 81 do Tòa án nhân tối cao ban hành ngày 24/7/1981 hướng dẫn Tòa án các cấp giải quyết các tranh chấp về quyền thừa kế quy định rõ hơn về diện thừa kế theo huyết thống. Theo đó, diện thừa kế theo pháp luật bao gồm cả những người có quan hệ huyết thống trực hệ và bàng hệ với người để lại di sản. Những người có quan hệ huyết thống trực hệ bao gồm cha mẹ đẻ, ông bà nội ngoại, các con đẻ, các cháu nội ngoại. Những người có quan hệ huyết thống bàng hệ bao gồm anh chị em ruột của người để lại di sản.
Mặc dù, đã có những bước tiến vượt bậc so với những Thông tư trước nhưng thông tư số 81 vẫn còn nhiều bất cập, chưa bao quát hết diện những người thừa kế theo pháp luật. Để củng cố hơn quan điểm truyền thống của cha ông “một giọt máu đào hơn ao nước lã”, Pháp lệnh thừa kế do Hội đồng nhà nước (nay là Ủy ban thường vụ quốc hội) ban hành ngày 30/8/1990 đã tiếp tục mở rộng diện thừa kế theo huyết thống. Như vậy, theo Pháp lệnh thừa kế diện thừa kế theo huyết thống bao gồm cha mẹ đẻ, ông bà nội ngoại, các con đẻ, các cụ nội ngoại, anh chị em ruột của người chết; chú ruột, bác ruột, cô ruột, dì ruột, cậu ruột của người chết và những người mà người chết là chú ruột, bác ruột, cô ruột, dì ruột, cậu ruột.
Đánh dấu một bước phát triển mới của chế định thừa kế, Bộ Luật dân sự ra đời năm 1995 và có hiệu lực ngày 01/7/1996 (sau đây gọi tắt là Bộ Luật dân sự 1995). Đây là lần đầu tiên diện thừa kế được quy định trong một văn bản có hiệu lực pháp lí cao. Bộ luật dân sự 1995 về cơ bản đã kế thừa những quy định của Pháp lệnh thừa kế năm 1990. Điều 679 Bộ luật dân sự 1995 quy định những người thuộc diện thừa kế theo pháp luật bao gồm vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết; ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cô ruột, cậu ruột, dì ruột. Như vậy, theo quy định của Bộ luật dân sự năm 1995, cháu của người chết mà người chết là ông bà nội ngoại không thuộc diện thừa kế của ông bà, chắt của người chết mà người chết là các cụ nội ngoại không thuộc diện thừa kế của các cụ. Đến năm 2005, Bộ luật dân sự 2005 ra đời và có hiệu lực ngày 01/01/2006, Bộ luật đã kế thừa những tinh hoa trong Bộ luật dân sự 1995 và loại bỏ dần những bất cập của Bộ luật này. Theo quy định của Bộ luật dân sự 2005 tại Điều 676, diện những người thừa kế theo quan hệ huyết thống bao gồm: Cha đẻ, mẹ đẻ, con đẻ của người chết; ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại; cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là các cụ nội ngoại. So sánh quy định về diện những người thừa kế theo huyết thống trong Bộ luật dân sự năm 1995 với Bộ luật dân sự 2005 thì diện những người thừa kế theo quan hệ huyết thống trong Bộ luật dân sự 2005 đã được mở rộng thêm. Bộ luật dân sự 2005 đã đưa thêm cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại; chắt ruột của người chết mà người chết là các cụ nội ngoại
vào diện thừa kế theo pháp luật. Quy định này của Bộ luật dân sự 2005 đã sửa đổi được những bất cập về diện thừa kế theo quan hệ huyết thống trong Bộ luật dân sự 1995 và các văn bản trước đây. Quy định này phù hợp hơn với tình hình thực tiễn và càng trở nên hợp lí hơn. Nếu như ông, bà thuộc diện thừa kế theo pháp luật của các cháu, các cụ thuộc diện thừa kế của các chắt thì không lẽ nào các cháu lại không được thừa kế di sản của ông bà để lại, các chắt lại không thể thừa kế di sản các cụ để lại.
