Khai thác tại không gian làng nghề

Một phần của tài liệu Tran-Thi-Ngoc-Bich-VH1802 (Trang 58 - 60)

2.2.1.1.Tại làng tranh Sình

Hiện nay, để di chuyển tới làng Sình tham quan, du khách có thể đi bằng đường bộ và đường thủy, du khách thường xuất phát từ bến thuyền Tòa Khâm, du thuyền rồng xuôi dòng sông Hương ghé thăm làng Sình, đi bằng xe đạp thăm quan nhà trưng bày tranh (nhà của nghệ nhân Kỳ Hữu Phước) và quy trình làm tranh, sau đó thăm quan chùa Súng Hóa, đình làng Lại Ân.

Điểm thăm quan chính khi du khách đặt chân tới làng tranh truyền thống này chính là nhà của nghệ nhân Kỳ Hữu Phước. Và chỉ tại nhà của nghệ nhân Kỳ Hữu Phước mới có những bộ tranh trang trí tinh xảo và giá trị hơn cả. Trong căn nhà của người nghệ nhân có một gian trưng bày các sản phẩm tranh: “Sinh Village’s Folk paintines” do công ty lữ hành Hương Giang tài trợ [4]. Năm nay đã ngoài 70 tuổi nhưng ông Phước đã có hơn 60 năm gắn bó với nghề tranh. Làng tranh sống lại, nhưng phần lớn người dân trong làng sử dụng phẩm màu, giấy công nghiệp cho nhanh và rẻ. Chỉ riêng ông Phước vẫn trung thành với vật liệu giấy dó và màu tự nhiên. Tuy dòng sản phẩm này chỉ sản xuất theo đơn đặt hàng, nhưng ông vẫn gắng duy trì vì ông quan niệm đó là tinh hoa của nghề tranh, phải giữ lấy.

Hiện nay ông Kỳ Hữu Phước đang lưu giữ 64 mộc bản, trong đó có những tấm hơn 150 năm tuổi. Để tranh đến được nhiều nơi, phục vụ du khách, tạo nguồn lực cho làng phát triển, ông Phước đã nghĩ ra việc làm những bản khắc gỗ mới với nội dung mới, không bó hẹp trong việc thờ cúng như trước đây. Những nội dung như trò chơi dân gian, phong cảnh, làm lịch cũng được ông đưa vào tranh và được nhiều du khách yêu thích [4]. Bởi ông luôn quan niệm nghề làm tranh là luôn luôn phải sáng tạo, như vậy mới tạo ra sự đa dạng, tạo cho du khách có nhiều sự lựa chọn hơn.

Theo nghệ nhân Kỳ Hữu Phước, loại tranh giấy rất khó đem đi xa vì giấy điệp và màu sơn vốn không giữ được lâu nếu bảo quản không tốt, tranh lớn cũng gây khó khăn và e ngại cho du khách mỗi khi muốn mang về làm quà. Ông Phước nghĩ ra cách làm ống tre rồi cuộn tranh cho vào bên trong, giúp giữ tranh được lâu và cũng làm sản phẩm du lịch thêm hấp dẫn, khách nước ngoài dễ mang về nước của họ [4]. Thế là tranh dân gian làng Sình có điều kiện theo chân

khách thập phương đi khắp nơi trên thế giới. Tên làng Sình được khắc trên vỏ ống tre, cả tên nghệ nhân làm tranh và số điện thoại. Sáng kiến này giúp tranh bán được mỗi năm một nhiều hơn. Ông Kỳ Hữu Phước được chính thức công nhận là Nghệ nhân dân gian đầu năm 2011 và đạt nhiều giải thưởng, chứng nhận khác, trong và ngoài tỉnh [4]. Cùng với ông Phước, làng Sình còn có ông Địch, bà Hậu, khá nhiều thanh niên và thanh thiếu niên cũng đang góp phần chung tay nuôi nghề, giữ nghề.

Nhận thức được vai trò của du lịch với đời sống người dân trong làng, chính quyền địa phương tạo điều kiện bằng cách mở lớp tập huấn nông dân làm du lịch, triển khai mô hình du lịch sinh thái đi thuyền trên sông Hương kết hợp tham quan làng nghề. Vào mùa cao điểm du lịch, mỗi ngày làng Sình có thể đón năm đến bảy đoàn khách tham quan, chưa tính du khách đi nhóm lẻ. Sắp tới đây vào năm 2019, cụm làng nghề với 3 cơ sở trưng bày tranh mộc bản xứ Huế phục vụ du lịch sẽ hình thành [4]. Du khách đến làng nghề sẽ được trải nghiệm văn hóa, tìm hiểu về nguồn gốc của dòng tranh dân gian làng Sình, được xem hơn 70 sản phẩm tranh mộc bản, được hướng dẫn cách tạo tranh từ mộc bản lên giấy dó và được thử sự khéo léo khi tham gia tạo nên một bức tranh truyền thống…

Tranh làng Sình cũng nhận được sự quan tâm của những họa sĩ tâm huyết với nghề. Trong một nỗ lực để bảo tồn tranh làng Sình đồng thời kết nối các làng nghề, họa sĩ Phan Hải Bằng và các cộng sự cũng đã nghiên cứu và muốn kết hợp mô-típ truyền thống với những loại hình sản phẩm đa dạng khác để nhiều người biết đến tranh làng Sình hơn. Họ cho ra mắt một số sản phẩm độc đáo như bộ lịch bát âm, tranh bát âm, gợi ý kết hợp với làng mây tre đan, làng diều...[4] Chất liệu và họa tiết của tranh làng Sình được thiết kế phối hợp với mây tre của làng Bao La đã tạo thành sản phẩm đèn tám mặt độc đáo, tính thẩm mỹ cao, đoạt giải thưởng cao nhất tại Hội thi thiết kế sản phẩm quà tặng, lưu niệm Huế.

Có thể nói, tranh làng Sình được hình thành, phát triển qua nhiều thế kỷ, đã bao hàm nhiều dấu ấn của lịch sử, giá trị văn hóa của cộng đồng làng xã. Chúng không chỉ đơn thuần mang yếu tố tâm linh, phản ánh tín ngưỡng cổ xưa của người Việt, mà còn là những sắc diện thẩm mỹ tinh tế về vùng đất Huế, thể hiện lòng thành với tổ tiên và khát vọng cuộc sống tốt đẹp, bình yên của con người. Do đó, việc bảo tồn và phát huy cần dựa trên cơ sở tinh lọc những yếu tố tâm linh, thờ cúng và hướng tới phục vụ văn hóa, du lịch. Có như vậy, mới

mong nghề làm tranh dân gian truyền thống của làng Sình không bị biến thể, mai một, tranh làng Sình giữ được vị trí xứng đáng trong lịch sử mỹ thuật Việt Nam bên cạnh các dòng tranh khác.

Một phần của tài liệu Tran-Thi-Ngoc-Bich-VH1802 (Trang 58 - 60)

w