Trong những năm gần đây, ngành chăn nuôi lợn nước ta phát triển mạnh mẽ, song song với sự phát triển đó, thì tình hình dịch bệnh cũng biến đổi phức tạp. Hội chứng M.M.A ngày càng phổ biến. Do trình độ còn hạn chế, do chủ quan của người chăn nuôi, nên hội chứng M.M.A ngày càng nhiều.
Lợn nái ngoại nuôi theo mô hình trang trại tại các tỉnh phía Bắc Việt Nam có tỷ lệ mắc hội chứng M.M.A dao động từ 47,39% đến 53,33%. Trong đó lợn mắc thể điển hình là 6,45% (Trịnh Đình Thâu và cs, 2015) [14].
Theo Lê Xuân Cường (1986) [2], lợn nái chậm sinh sản do nhiều nguyên nhân trong đó tổn thương bệnh lý sinh dục chiếm tỷ lệ đáng kể. Đặc biệt các lợn nái đẻ khó cần áp dụng các thủ thuật ngoại khoa thì niêm mạc đường sinh dục rất dễ bị tổn thương và dẫn đến viêm tử cung.
Hầu hết các trường hợp viêm tử cung đều có sự xuất hiện của vi sinh vật cơ hội thường xuyên có mặt trong chuồng nuôi. Lợi dụng lúc sinh sản, tử cung có nhiều sản dịch, vi khuẩn xâm nhập vào cơ quan sinh dục gây viêm tử cung.
Bệnh viêm vú do nhiều nguyên nhân nhưng chủ yếu là do vi khuẩn xâm nhập và gây bệnh. Các loại vi khuẩn đều có thể gây viêm vú nhưng chủ yếu là liên cầu khuẩn 86%, tụ cầu khuẩn 5,4%, trực khuẩn sinh mủ 2,7%, E.coli 1,2%, các vi khuẩn khác 4,7% (Nguyễn Như Pho, 2002) [12].
Nguyễn Văn Thanh và cs. (2015) [13] cho biết, khi lợn nái mang thai cổ tử cung sẽ đóng rất chặt vì vậy nếu có mủ chảy ra thì có thể là do viêm bàng quang. Nếu mủ chảy ở thời kì động dục thì có thể bị nhầm lẫn.
Theo tác giả Nguyễn Văn Thanh (2002) [12] khi nghiên cứu tình hình mắc bệnh viêm tử cung ở đàn lợn nái ngoại nuôi ở đồng bằng Sông Hồng tác giả cho biết khi tiêm PGF2α kết hợp với lugol 0,1% thụt rửa tử cung ngày một lần cho hiệu quả cao, rút ngắn thời gian điều trị cũng như thời gian động dục lại của lợn nái.
Theo tác giả Trần Tiến Dũng và cs. (2002) [5], khi gia súc bị bệnh viêm tử cung ở thể viêm cơ, viêm tương mạc thì không nên tiến hành thụt rửa bằng các chất sát trùng với thể tích lớn. Vì khi tổn thương nặng, cơ tử cung co bóp yếu, các chất bẩn không đẩy ra ngoài được, lưu trữ trong đó làm cho bệnh nặng thêm. Các tác giả còn đề nghị nên dùng oxytocin hoặc PGF2α kết hợp với kháng sinh điều trị toàn thân và cục bộ.
Theo Nguyễn Văn Điền (2015) [24], đối với lợn nái viêm nhẹ điều trị bằng cách đặt viên thuốc kháng sinh oxytetracyclin vào âm đạo 5 - 7 ngày. Tiêm amoxicyclin 15% 3 lần liên tiếp mỗi lần cách nhau 48 giờ.