CUỘC ĐỜI VÀ TÁC PHẨM “TRUYỀN KÌ MẠN LỤC” CỦA NGUYỄN DỮ:

Một phần của tài liệu Đặc trưng thể loại truyện truyền kì và khảo sát qua “truyền kì mạn lục” của nguyễn dữ (Trang 34 - 36)

“TRUYỀN KÌ MẠN LỤC” CỦA NGUYỄN DỮ

3.1. CUỘC ĐỜI VÀ TÁC PHẨM “TRUYỀN KÌ MẠN LỤC” CỦA NGUYỄN DỮ:

3.1.1. Khái quát cuộc đời của Nguyễn Dữ:

Những tài liệu ghi chép về Nguyễn Dữ hiện còn rất sơ lược, tập trung lại có một số điểm đáng lưu ý:

Nguyễn Dữ (còn có thể đọc là Nguyễn Tự), người xã Đường Lâm, huyện Gia Phúc, thuộc Hồng Châu xưa (nay là huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương). Chưa rõ ông sinh và mất năm nào. Chỉ biết Nguyễn Dữ là con Nguyễn Tường Phiêu, tiến sĩ khoa Bính Thìn, niên hiệu Hồng Đức năm

thứ 27 (1486), làm quan tổ chức Thừa tuyên sứ, hàm Thượng thư. Từ điều này có thể suy đoán: nhiều khả năng Nguyễn Dữ sinh vào cuối thể kỉ XV và sống chủ yếu vào nửa đầu thế kỉ XVI. Nguyễn Dữ thuộc dòng dõi khoa bảng, có tài năng, đọc rộng, biết nhiều, có hoài bão giúp đời. Thời trẻ, Nguyễn Dữ từng mùi mài kinh sử, có thể đã từng theo học Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491- 1585). Bởi theo Công dư tiệp kí của Vũ Phương Đề thì Nguyễn Dữ là học trò Nguyễn Bỉnh Khiêm, bạn học với Phùng Khắc Khoan (1528-1613). Ông đã hương tiến, được bổ làm tri huyện Thanh Tuyền (nay là Bình Nguyên, Phú Thọ).

Nguyễn Dữ ra làm quan một năm thì cáo quan về, lấy lí do phụng dưỡng mẹ già cho trò đạo hiếu, từ đó “Trải mấy mươi sương chân không bước đến thành thị” (Bùi Huy Bích – Hoàng Việt thi tuyển)”. Lê Quý Đôn tỏng Kiến văn tiểu lục cũng cho biết: “Vì ngụy Mạc cướp ngôi vua, ông thề không tà làm quan, ở thôn quê dạy học trò, không bao giờ để chân đến thành thị”. Như vậy, Nguyễn Dữ về ẩn dật chủ yếu là do bất mãn với kẻ đương quyền.

Về ẩn dật nhưng Nguyễn Dữ vẫn không từ bỏ hoài bão giúp đời. Ông viết Truyền kì mạn lục để kí thác tâm sự của mình., để bày tỏ thái độ đối diện với hiện thực xã hội đương thời. Qua

Truyền kì mạn lục, có thể thấy Nguyễn Dữ là người ưu thời mẫn thế, có tinh thần dân tộc và tư tưởng thân dân sâu sắc.

3.1.2. Vài nét về tác phẩm “Truyền kì mạn lục”:

Nguyễn Dữ còn để lại một tập truyện văn xuôi chữ Hán Truyền kì mạn lục. Tác phẩm này có thể được ông sáng tác trong thời gian cáo quan về phụng dưỡng mẹ già. Cũng có thể Nguyễn Dữ viết sau khi tiếp xúc và chịu ảnh hưởng của tác phẩm Tiễn đăng tân thoại của tác giả Trung Hoa là Cù Hựu, tức Cù Tông Cát (1347-1433). Tuy nhiên, phần sáng tạo của Nguyễn Dữ là hết sức lớn, quyết định thành công nghệ thuật và giá trị của Truyền kì mạn lục để tác phẩm được người đời sau ca ngợi là “thiên cổ kì bút”.

