8. Bố cục bài tiểu luận:
2.2.2. Sự ảnh hưởng của văn học dân gian đến truyện truyền kì:
Không khó để ta nhận ra sự ảnh hưởng của văn học dân gian đến các tác phẩm truyền kì. Ta dễ dàng bắt gặp trong những sáng tác truyền kì những câu chuyện mang cốt truyện dân gian hoặc dã sử, các môtip quen thuộc trong truyện dân gian. Và có không ít những truyện truyền kì vốn là những truyện dân gian được sáng tạo lại.
Trong Thánh Tông di thảo có truyện Chồng dê. Ngay nhan đề của truyện cũng đã khiến ta nhớ đến kiểu truyện người lấy vật rất quen thuộc trong truyện cổ tích thần kì của văn học dân gian (như những truyện Lấy vợ cóc, Lấy chồng dê). Và diễn biến của truyện tưởng cũng không khác lắm so với chuyện cổ tích. Người con gái hiếu thuận nết na, có được người chồng vốn là thần tiên trên trời vì phạm lỗi mà bị đọa, ẩn hình trong dáng dê. Người chồng dê đẹp hơn Tống Ngọc, Phan Lang ấy phải chăng là phần thưởng xứng đáng cho cô gái có tấm lòng hiếu thảo? Cũng trong Thánh Tông di thảo, truyện Ngọc nữ về tay chân chủ ít nhiều mang dáng dấp của truyền thuyết Sơn Tinh, Thủy Tinh với chi tiết Ngọc Hoàng kén rể, Sơn thần và Thủy thần đến thi tài để được vợ.
Một số truyện trong Truyền kì mạn lục có nguồn gốc truyện dân gian rất rõ như Chuyện Từ Thức lấy vợ tiên vốn được sáng tạo lại từ truyện Từ Thức lên tiên trong dân gian hay Chuyện người con gái Nam Xương cũng là một phóng tác từ truyện cổ tích Vợ chàng Trương.
Truyện Vân Cát thần nữ trong Truyền kì tân phả lại được biết đến như một tác phẩm sáng tạo lại dựa trên những truyền thuyết về bà chúa Liễu Hạnh, một trong Tứ Bất Tử nổi tiếng trong văn học và văn hóa dân gian.
Mối tình của chàng trai nghèo làm nghề lái đò giỏi ca hát với nàng tiểu thư nhà giàu họ Trần trong Chuyện tình ở Thanh Trì (Lan Trì kiến văn lục) ít nhiều khiến ta nghĩ đến mối tình chàng Trương Chi tội nghiệp và cô Mị Nương xinh đẹp trong truyện cổ tích. Nếu truyện cổ tích kết thúc bằng cái chết của Trương Chi và hình bóng chàng lái đò thổi sáo tan trong chén nước khi có nước mắt của tiểu thư Mị Nương rỏ vào thì ở đây lại kết thúc bằng cái chết của cô gái và trái tim hóa thành một khối đỏ như son của nàng tan thành máu tươi, chảy đầm đìa trên tay áo chàng trai khi hai hàng lệ của chàng trào xuống khối đá ấy. Dù có sự khác biệt, cả hai mối tình ấy đều khiến ta cảm động bởi sự thủy chung son sắt của người trong cuộc. Cũng trong Lan Trì kiến văn lục, ta đọc thấy truyện Ông Tiên ăn mày và ta có thể ngờ rằng đây là một câu chuyện cổ tích được ghi chép lại bởi nó mang nội dung chủ đề, diễn biến cốt truyện rất điển hình của một truyện cổ tích, kiểu truyện quá đỗi quen thuộc với bao người Việt Nam. Đó là câu chuyện về hai anh em Giáp (người anh) và Ất (người em). Người anh tham lam keo kiệt, có người vợ cũng thô bạo xấu xa, tranh cướp hết tài sản của cha để lại, người em hiền lành chăm chỉ chỉ được gian nhà nát cùng một khoảnh ruộng xấu. Khi gặp người ăn mày tội nghiệp, người em đối đãi tử tế, và được người ăn mày (vốn là tiên giả dạng) đền ơn và trở nên giàu có. Người anh tham lam khi biết chuyện, muốn được giàu có như em nên đi tìm người ăn mày ấy. Ngờ đâu, gặp người ăn mày thật, không phải là tiên giả dạng, người anh vì đánh cụ già ăn mày đó, bị thưa kiện lên quan và vợ chồng người anh bị trừng trị. Quả thật, kiểu truyện này không hề xa lạ với bất cứ người nào ưa thích truyện cổ tích.
