- Yếu tố thuộc về thanh niên: Ở lứa tuổi này thường hay nông nổi trong suy nghĩ; chưa hiểu hết được những tác hại nguy hiểm của ma túy. Các em rất non kém trong việc nhìn nhận, phân tích và xử lý một vấn đề của cá nhân. Đa số thanh thiếu niên nghiện đều thất học khả năng nhận thức chậm, ý thức kỷ luật kém, coi thường việc học, sống không có mục đích lý tưởng. Trong quá trình đi học nhiều em đã bị nhà trường kỷ luật dẫn tới chán học, bỏ học và dần dần tiêm nhiễm thói hư tật xấu, đua đòi ăn chơi, sống buông thả. Do thiếu hiểu biết về tác hại của ma tuý, nên thường bị những đối tượng xấu kích động, lôi kéo sử dụng MT, tham gia vận chuyển, mua bán MT. Mặt khác muốn thoả mãn tính tò mò của tuổi trẻ, thích thể hiện mình, các em đã chủ động đến với MT. Khó khăn hơn nữa trong công tác giáo dục là những em không có việc làm, nghề nghiệp không ổn định có nhiều thời gian chơi bời, đàn đúm rượu chè cuối cùng sa vào con đường nghiện ngập, phạm tội như: trộm cắp, cướp giật, trấn lột…Từ đó chúng ta có thể thấy rằng ranh giới giữa sự nghèo nàn, sự hạn chế về nhận thức là nguy cơ dẫn đến tình trạng nghiện MT ở thanh niên.
- Yếu tố thuộc về gia đình: gia đình với chức năng nuôi dưỡng, quản lý, giáo dục con em, là nơi có nhiều thời gian nhất, có nhiều thuận lợi nhất về mọi phương diện để giúp các em nhận rõ được tác hại ghê gớm của MT và từ đó có cách phòng chống tốt nhất. Do mặt trái của cơ chế thị trường, đa số các bậc cha mẹ đều rất quan tâm đến việc học tập, rèn luyện của con em vẫn còn có những phụ huynh chỉ tập trung nhiều cho việc làm ăn, làm kinh tế, chưa quan tâm thỏa đáng, đúng mức tới con em, phó thác việc GD cho nhà trường. Với những người mà cha mẹ có mối qua hệ phức tạp như: ly thân, ly hôn... có xu hướng nghiện cao hơn. Những gia đình điều kiện kinh tế khá giả mà nuông chiều thái quá để cho con em mình có điều kiện giao du, chơi bời quá trớn cũng rất dễ bị mắc nghiện. Sự buông lỏng quản lý, ít quan tâm đến con cái, không khí gia đình không bình thường là những nguyên nhân dẫn đến con người tiếp cận với MT và trở thành người nghiện MT.
- Yếu tố nhà trường: nhà trường là môi trường có tác dụng to lớn đến sự hình thành nhân cách của các em. Đây là một tổ chức có tính chất chiến lược nhất trong việc phòng ngừa các em vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, nhiều nơi nhà trường cũng có những yếu kém, sai lầm góp phần làm gia tăng TNMT trong học sinh, ở nhiều trường các tổ chức đoàn, đội chưa thực sự là nơi để các thành viên trao đổi với nhau các quan điểm về cuộc sống, về hoài bão, về tâm tư, nguyện vọng để hoàn thiện bản thân. Tổ chức và kỷ luật của Đoàn, của Đội còn lỏng lẻo, không có chiều sâu về cả mặt nội dung và hình thức, nặng về thành tích mà lẩn tránh các vấn đề gai góc trong học sinh hiện nay như hỗ trợ học sinh nghèo vượt khó, học sinh với các tệ nạn xã hội (ma túy, mại dâm, cờ bạc…) điều này sẽ dẫn các em đến hoạt động tiêu cực, tụ tập chơi bời từ đó dễ bị tệ nạn ma tuý lôi kéo, quyến rũ.
- Sự phát triển về kinh tế - chính trị xã hội của đất nước: ngày nay, cùng với sự phát triển nhanh chóng của nền kinh tế - thị trường là sự chuyển biến mạnh mẽ trong đời sống xã hội, kéo theo quá trình phát triển văn hóa, lối sống thực dụng, văn hóa phẩm đồi truỵ, phim ảnh, thông tin không lành mạnh trên internet, các luồng văn hoá, tư tưởng từ bên ngoài tác động trực tiếp đến lối sống của con người và cũng chính thanh niên là những người nhanh nhạy với cái mới, dễ dàng tiếp thu và chấp nhận cái mới, là đối tượng bị ảnh hưởng nhiều nhất. Điều này làm cho một bộ phận thanh niên không thích ứng kịp, chưa được trang bị đầy đủ kỹ năng để thích nghi, dẫn đến tình trạng tụt hậu, không theo kịp bước tiến của sự phát triển. Từ đó, dễ nảy sinh những vấn đề xã hội, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển của đất nước. Vì vậy, cung cấp, trang bị cho thanh niên kỹ năng sống phù hợp với yêu cầu của tình hình mới, đó cũng chính là một nhiệm vụ quan trọng và cần thiết của tổ chức Đoàn các cấp.
- Truyền thống, phong tục, tập quán, văn hóa của dân tộc: những năm gần đây, với đặc thù địa bàn cùng với những phong tục tập quán lạc hậu chưa được xóa bỏ triệt để, một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa lén lút mua hạt giống cây thuốc phiện về trồng. Nghĩa là cây thuốc phiện cũng đã tái xuất hiện trở lại trên các đám nương, dẫy của đồng bào dân tộc thiểu số tại vùng sâu vùng xa. Đối với các tỉnh miền núi đặc biệt là vùng Tây Bắc của Tổ quốc vấn đề
trồng cây thuốc phiện; vấn đề nghiện hút và buôn bán MT ở các địa phương vẫn được bà con coi là một truyền thống, tập tục. Bởi theo phong tục họ cho rằng hút thuốc phiện là một thú vui. Điều này ảnh hưởng không nhỏ trong công tác giáo dục PCMT cho thanh niên.
- Yếu tố thái độ của cộng đồng, xã hội đối với tệ nạn ma túy:
Trên thực tế, người nghiện MT rất cần được giúp đỡ trong quá trình điều trị. Hơn ai hết, họ chính là những người cảm nhận rõ nhất những hậu quả mà MT gây ra cho bản thân, gia đình và xã hội. Thế nhưng họ lại chỉ nhận được thái độ kỳ thị của cộng đồng, xã hội. Đa số cộng đồng, xã hội cho rằng người nghiện MT thường là người không tốt như: kém ý thức, kém ý chí nghị lực trước những khó khăn; người nghiện MT còn thường đi kèm với vấn đề HIV, AIDS... Từ đó có thái độ khinh bỉ, phê phán và thiếu niềm tin, không tin vào tương lai của họ, về khả năng cai nghiện tái hòa nhập cộng đồng của người nghiện MT dè bỉu, xua đuổi, lên án rằng người nghiện MT “đáng bị như thế”…Sự kỳ thị với người nghiện ma túy còn trở nên gay gắt hơn sự kỳ thị đối với những nhóm người được xem là khác biệt khác trong xã hội.