Truyền kì mạn lục gồm 4 quyển, 20 truyện, có lời tựa của Hà Thiện Hán đề năm 1547. Theo Phan Huy Chú trong Lịch triều hiến chương loại chí thì tác phẩm này gồm 22 truyện, nhưng các bản sách hiện còn đều có 20 truyện.

Tương truyền Truyền kì mạn lục được Nguyễn Thế Nghi (người Mộ Trạch, Đường An, Hải Dương đỗ tiến sĩ đời Mạc Đăng Doanh, người sống cùng thời với Nguyễn Dữ) diễn Nôm. Khoảng giữa thế kỉ XVIII bản Nôm này vẫn còn được lưu hành.

Là tác phẩm tiêu biểu nhất cho thể loại truyền kì của văn học trung đại Việt Nam, Truyền kì mạn lục gồm 20 truyện ngắn viết bằng chữ Hán của Nguyễn Dữ. Tác phẩm được Vũ Khâm Lân, nhà văn thế kỉ XVIII, đánh giá là “thiên cổ kì bút” và tiến sĩ Phạm Hùng, nhà nghiên cứu văn học hiện đại, khẳng định: Nguyễn Dữ là nhà tiểu thuyết truyền kì nổi tiếng nhất của Việt Nam thời trung đại và Truyền kì mạn lục là tác phẩm văn xuôi duy nhất của Việt Nam từ xa xưa được đánh giá là “thiên cổ kì bút”, một cái cột mốc lớn của lịch sử văn học, sau này được dịch ra nhiều thứ tiếng trên thế giới.

Truyền kì mạn lục có nghĩa là ghi chép những câu chuyện tản mạn được lưu truyền. Nhan đề cho thấy sự khiêm tốn của tác giả. Bởi lẽ, Truyền kì mạn lục không chỉ là một quyển sách ghi

chép đơn thuần mà thật sự là một sáng tác của Nguyễn Dữ với sự gia công, hư cấu sáng tạo đặc sắc của nhà văn khi viết tác phẩm này dựa trên những truyện được lưu truyền trong nhân dân. Tác phẩm viết bằng tản văn xen lẫn biền văn và thơ ca, cuối mỗi truyện đều có lời bình của tác giả. Hầu hết các truyện kể về các sự việc xảy ra vào đời Lí đời Trần, đời Hồ hoặc đời Lê sơ. Mặc dù vậy, ta vẫn thấy được hiện thực xã hội Việt Nam thế kỉ XVI hiện lên từ đó. Nội dung chủ đề Truyền kì mạn lục khá phong phú. Có truyện đả kích bọn hôn quân bạo chúa, quan tham lại nhũng; có truyện thể hiện chí khí của kẻ sĩ, quan niệm sống lánh đục về trong của sĩ phu ẩn dật; có truyện viết về tình yêu nam nữ, hạnh phúc lứa đôi, tình nghĩa vợ chồng; có truyện thể hiện tinh thần dân tộc mạnh mẽ khi đối tượng phê phán là bọn giặc ngoại xâm. Truyền kì mạn lục vì vậy không chỉ giàu giá trị hiện thực mà còn đầy giá trị nhân đạo, nhân văn. Tác giả, thông qua những câu chuyện mang màu sắc truyền kì đã thể hiện sự đồng cảm với nỗi khổ đau của nhân dân, đặc biệt là người phụ nữ; ca ngợi những phẩm chất đẹp và tài năng của con người, thông cảm với những khát vọng tình yêu của tuổi trẻ… Truyền kì mạn lục cũng là một tác phẩm thành công về mặt nghệ thuật. Diễn biến truyện trong các truyện ngắn của Truyền kì mạn lục thường giàu kịch tính, kết hợp một cách nhuần nhuyễn giữa ngôn ngữ tác giả và ngôn ngữ nhân vật, giữa tự sự và trữ tình, giữa văn xuôi và văn biền ngẫu; nhân vật có tính cách, có số phận riêng. Tác phẩm là sáng tác tiêu biểu cho thành tựu của loại hình văn học hình tượng viết bằng chữ Hán dưới ảnh hưởng của sáng tác dân gian (Theo Từ điển Văn học bộ mới).

Một phần của tài liệu Đặc trưng thể loại truyện truyền kì và khảo sát qua “truyền kì mạn lục” của nguyễn dữ (Trang 34 - 36)