Tốc độ phun nhựa quyết định đến khả năng điền đầy nhựa lỏng vào lòng khuôn. Tốc độ khuôn ảnh hưởng rất lớn đến lỗi bề mặt vùng xung quanh cổng phun, vùng giao nhau giữa các dòng nhựa chảy, các khe hở lòng khuôn nhỏ, các vùng cuối cùng của dòng nhựa chảy đến của lòng khuôn. Bề mặt ngoại quan phụ thuộc nhiều vào tốc độ phun nhựa như tạo vết quầng, vết phun tia tại vùng gần cổng phun, bọt khí, sản phẩm bị biến màu, sản phẩm bị co rút, cong vênh, nổi bóng hoặc mờ bề mặt.
Các vùng tập trung bọt khí thường xảy ra ở nơi điền đầy nhựa cuối cùng của lòng khuôn hoặc nơi dòng chảy bị thay đổi đột ngột hay bị gờ cản, dễ tạo khuyết tật của sản phẩm nhựa tại các điểm này. Vì vậy, khuôn thiết kế cần được bố trí vị trí, kích thước khe hở thoát khí, vị trí cổng phun phù hợp. Mặt khác, tốc độ phun quá cao cũng làm cho khí dồn và thoát không kịp cũng gây ra hiện tượng sản phẩm bị khuyết tật do không khí chiếm chỗ. Hơn nữa, sản phẩm sẽ bị biến dạng khác nhau tại các vùng khác nhau của lòng khuôn. Do vậy, cần thiết lập các tốc độ phun riêng biệt phù hợp cho từng vùng khác nhau của sản phẩm. Khi phun với tốc độ cao, sản phẩm sẽ bị lỗi ba-via nếu lực ép khuôn của máy ép nhựa không đủ lớn, nhựa qua cổng phun sẽ dễ xuất hiện hiện tượng phun tia, tạo dòng chảy rối làm cho bề mặt sản phẩm gần cổng phun xấu. Tuy nhiên, với sản phẩm có thành mỏng, nhiệt độ nhựa sẽ bị nguội nhanh do truyền nhiệt qua bề mặt lòng khuôn, dễ xảy ra hiện tượng sản phẩm bị khuyết tật do không điền đầy, cần phải phun tốc độ cao.