ó nhiều nghi lễ trong một vòng đời của người Chăm Bà Ni ở Ninh Thuận: Lễ cầu khai hoa nở nhụy, lễ đầy tháng, lễ thôi nôi, lễ thành đinh, lễ trưởng thành thiếu nữ, lễ cưới, lễ cúng cầu an…
Tuy nhiên, lễ trưởng thành cho thiếu nữ Chăm Bà Ni (hay còn gọi Lễ Karơh) được coi là một trong những nghi lễ quan trọng nhất, bởi đây là thời điểm chuyển tiếp tuổi trưởng thành của thiếu nữ để chuẩn bị bước vào tuổi hôn
nhân, và họ được cả cộng đồng làng, tôn giáo công nhận mình đã lớn. Sau nghi lễ này, người thiếu nữ có thể tự do yêu đương và lựa chọn bạn đời.
Ở tuổi 15, các cô gái Chăm đều trải qua sự kiện quan trọng này, sau khi được sự chấp thuận của thầy Trang, gia đình các cô gái sẽ chọn nơi tổ chức, có thể trong sân vườn của một gia đình nào đó. Hai chiếc lều sẽ được dựng lên theo hướng đông - tây, một cho các thầy Trang và một cho các cô gái.
Vào ngày lành tháng tốt đã chọn, nghi lễ sẽ do các chức sắc của cộng đồng Chăm tiến hành. Một nhóm 4 hoặc 5 cô gái cùng lứa tuổi, ngồi tập trung trong một căn lều đầy màu sắc, hồi hộp, căng thẳng chờ đợi nghi thức đầu tiên… Một bà cụ sẽ đưa các cô gái đến giếng nước để làm lễ tẩy trần, chuẩn bị bước vào lễ chính.
Trở lại lều, mỗi cô gái được 2 hoặc 3 phụ nữ chăm sóc: Thay trang phục truyền thống và đeo đồ trang sức bằng đồng (hoặc vàng) như vòng tay, nhẫn, dây chuyền… Mái tóc được cẩn thận búi cao, các cô gái phủ lên người những bộ trang phục màu vàng rực rỡ, với khăn thêu đỏ che mặt bước vào lều chính, nơi các thầy Trang đang ngồi xung quanh, từng cô gái sẽ được cầu nguyện, chúc phúc, làm lễ cắt tóc - nghi thức quan trọng nhất của lễ trưởng thành.
Kết thúc nghi lễ, các cô gái tự hào đón nhận những lời chúc mừng nồng nhiệt và quà tặng từ gia đình và họ hàng. Từ đây, họ chính thức là một phụ nữ Chăm trong cộng đồng mẫu hệ.
Phóng sự ảnh của Lý Hoàng Long
Nguồn: Báo Lao động
Nghi thức cắt tóc.