7. Kết cấu của luận án
4.2.2. Nâng cao năng lực bộ máy, đội ngũ cán bộ thực hiện hoạt động
nhà nước về biểu diễn nghệ thuật
Cán bộ quản lý nghệ thuật là một thành tố để xây dựng nguồn nhân lực trong các tổ chức BDNT. Do vậy, việc đào tạo và nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ quản lý nghệ thuật cần đặt lên hàng đầu. Công tác cán bộ luôn là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của Đảng và Nhà nước và các cấp chính quyền. Nghị quyết số 03- NQ/TW, ngày 18-6-1997, của Hội nghị lần thứ ba Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VIII về “Chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” khẳng định, cán bộ là nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng, gắn liền với vận mệnh của Đảng, của đất nước và chế độ, là khâu then chốt trong công tác xây dựng Đảng. Nghị quyết số 26-NQ/TW, ngày 19-5-2018, về “Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ” được thông qua tại Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, tiếp tục khẳng định cán bộ là nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng; công tác cán bộ là khâu “then chốt” của công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, “đầu tư xây dựng đội ngũ cán bộ là đầu tư cho phát triển lâu dài, bền vững”. Vấn đề đặt ra là, trong điều kiện xã hội hóa hiện nay, làm sao để công tác phát triển đội ngũ cán bộ nói chung, phát triển đội ngũ cán bộ văn hóa - nghệ thuật nói riêng, vừa đúng định hướng, chủ trương của Đảng, vừa thu hút được sự tham gia, hỗ trợ của các nguồn lực xã hội. Muốn làm được vậy, cần có
sự định hướng, giám sát, chịu trách nhiệm của Nhà nước và sự tham gia của nhân dân trong mọi hoạt động, như quy hoạch, tuyển dụng cán bộ, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng cán bộ, cũng như thực thi các chính sách đãi ngộ, hỗ trợ cán bộ...
Nhà nước cần xây dựng chiến lực phát triển đội ngũ cán bộ quản lý văn hóa, coi trọng quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí cán bộ lãnh đạo, quản lý văn hóa, cán bộ ở cơ sở để cung cấp nguồn nhân lực có chất lượng cao cho nhiệm vụ phát triển ngành NTBD. Đội ngũ cán bộ quản lý văn hóa phải nhạy bén, thích nghi với cơ chế thị trường, được nâng cao năng lực và trình độ xây dựng, triển khai thực hiện chính sách kinh tế trong lĩnh vực đời sống văn hóa. Ngoài việc có trình độ chuyên môn, đội ngũ quản lý văn hóa phải là người có đạo đức, có tâm để làm công cụ quản lý. Đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu về quản lý về BDNT họ phải được đào tạo bài bản về chuyên môn nghệ thuật, đáp ứng nhu cầu phát triển ngày càng cao của các loại hình nghệ thuật, được làm việc với cách thức tổ chức sáng tạo, năng động. Các Bộ quản lý cần phải được trang bị phương thức quản lý phù hợp với môi trường có đặc thù như NTBD.
Với sự cạnh tranh khốc liệt mang tính toàn cầu, ông bầu của một nghệ sĩ cũng phải là người có nghề nữa là cả một tổ chức quản lý biểu diễn mang tâm quốc gia. Người ta thường có câu cửa miệng đối với QLNN ta là “không quản được thì cấm”. Điều đó chắc chắn có lý do của nó, mà trước tiên chúng ta phải nói đến lỗ hổng trong công tác đào tạo, tạo nguồn nhân lực quản lý nghệ thuật. Muốn điều đó không xảy ra nữa, chúng ta cần đào tạo ra những người quản lý phải có nghề, có tầm, có tâm để điều hành công việc chuẩn xác, chứ không phải đi dọn dẹp hậu quả. Các tổ chức quản lý biểu diễn cần có tầm nhìn xa chứ không thể mơ hồ, cảm tính dựa vào thanh tra, kiểm tra và soi theo quy chế. Nói đến việc đào tạo ở đây là chúng ta nói đến việc cung cấp về tri thức thực hành để đạt được mục tiêu quản lý, chứ không phải là đào tạo để lấy văn bằng hợp lý hóa cho người quản lý.
Với thực tế ở Việt Nam, từ trước tới nay, các nhà quản lý các đơn vị nghệ thuật phần nhiều cũng từ nghệ sĩ mà đi lên, có nghĩa là họ không hề được đào tạo về nghiệp vụ quản lý, nhất là quản lý một đơn vị nghệ thuật hoạt động trong cơ chế kinh tế thị trường thì càng không có ai. Do đó, nghề quản lý biểu diễn là một nghề ở Việt Nam chưa đạt đến trình độ chuyên nghiệp. Đây là điểm yếu rất rõ trong công tác quản lý NTBD ở Việt Nam khi chuyển sang kinh tế thị trường.
