– GIẢI PHÁP NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG ĐÀO TẠO NGUỒN NHÂN LỰC DU LỊCH TẠI CÁC CƠ SỞ GIÁO DỤC ĐẠI HỌC
2.1. Tính tất yếu của việc liên kết giữa doanh nghiệp và cơ sở đào tạo nguồn nhân lực du lịch
2. NỘI DUNG
2.1. Tính tất yếu của việc liên kết giữa doanh nghiệp và cơ sở đào tạo nguồn nhân lực du lịch du lịch
Vấn đề hợp tác giữa cơ sở giáo dục với doanh nghiệp đã được đặt ra từ nhiều năm nay với mục tiêu nhằm đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động. Luật Giáo dục đại học (2012), khoản 4, điều 12, chương 1, đã nhấn mạnh rằng chính sách của Nhà nước về phát triển giáo dục đại học yêu cầu phải “gắn đào tạo với nghiên cứu và triển
khai ứng dụng khoa học và công nghệ; đẩy mạnh hợp tác giữa cơ sở giáo dục đại học với tổ chức nghiên cứu khoa học và với doanh nghiệp”. Hay theo quy định tại khoản 2, điều 53-54
chương 6 của Điều lệ trường đại học (ban hành kèm Quyết định số 70/2014/QĐ-TTg ngày 10/12/2014 của Thủ tướng Chính phủ): “Trường đại học phối hợp với các doanh nghiệp
trong và ngoài nước để “xác định nhu cầu đào tạo, gắn đào tạo với việc làm và tuyển dụng người học đã tốt nghiệp; ký các hợp đồng đào tạo, các hợp đồng khoa học và công nghệ; triển khai ứng dụng thành tựu khoa học và công nghệ mới vào thực tiễn sản xuất và đời sống
xã hội”.
Nguồn nhân lực đóng vai trò quan trọng trong các khâu công đoạn của ngành du lịch và cấu thành nên chất lượng của sản phẩm du lịch, là nguồn tài sản vàng cho các cơ sở kinh doanh du lịch. Theo thống kê của Tổng cục Du lịch, mỗi năm ngành du lịch cần thêm gần 40.000 lao động nhưng lượng sinh viên, học viên chuyên ngành ra trường chỉ khoảng 15.000 người/năm. Trong đó chỉ hơn 12% có trình độ cao đẳng, đại học trở lên.
Báo cáo về thực trạng chất lượng nguồn nhân lực du lịch của Tổng cục Du lịch tháng 5 năm 2020 chỉ rõ, tại Việt Nam, tỷ lệ lao động có chuyên môn, nghiệp vụ về du lịch còn thấp. Cụ thể, năm 2019, tỷ lệ lao động có chuyên môn về du lịch chiếm khoảng 42%/tổng số lao động toàn ngành Du lịch Việt Nam, 38% được đào tạo từ các ngành khác chuyển sang và khoảng 20% chưa qua đào tạo chính quy. Trong tổng số 42% lao động được đào tạo về du lịch thì chỉ có 10% lao động có trình độ đại học và sau đại học (chiếm 3,5%); 50% lao động có trình độ sơ cấp, trung cấp và cao đẳng (chiếm 20%); 40% còn lại là lao động được bồi dưỡng qua các lớp ngắn hạn. Khoảng 60% lao động trong lĩnh vực biết và sử dụng các ngoại ngữ khác nhau. Trong đó, tiếng Anh chiếm tỷ lệ cao nhất với hơn 50% nhân lực toàn ngành.
Theo Báo cáo năng lực cạnh tranh du lịch toàn cầu 2019 của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF), năng lực cạnh tranh du lịch Việt Nam xếp hạng 63/140 nền kinh tế, tăng so với hạng 67/136 (Báo cáo năm 2017), tuy nhiên, chỉ số về nhân lực và thị trường lao động lại sụt giảm 10 bậc, từ vị trí 37 xuống vị trí 47. Trong khối ASEAN, chỉ số về nhân lực và thị trường lao động của Du lịch Việt Nam xếp thứ 6, xếp trên Lào (hạng 67) và Campuchia (hạng 95), xếp sau Singapore (hạng 5), Malaysia (hạng 15), Thái Lan (hạng 27), Philippines (hạng 37) và Indonesia (hạng 44). Điều đáng nói là chỉ số về nhân lực và thị trường lao động của hầu hết cả quốc gia khối ASEAN đều tăng, chỉ có Việt Nam và Lào bị sụt giảm thứ bậc trên bảng xếp hạng. Năng suất lao động trong ngành Du lịch nước ta chỉ bằng 1/15 của Singapore, 1/10 của Nhật Bản và 1/5 của Malaysia…
Theo phản ánh của một số doanh nghiệp, để có nhân lực đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp trong lĩnh vực du lịch ở Việt Nam đều phải đầu tư kinh phí để đào tạo lại nhân lực khi tuyển dụng. Ví dụ như: Năm 2018, Vietravel phải bỏ ra số tiền khoảng 10 tỷ đồng cho việc đào tạo lại nhân viên khi tuyển dụng. Tập đoàn FLC thường phải dành tối thiểu từ 3-6 tháng đào tạo lại với những người đã có chuyên môn và kinh nghiệm làm việc khi tuyển dụng.
Còn theo các chuyên gia, một trong những điểm yếu lớn nhất của nhân lực lao động trong ngành du lịch Việt Nam hiện nay là thiếu và yếu kỹ năng nghề. Với phương pháp đào tạo nặng về lý thuyết, nhẹ về thực hành ở đa số các cơ sở đào tạo hiện nay, phần lớn lao động du lịch ra trường khó đáp ứng được yêu cầu công việc. Theo chương trình đào tạo 4 năm hiện nay ở các trường đại học, người học hầu hết chỉ có 12 tuần thực hành chia thành các 2 -3 đợt. Trong khi đó, để thực sự đem lại sự hài lòng cho khách đòi hỏi rất nhiều kỹ năng. Chẳng hạn, cách khách 5 bước chân, nhân viên đã phải nhìn vào mắt khách, khi họ đến gần hơn phải hỏi chuyện. Để làm tốt một kỹ năng, bình thường nhân viên khách sạn phải thực hành từ 7 đến 21 lần mới thuần thục. Và một nhân viên thông thường cần khoảng 52 đến 100 kỹ năng như vậy. Người bình thường cần một năm để học các kỹ năng trong một công việc. Qua những số liệu phân tích trên cho thấy, mặc dù nguồn nhân lực du lịch của Việt Nam đã có những chuyển biến tích cực, gia tăng ổn định về lượng và cải thiện đáng kể về chất, nhưng vẫn còn nhiều hạn chế, khó khăn và thách thức, đặc biệt là vấn đề nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch, đào tạo nguồn nhân lực du lịch đáp ứng nhu cầu và yêu cầu của thị trường lao động sau khi tốt nghiệp. Có nhiều vấn đề đang đặt ra, một trong số đó là tính tất yếu của việc liên kết giữa cơ sở đào tạo và doanh nghiệp du lịch. Hơn nữa, hạn chế về ngoại ngữ vẫn luôn là một rào cản của sinh viên, lao động du lịch Việt Nam nhiều năm nay. Ngay tại các thành phố lớn, cũng chỉ có một vài cơ sở đào tạo nhân lực cho ngành du lịch có đào tạo bằng ngoại ngữ.