Mối quan hệ tương hỗ giữa các phương thức sử dụng đất thực tế và lý thuyết về bảo tồn được thể hiện rõ trong nguyên lý sinh thái học cảnh quan. Sinh thái học cảnh quan nghiên cứu các kiểu nơi cư trú ở qui mô vùng và ảnh hưởng của chúng đến sự phân bố của loài và các quá trình sinh thái. Theo định nghĩa của Forman và Godron (1986), cảnh quan là một vùng mà tại đó một nhóm các hệ sinh thái được lặp lại theo cùng một kiểu hình.
Sinh thái học cảnh quan có tầm quan trọng trong việc bảo vệ tính đa dạng sinh học vì nhiều loài không chỉ sống trong giới hạn của một nơi cư trú mà chúng còn di chuyển giữa các nơi cư trú hoặc là sống tại vùng giáp ranh giữa hai nơi cư trú. Đối với các loài này, loại hình của các kiểu nơi cư trú trên qui mô vùng là đặc biệt quan trọng. Sự tồn tại và mật độ của nhiều loài có thể bị ảnh hưởng bởi kích thước của nơi cư trú và mức độ liên kết của chúng. Các cảnh quan có thể được liên kết với nhau thông qua các hành lang. Các hành lang có thể là tự nhiên hoặc là kết quả của các nhiễu động của con người đối với đất nền canh tác (ví dụ như một dãi đất còn lại không bị cày xới giữa hai cánh đồng). Cấu trúc của hành lang có thể rất hẹp như các hàng rào, rộng hơn như hàng cây chắn gió, hoặc là các hệ thực vật ven sông. Có 5 loại hành lang:
Hành lang môi trường (environmental corridors): là kết quả của hệ thực vật phản ứng với môi trường như là hệ thực vật ven sông, theo loại đất hay theo cấu tạo địa chất. Dải quanh co của hệ thực vật ven sông chay song song các dòng suối là ví dụ điển hình cho loại hành lang này.
Hành lang sót lại (remnant corridors): là sản phẩm rõ nét nhất của việc nhiễu loạn vùng ven. Các dải thực vật ở các vùng dốc, vách đá, hoặc vùng đất ướt là phần thừa lại khi đất được khai hoang cho sản xuất nông nghiệp hay các
khác nhau. Các hành lang sót lại thường chứa các tập hợp cuối cùng của các loài thực, động vật bản địa.
Hành lang trồng (introduced corridors): hầu hết loại hành lang này được trồng từ thế kỷ XIV đến thế kỷ XIX. Trong thời gian này, các chủ đất trồng các hành lang cây quanh các khu rừng hay đồng cỏ của mình, một số trong các hành lang này vẫn còn tồn tại cho đến nay và được đánh giá là cảnh quan có giá trị quốc gia. Trong các vùng cảnh quan nông nghiệp, loại hành lang kiểu này trở nên nơi cư trú quan trọng cho nhiều loài động vật hoang dã.
Hành lang xáo động (disturbance corridors): được hình thành do hoạt động của việc quản lý đất, làm xáo động hệ thực vật trong một đường hay một dải đất. Kiểu hành lang này được tạo ra để duy trì hệ thực vật trong một giai đoạn diễn thế mong muốn. Chúng có thể đủ rộng để thiết lập một hàng rào đối với một số loài động vật hoang dã, tách quần thể thành 2 quần thể biến thái. Hành lang này thường là nơi cư trú quan trọng đối với các loài bản địa đòi hỏi nơi cư trú ở giai đoạn diễn thế sớm.
Hành lang tái sinh (regenerated corridors): là kết quả của sự tái phát triển của thực vật ở dải đất bị xáo động. Tái phát triển có thể là sản phẩm của diễn thế tự nhiên hay do nuôi trồng. Kích thước và hình dáng của hành lang này phụ thuộc vào dải đất đã bị xáo động trước đó. Thực vật ở hành lang loại này phổ biến là các loài cỏ dại trong các giai đoạn đầu của quá trình diễn thế. Trong các nơi cư trú bị cắt đoạn, hành lang tái sinh là nơi cư trú quan trọng cho các loài thú nhỏ và các loài chim hót.
* Một số nguyên lý thường được áp dụng khi thiết kế và bảo tồn hành lang:
Hành lang liên tục tốt hơn so với hành lang bị cắt đoạn: các hành lang tạo ra sự thuận tiện cho sự di chuyển của động vật qua các vùng cảnh quan. Những ngắt quãng trong hành lang sẽ làm cản trở việc di chuyển cua động vật, đặc biệt đối với những loài sống ở bên trong hành lang. Khả năng của cá thể khi vượt qua các ngắt đoạn trong hành lang phụ thuộc vào mức độ chịu đựng của chúng đối với các điều kiện biên, phụ thuộc vào đặc tính di chuyển và phát tán. Hành lang rộng thì tốt hơn hành lang hẹp: hành lang rộng giảm thiểu được những hiệu ứng biên đối với cá thể và quần thể khi di chuyển trong đường biên. Tuy nhiên, các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, các hành lang rộng quá cũng có thể gây hại cho động vật do chúng phải tốn nhiều thời gian khi vượt qua đường biên và điều đó có thể gia tăng tỷ lệ tử vong nói chung.
Nên duy trì và phục hồi các liên kết tự nhiên: Duy trì cac mối liên kết tự nhiên giữa các vùng sinh cảnh là cần thiết dể duy trì tính đa dạng loài và năng lực của quần thể. Ngăn chặn sự cắt đoạn các hành lang tự nhiên ít tốn kém hơn là phục hồi chúng.
Các liên kết nhân tạo nên có nghiên cứu kỹ càng: các quần thể của một loài sống biệt lập nhau trong thời gian dài thường phát triển các các thích ứng di truyền đặc biệt đối với môi trường sống của chúng. Việc kết nối các quần thể như thế lại với nhau có thể làm mất đi những thích ứng đó.
Hai hay nhiều các hành lang kết nối giữa hai vùng biệt lập thì tốt hơn là một hành lang: nếu có nhiều hành lang cho động vật di chuyển từ một vùng này đến vùng khác thì chúng sẽ dễ dàng thực hiện cuộc hành trình. Động vật có thể không nhận ra hành lang như là đường dẫn đến đích, chúng chỉ nhận ra đó như là một nơi cư trú liên tục và khi ở trong hành lang, sự di chuyển của chúng bị giới hạn theo đường thẳng. Thường thì tình cờ chúng đi từ đầu này tới đầu kia và càng nhiều cơ hội như vậy thì việc di chuyển của chúng sẽ dễ xảy ra hơn.