QLNN về BDNT cần sự chuyên nghiệp và đồng bộ, kể cả khâu tổ chức và quản lý trong quản lý BDNT. Trên thực tế, lực lượng cán bộ quản lý nghệ thuật ở Việt Nam hiện nay hầu hết là xuất phát từ các nghệ sĩ giàu kinh nghiệm biểu diễn,
cộng thêm thâm niên thực hành vai trò quản lý. Vì vậy, trước mắt khắc phục vấn đề này cần phải có những củng cố của các chuyên ngành như: pháp luật, lý luận, kinh tế… Những người này sẽ giúp đảm bảo tính chuyên nghiệp và khả thi cho từng công việc cụ thể. Chẳng hạn như: Đề ra những văn bản về nội dung chặt chẽ về mặt pháp lý thì cần phải có luật sư soạn thảo. Đề ra các quyết định mang tính thuyết phục cao về mặt chuyên môn cũng như thẩm định về nghệ thuật của các tác phẩm hoặc duyệt chương trình biểu diễn thì cần có sự tham gia của các nhà lý luận chuyên nghiệp. Để ra quy định về định mức đầu tư hoặc xử phạt hợp lý lại rất cần đến sự đóng góp ý kiến của các chuyên gia tài chính kinh tế.
Nhân tố con người quyết định sự thành bại của công việc. Tuy nhiên, làm như thế nào để có thể sử dụng có hiệu quả con người nói riêng và nguồn nhân lực nói chung thì lại là vấn đề từ lâu được các quốc gia, trong đó có Việt Nam đang đặc biệt quan tâm. Nguồn nhân lực là tiềm năng lao động của một nước, một địa phương, một tổ chức… bao hàm toàn bộ khả năng về thể lực, trí lực và nhân cách đáp ứng yêu cầu của xã hội nói chung, của địa phương của tổ chức nói riêng.
Trên thế giới, ở các nước có nền kinh tế cũng như nghệ thuật phát triển mạnh như Anh, Pháp, Mỹ, Đức Liên Xô (trước đây)…đã từ lâu quản lý nghệ thuật được coi là một nghề. Cũng từ lâu, từ những năm giữa thế kỷ XX, ở các nước này đã có những chương trình đào tạo người quản lý văn hóa nghệ thuật, đặc biệt là người quản lý ở các lĩnh vực NTBD: nhà hát, âm nhạc, câu lạc bộ… Ngày nay ngành quản lý văn hóa nghệ thuật càng thu hút nhiều học viên, là một ngành, một khoa lớn năm trong các trường đại học danh tiếng ở Anh, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc… Hiện nay ở Việt Nam, trong các Trường đào tạo về nghệ thuật chưa có chuyên ngành quản lý nhà hát chuyên nghiệp, quản lý tổ chức BDNT (mặc dù đã có khoa Quản lý văn hóa). Đã đến lúc các cơ sở đào tạo, nhà nước nghĩ đến việc mở mã ngành này để cung cấp nguồn nhân lực cho các đơn vị nghệ thuật về lâu dài.
Đối với đội ngũ cán bộ QLNN về BDNT chúng ta cần quan tâm đến việc bồi dưỡng năng lực chuyên môn, năng lực quản lý, và đạo đức nghề nghiệp. Tổ chức sắp xếp lại cán bộ theo năng lực chuyên môn, bản lĩnh chính trị và tư cách đạo đức. Cần đầu tư các phương tiện kỹ thuật nhằm xử lý tốt các nghiệp vụ; đảm bảo tính chính xác, kịp thời, khoa học và khách quan. Đây là yêu cầu gắt gao và bắt buộc đối với những người thực thi pháp luật.
Để phát triển hơn nữa đội ngũ cán bộ văn hóa - nghệ thuật, nhất là đội ngũ giảng viên của ngành, ngày 30-5-2011, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 808/QĐ-TTG phê duyệt Đề án “Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, giảng viên
trình độ cao trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật, giai đoạn 2011 - 2020”, trong đó nhấn mạnh đến những giải pháp có tính đến yếu tố xã hội hóa, như tăng cường hợp tác quốc tế, mở rộng liên kết đào tạo với các cơ sở đào tạo văn hóa - nghệ thuật có uy tín ở nước ngoài; trên cơ sở đó có kế hoạch tuyển chọn cán bộ, giảng viên và sinh viên đi học tại các cơ sở đào tạo văn hóa - nghệ thuật ở nước ngoài đáp ứng mục tiêu hợp tác đào tạo toàn thời gian hoặc một phần thời gian ở nước ngoài; triển khai đồng bộ nhiều giải pháp đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả công tác xã hội hóa, thu hút các nguồn lực, kinh phí thực hiện Đề án, tăng nguồn đầu tư đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, giảng viên trình độ cao lĩnh vực văn hóa - nghệ thuật ở trong nước và nước ngoài. Tiến hành việc đánh giá, sơ kết, tổng kết thường xuyên kết quả đào tạo để kịp thời rút kinh nghiệm, có sự điều chỉnh, bổ sung kế hoạch và động viên, khen thưởng. Xây dựng và ban hành cơ chế, chính sách sử dụng và phát huy năng lực cán bộ, giảng viên sau khi được đào tạo.