Sứ bộ Phan Thanh Giản về tới Sài Gòn ngày 24-3-1864, thẳng đường ra Huế để phúc trình cho vua Tự Đức biết rõ kết quả thế nào. Thần dân ai nấy cũng đều hy vọng: Điều khoản thứ 3 trong bản hiệp ước “bất bình đẳng” ngày 5-6-1862 sẽ được hủy. Mà điều thứ ba ấy như thế nào, chúng ta đã biết ở chương trước.
Sứ bộ tin tưởng ở sự thành tâm thật ý của Chính phủ Pháp. Triều đình thì mong mỏi điều ấy được thiệt thi. Và không quên công lao của Phan Thanh Giản, vua Tự Đức phong cho cụ làm Hộ bộ Thượng thư.
Trong năm 1864, Chính phủ Pháp lại sai Aubaret sang làm Toàn quyền, thay mặt Chính phủ để giải quyết vấn đề Pháp – Việt bang giao lúc bấy giờ.
Về bên ta, ai đứng ra tiếp xúc với người đại diện của Pháp bấy giờ? Thì còn ai nữa ngoài Phan Thanh Giản. Triều đình quyết nghị cử Phan đại diện Nam triều. Vua Tự Đức thân ban ngự tửu và trao Phan một bài thơ khuyến khích ân cần:
Cổ nhân kiên trọng phụ Lợi độn cư tiên tất Duy dĩ thành khổ phu Quỉ thần tự khả chất Bạo hổ do độ hà Cuồng ngạc diệc tỉ thất Thẩm phù bỉ khả tri Hạ hoạn hồ cường phật Gia danh nhân sở hiếu Chí ý nhân sở khuất Thiển ngôn nhân sở phục Nghĩa khí nhân sở truật Thiết thạch chung bất di Khê hác yên năng dật An nguy tại thử cử
Khẳng tích kinh luân thuật Vô ngôn dĩ mặc hội
Niên lai cửu thân mật.
Ông Thượng Tân Thị đã dịch: Người xưa gánh nặng vai mang,
Có đâu biết trước dọc đàng rủi may. Tin thành chỉn lấy lòng ngay,
Quỉ thần mình khá hỏi ngay được liền. Lội sông hùm dữ phải kiên,
Dời nhà sấu dại băng miền lánh xa. Huống chi kia có biết mà,
Lo gì việc mạnh trái mà chẳng xong. Tiếng hay người muốn tự lòng,
Lẽ ngay người phải khuất tùng chẳng sai. Nói lành người phục theo hoài,
Tấm lòng nghĩa khí người ai chẳng dè. Bền như sắt đá trọn bề,
Những là kẹt rãnh lòng khe sao đầy. An nguy hệ ở lúc nầy,
Kinh luân đừng tiếc chước hay làm gì. Không lời mà dạ hiểu ghi,
Lâu nay thân mật trọn nghì với nhau.
Vừa sang Pháp đó, Phan Thanh Giản lại đảm nhận trọng trách điều đình ngay trên lãnh thổ nhà. Lần này, Phan sung chức Toàn quyền cùng với Trần Tiễn Thành và Phan Huy Vịnh mở cuộc thương nghị với Toàn quyền Aubaret.
Trước đó…
Toàn quyền Aubaret đưa bản thảo tờ hòa ước, đại lược nói rằng: nước Pháp trả lại ba tỉnh Gia Định, Biên Hòa và Định Tường cho nước Nam, chỉ giữ Sài Gòn, Mỹ Tho và Thủ Dầu Một để đóng quân. Nhưng nước Nam phải để nước Pháp được quyền bảo hộ cả sáu tỉnh Nam kỳ. Nước Nam lại phải chịu mỗi năm là 2.000.000 tiền thuế.
Cố nhiên là cụ Phan chẳng dám nhận lời. Xét đề nghị của Aubaret đưa ra, té ra cuộc đi sứ nước Pháp chẳng là hoài phí lắm! Cụ Phan viện lý, xin nước Pháp nới tay.
Sứ thần hai nước bàn đi bàn lại mãi không xong… một việc giảng hòa. Trong khi ấy, Thiếu tướng De la Grandière đang chỉ huy quân đội chiếm đóng trong Nam, lại sai Đại úy Doudart de Lagrée sang can thiệp vào nội bộ nước Cao Miên, kinh doanh việc bảo hộ, khiến nước Tiêm La (ngày nay là Thái Lan) phải rút quân về, nhường quyền bảo hộ cho nước Pháp.
Nhân thấy thắng lợi luôn ở Cao Miên khi ấy, có nhiều người Pháp trong quân đội chiếm đóng và ở bên Pháp đều có ý không muốn trả lại đất Nam kỳ. Cho nên cuối năm ấy (Giáp Tý: 1864), quan Thượng thư bộ Hải quân (kiêm luôn bộ Thuộc địa) là hầu tước Chasseloup Laubat dâng sớ tâu với vua Pháp nhất định xin không cho nước Nam chuộc ba tỉnh. Vua Pháp nghe theo lời
bèn xuống lệnh truyền cho quân đội cứ chiếu tờ hòa ước mồng 5 tháng sáu 1862 (Nhâm Tuất) mà thi hành.
Chưa vừa lòng, Chasseloup Laubat còn muốn biết rõ tình thế bên Việt Nam hơn, bèn gọi Thiếu tướng De la Grandière về hội nghị và sai Hải quân Thiếu tướng Roze sang thay. Thiếu tướng De la Grandière về Pháp cả đi lẫn về mất 7 tháng, lại trở sang kinh lý việc Nam kỳ.
Thiếu tướng De la Grandière lại trở qua chưa được bao lâu, và cuộc thương thuyết giữa cụ Phan và Aubaret cũng chưa xong, thì Triều đình Huế chợt được sớ của Tổng đốc Vĩnh Long là Trương Văn Uyển đệ về triều cáo cấp:
– Tình hình ba tỉnh miền tây: An Giang, Vĩnh Long và Hà Tiên nghiêm trọng!
Phan hồi này đã 70 tuổi. Cụ dâng sớ xin về trí sĩ, vua Tự Đức còn chưa quyết định, kế xảy ra việc biến lớn, vua liền giao trọng trách cho cụ. Trong khi lên đường trở vào Nam lại, Nguyễn Tri Phương có đưa tiễn cụ một bài thơ:
Ven ngàn góc biển dặm chơi vơi, Vui tẻ phân nhau một bước dời. Cá lại Long Giang hai ngả nước, Nhạn về Du Hợp một phương trời. Nửa hồ cố cựu trông lai láng, Cạn chén tơ lòng gió lộng khơi. Chẳng kiếp Trường An mau trở lại, Thăm người viếng cảnh, hỡi người ôi!