2.2.4.1. Đặc điểm về sinh trưởng
Theo Trần Văn Phùng và cs. (2004) [18], lợn con sinh trưởng và phát dục lúc 21 ngày tuổi gấp 4 lần, lúc 30 ngày tuổi gấp 5 - 6 lần, lúc 40 ngày tuổi gấp 7 - 8 lần, lúc 50 ngày tuổi gấp 10 lần và lúc 60 ngày tuổi gấp 12 - 14 lần.
Lợn con bú sữa sinh trưởng nhanh nhưng không đều qua các giai đoạn. Tốc độ sinh trưởng nhanh trong 21 ngày đầu, sau đó giảm. Do sinh trưởng phát dục nhanh nên khả năng tích lũy các chất dinh dưỡng rất mạnh.
Ví dụ: lợn con 3 tuần tuổi tích lũy 9 - 14 g protein/1 kg khối lượng cơ thể, trong khi đó lợn trưởng thành chỉ tích được 0,3 - 0,4 g. Điều đó cho thấy: nhu cầu dinh dưỡng của lợn con cao hơn lợn trưởng thành rất nhiều, đặc biệt là protein.
Theo Vũ Đình Tôn và Trần Thị Thuận (2005) [20], khối lượng sơ sinh và khối lượng lúc 60 ngày tuổi có mối tương quan tỷ lệ thuận với nhau khá chặt chẽ. Khối lượng sơ sinh không chỉ liên quan đến khối lượng cai sữa mà còn liên quan tới tỷ lệ chết khi sơ sinh cũng như tỷ lệ sống đến cai sữa. Ở lợn ngoại, khối lượng sơ sinh từ 1,1 - 1,35 kg thì tỷ lệ nuôi sống đến cai sữa đạt 75%. Trong khi đó, khối lượng sơ sinh 0,57 kg hoặc nhỏ hơn chỉ sống sót hơn 2% khi cai sữa.
2.2.4.2. Đặc điểm về cơ quan tiêu hóa
Sự tăng lên về khối lượng, sự phát triển của các cơ quan trong cơ thể cũng đồng thời xảy ra. Ở lợn con, cơ quan tiêu hóa phát triển nhanh nhưng chưa hoàn thiện. Sự phát triển thể hiện ở sự tăng nhanh dung tích và khối lượng của bộ máy tiêu hóa, chưa hoàn thiện thể hiện ở số lượng cũng như hoạt lực của một số men trong đường tiêu hóa lợn con bị hạn chế.
Dung tích dạ dày của lợn con lúc 10 ngày tuổi có thể tăng gấp 3 lần lúc sơ sinh, lúc 20 ngày tuổi tăng gấp 8 lần và lúc 60 ngày tuổi tăng gấp 60 lần (dung tích lúc sơ sinh khoảng 0,03 lít).
Dung tích ruột non của lợn con lúc 10 ngày tuổi gấp 3 lần lúc sơ sinh, lúc 20 ngày tuổi gấp 6 lần và lúc 60 ngày tuổi tăng gấp 50 lần (dung tích ruột non lúc sơ sinh 0,11 lít).
Trần Văn Phùng và cs. (2004) [18], cho biết: dung tích ruột già lợn con lúc 10 ngày tuổi tăng gấp 1,5 lần lúc sơ sinh, lúc 20 ngày tuổi tăng gấp 2,5 lần, lúc 60 ngày tuổi tăng gấp 50 lần (dung tích ruột già lúc sơ sinh khoảng 0,04 lít).
2.2.4.3. Đặc điểm của bộ máy tiêu hóa lợn con
Ở lợn con mới sinh bộ máy tiêu hóa chưa hoàn chỉnh, thể hiện qua sự phân tiết không đủ lượng acid chlohydric và các men tiêu hóa các chất dinh dưỡng. Trên lợn con sơ sinh, khả năng tiết acid chlohydric rất ít, chỉ đủ để hoạt hóa men pepsinogen thành pepsin (men tiêu hóa chất đạm), lượng acid chlohydric tự do quá ít, không đủ để làm tăng độ toan của dạ dày, do vậy độ toan thấp, vi khuẩn bất lợi theo đường miệng có điều kiện sống sót ở dạ dày, vào ruột non vi khuẩn phát triển mạnh gây nên tiêu chảy. Sự phân tiết các men tiêu hóa ở dạ dày và ruột non cũng rất kém, chỉ đủ sức tiêu hóa các loại thức ăn đơn giản như sữa.