Như vậy, theo từng giai đoạn cụ thể diện những người thừa kế theo pháp luật nói chung và diện thừa kế theo quan hệ huyết thống nói riêng được bổ sung và mở rộng theo từng thời kỳ, từng giai đoạn cụ thể. Con cái luôn là những người được hưởng thừa kế theo pháp luật của cha mẹ khi cha mẹ qua đời và ngược lại cha mẹ cũng trở thành những người thừa kế theo pháp luật của con đẻ mình. Cũng theo quy định của Bộ luật dân sự 2005 con cái thuộc diện thừa kế theo pháp luật của cha mẹ đẻ mình và ngược lại. Quyền thừa kế theo pháp luật của con không phụ thuộc vào tình trạng hôn nhân của cha mẹ, pháp luật Dân sự Việt Nam cũng không phân biệt con trai và con gái, con trong giá thú và con ngoài giá thú, những người này đều được hưởng quyền thừa kế di sản của cha mẹ để lại như nhau. Theo quy định của pháp luật hiện hành quy định tại Điều 63 Luật HNGĐ năm 2000 “con chung” của vợ chồng là những người con được sinh ra trong thời kỳ hôn nhân hợp pháp của cha mẹ. Về mặt nguyên tắc xác định như sau:
Con sinh ra trong thời kỳ hôn nhân là con chung của vợ chồng;
Con sinh ra trước thời kỳ hôn nhân nhưng được cha mẹ thừa nhận là con chung của vợ chồng;
Như vậy, theo nguyên tắc suy đoán như trên những đứa con được sinh ra trong khoảng thời gian này đều được coi là con chung của vợ chồng và sẽ được hưởng di sản thừa kế của cha mẹ để lại.
“Con ngoài giá thú” là thuật ngữ dùng để chỉ những đứa trẻ được sinh ra không phải từ hôn nhân hợp pháp của cha mẹ, tức là cha mẹ của chúng không phải là vợ chồng hợp pháp. Theo quy định của Luật HNGĐ năm 2000 thì con ngoài giá thú được cha mẹ nhận hoặc được Tòa án nhân dân xác định cha mẹ có quyền và nghĩa vụ như con trong giá thú. Chính vì vậy, con ngoài giá thú cũng được hưởng quyền thừa kế như con trong giá thú mà không hề có sự phân biệt đối xử nào.
Tuy nhiên, với trình độ y học phát triển ngày càng cao như hiện nay lại làm nảy sinh nhiều vấn đề phức tạp khác. Theo quy định của Luật HNGĐ năm 2000 thì con sinh ra trong thời kỳ hôn nhân là con chung của vợ chồng nhưng vấn đề phát sinh hiện nay là vấn đề sinh con theo phương pháp khoa học. Mặc dù, Nghị định 12/2003/NĐ-CP của Chính phủ quy định về sinh con theo phương pháp khoa học đã quy định về việc xác định cha, mẹ cho đứa trẻ được sinh ra theo phương pháp khoa học. Điều 20 Nghị định số 12/2003/NĐ- CP quy định:
"1. Trẻ ra đời do thực hiện kỹ thuật hỗ trợ sinh sản phải được sinh ra từ người mẹ trong cặp vợ chồng vô sinh hoặc người phụ nữ sống độc thân.
2. Những người theo quy định tại Khoản 1 Điều này được xác định là cha mẹ đối với đứa trẻ được sinh ra do thực hiện kỹ thuật hỗ trợ sinh sản".
Điều 21 của Nghị định quy định: "con được sinh ra do thực hiện kỹ thuật hỗ trợ sinh sản không được quyền yêu cầu quyền thừa kế, quyền được nuôi dưỡng đối với người cho tinh trùng, cho noãn, cho phôi".
