Tuy nhiên, đối với nhiều loài hiếm thì bảo tồn nguyên vị chưa phải là giải pháp khả thi trong điều kiện những áp lực của con người ngày càng gia tăng. Nếu quần thể còn lại là quá nhỏ để tiếp tục tồn tại, hoặc nếu tất cả những cá thể còn lại được tìm thấy ở ngoài khu bảo vệ thì bảo tồn nguyên vị sẽ không có hiệu quả. Trong những trường hợp này, giải pháp duy nhất để ngăn cho loài khỏi bị tuyệt chủng là bảo tồn các cá thể trong những điều kiện nhân tạo. Chiến lược này được gọi là bảo tồn ngoại vi hay bảo tồn chuyển vị. Thực tế có một số loài đã bị tuyệt chủng ngoài tự nhiên song vẫn đang tồn tại trong các bầy đàn nhân nuôi, chứ không còn tìm thấy trong dạng hoang dại nữa.
Các điều kiện để bảo tồn chuyển vị động vật bao gồm vườn thú, trang trại nuôi động vật, thủy cung và các chương trình nhân giống động vật. Thực vật thì được bảo tồn trong các vườn thực vật, vườn cây gỗ và các ngân hàng hạt giống.
Bảo tồn chuyển vị là một bộ phận quan trọng trong chiến lược tổng hợp nhằm bảo vệ các loài đang có nguy cơ tuyệt diệt. Bảo tồn chuyển vị và bảo tồn nguyên vị là những cách tiếp cận có tính bổ sung cho nhau. Những cá thể từ các quần thể được bảo tồn chuyển vị sẽ được thả định kỳ ra ngoài thiên nhiên để tăng cường cho các quần thể được bảo tồn nguyên vị. Nghiên cứu trên các quần thể nuôi nhốt có thể cung cấp cho ta những hiểu biết về đặc tính sinh học của loài và gợi ra những chiến lược bảo tồn mới cho các quần thể được bảo tồn nguyên vị. Các quần thể chuyển vị mà có thể tự duy trì quần thể thì sẽ làm giảm bớt nhu cầu phải bắt các cá thể từ ngoài thiên nhiên để phục vụ mục đích trưng bày hoặc nghiên cứu. Cuối cùng, việc những con vật được nuôi nhốt và trưng bày sẽ góp phần giáo dục quần chúng về sự cần thiết phải bảo tồn loài cũng như bảo vệ các thành viên khác của loài đó ngoài tự nhiên. Ngược lại bảo tồn nguyên vị là không thể thiếu đối với sự sống còn của những loài không thể nuôi nhốt, cũng như để tiếp tục có các loài mới trưng bày trong các vườn thú, thủy cung hay các vườn thực vật.
5.3.2.1. Vườn thú
Các vườn thú, cùng với các trường đại học, các Cục, Vụ phụ trách về sinh vật hoang dã của Chính phủ và các tổ chức bảo tồn hiện đang nuôi giữ trên 700.000 cá thể, đại diện cho 3.000 loài thú, chim, bò sát và lưỡng cư. Các vườn thú hầu như chỉ trưng bày những loài thú lớn đầy quyến rũ như gấu trúc, hươu cao cổ, voi,... trong khi đó có xu hướng bỏ qua một số lượng không nhỏ các loài côn trùng và động vật không xương sống khác mà nhóm này tạo thành một bộ phận chủ yếu của động vật giới trên trái đất.
Mục tiêu hiện nay của hầu hết các vườn thú lớn là lập được quần thể nuôi của các loài động vật hiếm và có nguy cơ tuyệt chủng. Chỉ khoảng 10% trong số 247 loài thú hiếm được nuôi giữ trong các vườn thú khắp thế giới là có khả năng tự duy trì quần thể ở kích thước đủ để bảo tồn tính biến dị di truyền của chúng. Để khắc phục tình trạng này, các vườn thú và những tổ chức bảo tồn có liên quan đã bắt tay vào xây dựng cơ sở vật chất và triển khai các công nghệ cần thiết để tạo lập được các bầy đàn có khả năng sinh sản của các loài quí hiếm và đang có nguy cơ tuyệt diệt, cũng như xây dựng chương trình và phương pháp mới nhằm tái lập các loài ngoài tự nhiên.
Một loạt các kỹ thuật cũng đang được nghiên cứu và áp dụng nhằm làm tăng tỷ lệ sinh sản của các loài động vật nuôi. Các kỹ thuật này gồm ấp và vú nuôi, tức là con mẹ của loài phổ biến nuôi dưỡng con cháu của loài quí hiếm;
thụ tinh nhân tạo khi con trưởng thành tỏ ra không muốn thụ tinh hoặc chúng phải sống trong những điều kiện khác biệt, ấp trứng nhân tạo trong các điều kiện tốt nhất để trứng nở và cấy phôi tức là cấy trứng đã được thụ tinh của loài quí hiếm vào tử cung của con mẹ thay thế thuộc loài phổ biến.
5.3.2.2. Bể nuôi
Để ngăn chặn các hiểm họa đối với các loài thủy sinh, những chuyên gia về cá, thú biển và san hô làm việc tại các thủy cung hay các bể nuôi đã hợp tác ngày càng chặt chẽ với các đồng nghiệp tại các Viện nghiên cứu biển, các Cục, Vụ thủy sản của chính phủ và các tổ chức bảo tồn để xây dựng các chương trình bảo tồn những loài và quần xã tự nhiên đang được quan tâm. Có khoảng 580.000 cá thể của các loài cá đang được nuôi giữ trong các bể nuôi mà hầu hết các loài đó là được thu thập ngoài tự nhiên. Hiện đang có nhiều nổ lực nhằm phát triển các kỹ thuật gây giống để có thể duy trì các loài quí hiếm trong bể nuôi, đôi khi có thể thả chúng ra tự nhiên và do đó không phải bắt giữ những mẫu vật hoang dã. Nhiều kỹ thuật được sử dụng trong việc gây giống cá có nguồn gốc từ những kỹ thuật do các nhà nghiên cứu về cá tìm ra nhằm tạo ra những đàn cá lớn có giá trị thương mại như cá hồi, cá vược,... Một số kỹ thuật khác được khám phá từ những bể nuôi cá cảnh vì những người bán cá cảnh muốn nhân giống nhiều loại cá vùng nhiệt đới để bán.