Dung tích bộ máy tiêu hóa tăng nhanh trong 60 ngày đầu: dung tích dạ dày lúc 10 ngày tuổi gấp 3 lần, lúc 20 ngày tuổi gấp 8 lần và lúc 60 ngày tuổi tăng gấp 60 lần so với lúc sơ sinh (dung tích dạ dày lúc sơ sinh khoảng 0,03 lít).
Dung tích ruột non lúc 10 ngày tuổi gấp 3 lần lúc sơ sinh, lúc 20 ngày tuổi gấp 6 lần, lúc 60 ngày tuổi gấp 50 lần (dung tích lúc sơ sinh khoảng 0,12 lít). Còn dung tích ruột già lúc 60 ngày tuổi tăng gấp 50 lần so với lúc sơ sinh. Sự tăng về kích thước cơ quan tiêu hóa giúp lợn con tích lũy được nhiều thức ăn và tăng khả năng tiêu hóa các chất.
2.2.4.4. Đặc điểm về cơ năng điều tiết thân nhiệt
Lợn con sơ sinh tỷ lệ nước trong cơ thể cao đến 82%, chỉ 30 giây sau đẻ, lượng nước đã giảm đến 1,5 - 2% kèm theo nhiệt độ cơ thể giảm dần đến 5 - 10ºC. Sau 3 tuần tuổi thân nhiệt của lợn con tương đối ổn định và lên đến 39 - 39,5ºC. Lợn con mới đẻ cần được sưởi ấm những ngày đầu bằng thùng úm, có đèn sưởi hoặc bếp than, củi nhất là những đêm trời lạnh.
Chế độ nhiệt như sau: ngày mới sinh 35ºC sau đó cứ mỗi ngày giảm đi 2ºC đến ngày thứ 8 là 21ºC. Nhiệt độ này được duy trì đến lúc lợn con cai sữa.
Theo Trần Văn Phùng và cs. (2004) [18], đã giải thích nguyên nhân của hiện tượng mất nhiệt của lợn con như sau:
- Lớp mỡ dưới da còn mỏng, lượng mỡ và glycogen dự trữ trong cơ thể còn thấp, trên thân lợn lông còn thưa.
- Hệ thống điều khiển cân bằng nhiệt chưa hoàn chỉnh.
- Diện tích bề mặt cơ thể so với khối lượng chênh lệch tương đối cao nên lợn con bị mất nhiệt nhiều khi trời lạnh.
2.2.4.5. Khả năng đáp ứng miễn dịch của lợn con
Theo Barbara E.Straw (2001) [2], hệ thống miễn dịch bắt đầu phát triển ở thai lợn chửa khoảng 50 ngày. Khoảng 70 ngày tuổi thai lợn có thể phản ứng với các tác nhân lạ với sự sản sinh ra kháng thể. Tuy nhiên trong nhiều trường hợp thì môi trường dạ con là vô khuẩn và lợn con đẻ ra không có kháng thể nào. Vì vậy lợn con mới sinh phụ thuộc vào kháng thể có chứa trong sữa non trong vài tuần đầu cho tới khi hệ thống miễn dịch có thể phản ứng với thách thức với kháng nguyên từ nhiều tác nhân lây nhiễm gặp phải trong môi trường.
Theo Trần Văn Phùng và cs. (2004) [18], lợn con khi mới sinh ra trong máu hầu như không có kháng thể. Lượng kháng thể tăng nhanh ngay sau khi bú sữa đầu của lợn mẹ, cho nên khả năng miễn dịch của lợn con là hoàn toàn thụ động, phụ thuộc vào lượng kháng thể hấp thu được nhiều hay ít từ sữa đầu của lợn mẹ đặc biệt là 7 ngày đầu sau khi sinh.
Theo Nguyễn Như Thanh và cs. (2001) [21], ở lợn con mức độ đáp ứng miễn dịch không những phụ thuộc vào sự có mặt của kháng thể mà còn phụ thuộc vào mức độ sẵn sàng của hệ thống miễn dịch đối với tác nhân gây bệnh.