Thực tiễn giải quyết tranh chấp về thừa kế giai đoạn từ

Một phần của tài liệu Tài liệu Diện và hàng thừa kế theo quy định của Bộ luật dân sự (Trang 63 - 66)

7. Kết cấu của luận văn

3.1.Thực tiễn giải quyết tranh chấp về thừa kế giai đoạn từ

2007 đến nay

Trong thời gian gần đây những tranh chấp về thừa kế ở Tòa án nhân dân Tỉnh Thừa Thiên Huế và Tòa án nhân dân Thành phố Đà Nẵng có chiều hướng giảm và ít phức tạp hơn đi so với trước đây. Điều này thể hiện ở chỗ số lượng các án phúc thẩm của hai Tòa án này ngày càng giảm.

Tại Tòa án nhân dân Tỉnh Thừa Thiên Huế từ năm 2007 đến năm 2011, tòa án đã thụ lý tổng số 186 án phúc thẩm về dân sự. Trong đó, các tranh chấp về hợp đồng vay tài sản là 65 vụ, chiếm tỷ lệ 34,94%; tranh chấp về quyền sử dụng đất là 67 vụ, chiếm tỷ lệ 36%; tranh chấp về thừa kế là 14 vụ, chiếm tỷ lệ 7,53%; các tranh chấp khác là 14 vụ, chiếm tỷ lệ 7,53%; tranh chấp về hợp

đồng dịch vụ là 26 vụ, chiếm tỷ lệ 14%.(xem Biểu đồ 3.1 phần Phụ lục)

Năm 2007, Tòa án nhân dân Tỉnh Thừa Thiên Huế đã thụ lý 48 vụ án phúc thẩm về dân sự. Trong đó, các tranh chấp về thừa kế là 05 vụ. Năm 2008, Tòa án nhân dân Tỉnh Thừa Thiên Huế đã thụ lý 45 vụ án phúc thẩm về dân sự (giảm 03 so với năm 2007). Trong đó, các tranh chấp về thừa kế là 02 vụ (giảm 03 vụ so với năm 2007). Năm 2009, Tòa án nhân dân Tỉnh Thừa Thiên Huế đã thụ lý 29 vụ án phúc thẩm về dân sự (giảm 19 vụ so với năm 2007, giảm 16 vụ so với năm 2008). Trong đó, không có tranh chấp về thừa kế bị thụ lý theo trình tự phúc thẩm. Năm 2010, Tòa án nhân dân Tỉnh Thừa Thiên Huế đã thụ lý 33 vụ án phúc thẩm về dân sự (giảm 15 vụ so với năm 2007 nhưng lại tăng 04 vụ so với năm 2009). Trong đó, các tranh chấp về

thừa kế là 02 vụ. Năm 2011, Tòa án nhân dân Tỉnh Thừa Thiên Huế đã thụ lý 31 vụ án phúc thẩm về dân sự (giảm 02 vụ so với năm 2010). Trong đó, các

tranh chấp về thừa kế là 04 vụ.(xem Biểu đồ 3.2 phần Phụ lục)

Trong tổng số 186 án được Tòa án nhân dân Tỉnh Thừa Thiên Huế thụ lý theo trình tự phúc thẩm từ năm 2007 đến năm 2011 thì có 179 án được giải quyết, chiếm tỷ lệ 96,24 %; số lượng án chưa được giải quyết là 07 án, chiếm tỷ lệ 3,76%. Trong số 179 án được giải quyết thì có 46 án được tuyên y án sơ thẩm, chiếm tỷ lệ là 25,7%; số án bị sửa là 109 án, chiếm tỷ lệ 60,9%; số án bị

hủy là 24 án, chiếm tỷ lệ 13,4%.(xem Biểu đồ 3.3 phần Phụ lục)

Tỷ lệ án phúc thẩm về thừa kế được thụ lý tại Tòa án nhân dân Tỉnh thừa Thiên Huế là không nhiều, chỉ giao động trong khoảng 1 đến 5 vụ mỗi năm. Tuy nhiên, trong hầu hết những tranh chấp về thừa kế được thụ lý theo trình tự phúc thẩm thì đều chỉ bị Tòa án nhân dân Tỉnh Thừa Thiên Huế sửa án hoặc tuyên y án sơ thẩm.

Tại Tòa án nhân dân Thành phố Đà Nẵng từ năm 2007 đến năm 2011 tổng số các vụ án phúc thẩm về dân sự mà Tòa đã thụ lý là 641 vụ. Trong đó, các tranh chấp về hợp đồng gia công gửi giữ tài sản là 27 vụ, chiếm tỷ lệ 4,21%; chuyển nhượng quyền sử dụng đất là 130 vụ chiếm tỷ lệ 20,29%; tranh chấp về hợp đồng vay tài sản là 165 vụ chiếm tỷ lệ 25,74%; tranh chấp về thừa kế là 83 vụ chiếm tỷ lệ 12,95%, tranh chấp về hợp đồng dịch vụ là 93 vụ chiếm tỷ lệ 14,51%, tranh chấp về sở hữu tài sản là 34 vụ

chiếm tỷ lệ 5,3%, tranh chấp khác là 109 vụ chiếm tỷ lệ 17%.(xem Biểu đồ

3.4 phần Phụ lục)

