Các công ước quốc tế về nơi cư trú sẽ bổ trợ cho các công ước về loài. Ba trong số các công ước quan trọng nhất là Công ước Ramsar về các vùng đất ngập nước, Công ước về bảo vệ các Di sản Văn hoá thiên nhiên Thế giới và Chương trình Bảo tồn Sinh quyển của UNESCO.
Công ước Ramsar về các vùng đất ngập nước ra đời năm 1971 nhằm ngăn ngừa việc tiếp tục phá hủy các vùng đất ngập nước, đặc biệt là những vùng có nhiều loài chim nước di cư qua lại và nhằm công nhận các giá trị về sinh thái, khoa học, kinh tế, văn hoá và giải trí của các vùng đất ngập nước. Công ước này đề cập tới những nơi cư trú như các thủy vực nước ngọt, cửa sông và ven biển gồm 590 địa điểm với tổng diện tích trên 37 triệu ha. 61 quốc gia đã ký kết nhất trí bảo tồn và gìn giữ các nguồn đất ngập nước của mình và sẽ chỉ định ít nhất một vùng đất ngập nước có ý nghĩa quốc tế để bảo tồn.
Công ước bảo vệ các di sản văn hoá và thiên nhiên thế giới có liên quan đến UNESCO, IUCN và Hội đồng quốc tế về địa danh và di sản. Công ước này đã nhận được sự ủng hộ cực kỳ rộng rãi. Với sự tham gia của 109 nước, công ước này được coi là một trong số những công ước về bảo tồn được tham gia đông đảo nhất. Mục tiêu của công ước này là để bảo vệ các vùng thiên nhiên có ý nghĩa quốc tế thông qua chương trình Địa danh Di sản Thế giới. Công ước này ưu việt ở chỗ nó thừa nhận rằng cộng đồng quốc tế có nghĩa vụ hỗ trợ về tài chánh cho những nơi này.
Năm 1971, chương trình con người và sinh quyển của UNESCO (MAB) đã xây dựng mạng lưới quốc tế về các khu bảo tồn sinh quyển. Các khu bảo tồn sinh quyển được thiết kế thành những mô hình chứng minh sự tương ứng giữa bảo tồn và phát triển bền vững vì quyền lợi của người dân địa phương. Tới năm 1994, đã có tất cả 312 khu bảo tồn sinh quyển được ra đời tại hơn 70 nước, chiếm tổng cộng khoảng 1,7 triệu km2.