Như vậy, với quy định của Nghị định số 12 có thể hiểu là đứa trẻ được sinh ra theo phương pháp khoa học không được hưởng di sản thừa kế theo pháp luật của người cho phôi, cho tinh trùng, cho noãn. Đứa trẻ chỉ được hưởng thừa kế theo pháp luật của người mẹ sinh ra chúng hoặc của cặp vợ chồng vô sinh đã thực hiện kỹ thuật hỗ trợ sinh sản. Tuy nhiên, Nghị định số
12/2003/NĐ-CP lại không quy định rõ "cặp vợ chồng vô sinh" phải là vợ chồng hợp pháp theo quy định của pháp luật hay chỉ cần họ là những người thực hiện việc sinh con theo phương pháp khoa học.
Một vấn đề nữa là Nghị định số 12/2003/NĐ-CP của Chính phủ quy định về sinh con theo phương pháp khoa học tại Điều 6 nghiêm cấm hành vi mang thai hộ. Tuy nhiên, thực tiễn việc mang thai thuê, mang thai hộ vẫn tồn tại trên thực tế. Tranh chấp về con cái giữa người mang thai thuê (trứng và tinh trùng của cặp vợ chồng thuê mang thai được cấy vào cơ thể của người mang thai thuê này) với cặp vợ, chồng thuê mang thai xảy ra khi người mang thai thuê sau khi sinh con thuê lại nảy sinh tình mẫu tử với đứa trẻ và không muốn giao con cho người thuê. Trường hợp này pháp luật xác định cha mẹ cho đứa trẻ dưới góc độ pháp lý trên nguyên tắc suy đoán như quy định tại Điều 63 Luật HNGĐ hay Điều 20 Nghị định 12/2003/NĐ-CP hay dưới góc độ khoa học sử dụng phương pháp khoa học là kiểm tra ADN để xác định cha mẹ cho đứa trẻ. Thiết nghĩ đây là những vấn đề mang tính thiết thực ảnh hưởng đến quyền thừa kế theo pháp luật giữa cha, mẹ và con cái, các nhà lập pháp cần nghiên cứu để đưa vào sửa đổi, bổ sung ở BLDS trong một vài năm tới để phù hợp hơn với tình hình thực tiễn hiện nay. Diện thừa kế theo quan hệ huyết thống mà BLDS năm 2005 có quy định đó là thừa kế theo pháp luật giữa các cụ và các chắt. Theo quy định của Bộ luật cụ nội, cụ ngoại thuộc diện thừa kế của chắt và các chắt được hưởng thừa kế theo pháp luật của các cụ. Quy định này góp phần gắn kết giữa các thế hệ có cùng huyết thống trực hệ trong một đại gia đình với nhau, củng cố truyền thống tốt đẹp bao đời của người dân Việt.
Điều 676 BLDS năm 2005 quy định ông bà thuộc diện thừa kế theo pháp luật của các cháu và ngược lại các cháu cũng thuộc diện thừa kế của ông bà mình. Quy định này hoàn toàn phù hợp với thực tế Điều 47 Luật HNGĐ
năm 2000 quy định rõ: “Ông bà nội, ông bà ngoại có nghĩa vụ và quyền trông nom, chăm sóc, giáo dục cháu, sống mẫu mực và nêu gương tốt cho con cháu. Trong trường hợp cháu chưa thành niên hoặc cháu đã thành niên bị tàn tật, mất năng lực hành vi dân sự, không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình mà không có người nuôi dưỡng theo quy định tại Điều 48 của Luật này thì ông bà nội, ông bà ngoại có nghĩa vụ nuôi dưỡng cháu.
Cháu có bổn phận kính trọng, chăm sóc, phụng dưỡng ông bà nội, ông bà ngoại” [24].
Ngoài ra, Điều 59 Luật HNGĐ năm 2000 còn quy định về nghĩa vụ cấp dưỡng của ông bà đối với cháu và nghĩa vụ cấp dưỡng của cháu đối với ông bà. Chính vì những quy định như vậy của Luật HNGĐ thì không thể có lí do gì để quy định ông bà có quyền thừa kế di sản của cháu khi cháu chết mà lại không quy định cháu được hưởng thừa kế của ông bà khi ông bà qua đời. BLDS năm 1995 đã không quy định vấn đề cháu được hưởng thừa kế của ông bà nên nó đã không đáp ứng được yêu cầu thực tế.