Diễn biến của đại đa số các truyện truyền kì khá tương đồng với diễn biến trong truyện cổ dân gian. Mở đầu mỗi truyện là đôi dòng giới thiệu về nhân vật, tiếp đó kể về những sự việc thể hiện phẩm chất của nhân vật hoặc cuộc đấu tranh thiện ác giữa nhân vật chính và nhân vật phản diện và kết thúc thường là kết thúc có hậu, kẻ ác bị trừng trị, người hiền được báo đáp, chính nghĩa thắng gian tà. Có thể thấy rõ đặc điểm này trong những truyện thuộc tuyển tập Truyền kì mạn lục. Ta thử khảo sát vài truyện làm ví dụ. Chuyện chức phán sự đền Tản Viên bắt đầu bằng những dòng giới thiệu về nhân vật chính: “Ngô Tử Văn tên là Soạn, người huyện Yên Dũng đất Lạng Giang. Chàng vốn khẳng khái nóng nảy, thấy sự tà gian thì không thể chịu được, vùng Bắc vẫn khen là người cương trực”. Tiếp đến là sự kiện Ngô Tử Văn đốt đền tà và những tình tiết xoay quanh việc đốt đền thể hiện bản tính cương trực, cứng cỏi của Ngô Tử Văn. Và kết thúc
bằng việc Bách hộ họ Thôi bi đày vào ngục Cửu u, mồ bị phá tung. Hay Chuyện người con gái
Nam Xương cũng có diễn biến cốt truyện tương tự. Sau đôi dòng khái quát về nhân vật Vũ Nương: “Vũ Thị Thiết, quê ở Nam Xương, tính đã thùy mị nết na, lại thêm tư dung tốt đẹp…” là những sự việc khắc họa phẩm chất hiếu thảo, thủy chung của Vũ Nương cùng nỗi oan tình của nàng: sự kiện mẹ chồng bệnh rồi mất, việc nàng trỏ bóng mình bảo là cha bé Đản, việc Trương Sinh nghi ngờ nàng thất tiết khiến nàng phải trầm mình tự vẫn. Kết thúc bằng sự kiện Vũ Nương được giải oan, và sống sung sướng dưới thủy cung. Cùng kiểu kết cấu này có thể kể đến Chồng dê (Thánh Tông di thảo ), Ông tiên ăn mày, Lan quận công phu nhân (Lan Trì kiến văn lục)… Nói truyện truyền kì gần với văn học dân gian còn bởi vì có thể bắt gặp trong truyện truyền kì những môtip ta vẫn thường gặp trong truyện cổ dân gian: mô tip người lấy vật, mô tip về sự thụ thai hay ra đời thần kì, mô tip nằm mộng, được điềm báo, mô tip vợ bị cướp, mô tip xuống thủy cung, âm ti, hay lên thiên tào, cõi tiên… Motip người lấy vật có thể kể đến những truyện:
Chồng dê, Duyên lạ xứ Hoa (Thánh Tông di thảo ), Chuyện kì ngộ ở trại Tây (Truyền kì mạn lục). Motip về sự thụ thai thần kì có: Chuyện gã trà đồng giáng sinh (Truyền kì mạn lục), Vân Cát thần nữ (Truyền kì tân phả). Mô tip nằm mộng, được điềm báo có thể thấy trong rất nhiều
truyện truyền kì: Duyên lạ xứ Hoa (Thánh Tông di thảo), Câu chuyện ở đền Hạng Vương,
Chuyện yêu quái ở Xương Giang, Cuộc nói chuyện thơ ở Kim Hoa (Truyền kì mạn lục), Tháp Báo Ân (Lan Trì kiến văn lục),…