Theo số liệu của Tòa án nhân dân Thành phố Đà Nẵng từ năm 2007 đến năm 2011, số lượng án tranh chấp về hợp đồng vay tài sản chiếm tỷ lệ cao nhất, các tranh chấp về thừa kế chỉ chiếm tỷ lệ trung bình (12,95%) trong tổng số các nhóm tranh chấp được xét xử theo trình tự phúc thẩm. Điều này cho

thấy các tranh chấp về thừa kế trong thời gian vừa qua không cao so với nhóm quan hệ tranh chấp khác nhưng lại có diễn biến phức tạp hơn, tăng giảm thất thường theo các năm. Năm 2007, Tòa án nhân dân Thành phố Đà Nẵng thụ lý 123 án phúc thẩm về dân sự thì có 17 án thừa kế. Năm 2008, Tòa án nhân dân Thành phố Đà Nẵng đã thụ lý 137 vụ việc phúc thẩm về dân sự trong đó các tranh chấp về thừa kế là 16 vụ (giảm 1 vụ so với năm 2007). Năm 2009, Tòa án nhân dân Thành phố Đà Nẵng đã thụ lý 83 vụ việc phúc thẩm về dân sự trong đó các tranh chấp về thừa kế là 06 vụ (giảm 10 vụ so với năm 2008, giảm 11 vụ so với năm 2007). Đến năm 2010, Tòa án nhân dân Thành phố Đà Nẵng đã thụ lý 144 vụ việc phúc thẩm về dân sự thì trong đó các tranh chấp về thừa kế là 16 vụ. Năm 2010 số án thừa kế lại tăng lên so với năm 2009, bằng năm 2008. Năm 2011, Tòa án nhân dân Thành phố Đà Nẵng đã thụ lý 154 vụ việc phúc thẩm về dân sự trong đó các tranh chấp về thừa kế tài sản là nhà và giá trị quyền sử dụng đất là 28 vụ. Năm 2011, số lượng án phúc thẩm tăng lên so với các năm trước, số lượng án phúc thẩm về thừa kế cũng tăng cao hơn. Nếu như năm 2007, án thừa kế là 17 án thì đến năm 2011, án thừa kế

là 28 án, tăng lên 11 án so với năm 2007, tăng 22 án so với năm 2009. (xem

Biểu đồ 3.5 phần Phụ lục)

Việc số lượng án thừa kế tăng, giảm thất thường trong thời gian qua do nhiều nguyên nhân. Tuy nhiên, một trong những nguyên nhân đó là do các văn bản pháp luật quy định về thừa kế đã rõ ràng hơn, đầy đủ hơn. Đó là việc BLDS năm 2005 ra đời và có hiệu lực ngày 01/01/2006, theo đó các quy định về thừa kế nói chung về diện và hàng thừa kế nói riêng đã được quy định đầy đủ hơn so với BLDS năm 1995. Các văn bản pháp luật ban hành như vấn đề xác định cha, mẹ, con cũng được quy định cụ thể hơn… chính vì vậy các cấp Tòa án cũng dễ dàng áp dụng và độ chính xác cao hơn. Đó là một số nguyên nhân làm cho án thừa kế được thụ lý theo trình tự phúc thẩm giảm. Tuy nhiên,

đối lập với những nguyên nhân làm cho tranh chấp về thừa kế giảm là những nguyên nhân làm cho các tranh chấp về thừa kế ngày càng phức tạp hơn đó là giá trị các tài sản tranh chấp ngày càng cao hơn đặc biệt là các tranh chấp thừa kế liên quan đến tài sản là nhà, đất; các tranh chấp thừa kế có yếu tố nước ngoài ngày càng nhiều do trình độ phát triển kinh tế, xã hội ngày càng cao, người Việt Nam sang định cư, sinh sống ở nước ngoài tăng cao; diện thừa kế theo quan hệ chăm sóc, nuôi dưỡng tăng cao hơn.

Trong tổng số 641 án Tòa án nhân dân Thành phố Đà Nẵng đã thụ lý theo trình tự phúc thẩm từ năm 2007 đến năm 2011 thì có 607 vụ án được giải quyết, chiếm tỷ lệ 94.7%, số vụ chưa giải quyết là 34 vụ, chiếm tỷ lệ 5,3%. Trong số 607 án được giải quyết thì có 238 án được tuyên y án sơ thẩm, chiếm tỷ lệ 39,2%; số án bị sửa là 217 vụ, chiếm tỷ lệ 35,75%; số án bị hủy

là 152 vụ, chiếm tỷ lệ 25,05%.(xem Biểu đồ 3.6 phần Phụ lục)

Với những căn cứ nêu trên tại Tòa án nhân dân Tỉnh Thừa Thiên Huế và Tòa án nhân dân Thành phố Đà Nẵng, chúng ta sẽ nghiên cứu một số vụ án cụ thểđể thấy được thực trạng giải quyết tranh chấp về thừa kế ở hai Tòa án này.

Một phần của tài liệu Tài liệu Diện và hàng thừa kế theo quy định của Bộ luật dân sự (Trang 63 - 66)