Nhiên liệu nặng là nhiên liệu ở thể sền sệt, rất khó bốc cháy, do đó cần phải làm nóng lên để dễ đưa vào buồng đốt, tăng khả năng bốc cháy khi được phun vào xy lanh. Độ nhớt của nhiên liệu nặng ở nhiệt độ môi trường cao hơn rất nhiều so với độ nhớt phun. Ưu thế của nhiên liệu nặng là khi được làm nóng lên thì linh hoạt hơn nhiều do độ nhớt giảm đi. Mặt khác, nhiên liệu nặng khi được hâm nóng thì quá trình lọc ly tâm sẽ hiệu quả hơn.
Hãng Barger (Anh) đang nghiên cứu chế tạo động cơ piston quay chạy bằng nhiên liệu nặng. Giám đốc điều hành của RCV Engines khẳng định, nguyên nhân khiến động cơ chạy bằng nhiên liệu nặng chậm được đưa vào sử dụng cho máy bay không người lái là do công nghệ. Với công nghệ của RCV Engines, động cơ sử dụng nhiên liệu nặng của máy bay không người lái không gặp vấn đề gì. Hiện RCV Engines đã giới thiệu động cơ mẫu và lên kế hoạch chính thức sản xuất, phân phối sản phẩm này trong vòng vài năm tới.
Các công ty công nghiệp hàng không như Aurora Flight Sciences, Boeing và Raytheon của Vương quốc Anh cũng đang tham gia chương trình thiết kế, chế tạo các kiểu động cơ dân dụng mới có thể chạy bằng nhiên
liệu nặng. Trong khi đó, Mỹ là nước chậm đưa vào sử dụng động cơ dùng nhiên liệu nặng cho máy bay không người lái, hiện chỉ có máy bay không người lái Hunter của Lục quân Mỹ sử dụng nhiên liệu nặng. Cơ quan phụ trách các Dự án Nghiên cứu Tiên tiến (DARPA) của Bộ Quốc phòng Mỹ đang nghiên cứu, thiết kế động cơ dùng nhiên liệu nặng cho máy bay không người lái A160 Hummingbird và nhiều loại máy bay khác.
Lý do nhiều quốc gia quan tâm đến công nghệ chế tạo động cơ dùng nhiên liệu nặng cho máy bay không người lái bởi ưu điểm giảm được gánh nặng về mặt hậu cần và tăng độ an toàn so với xăng; nhiên liệu nặng có điểm bốc cháy cao, do đó khó bắt lửa hơn. Tuy nhiên, động cơ dùng nhiên liệu nặng cũng có nhược điểm về mặt hiệu suất, khi ở nơi có nhiệt độ thấp, khởi động ở trạng thái nguội là khó khăn. Theo Ryan Hartman, người phụ trách chương trình KillerBee, động cơ sử dụng nhiên liệu nặng không có hiệu suất bằng động cơ sử dụng diesel. Hartman cho biết hãng Raytheon đang tìm kiếm vật liệu mới nhẹ nhưng bền cho động cơ chạy bằng nhiên liệu nặng của máy bay không người lái. Đến nay, hãng Raytheon đã chế tạo hệ thống KillerBee trọng lượng nhẹ, gồm 4 máy bay (mỗi chiếc chỉ nặng 70kg) nhờ thiết kế kết hợp hài hòa thân và cánh, tạo lực nâng cho toàn bộ khung máy bay, góp phần làm tăng hiệu suất của máy bay.
Hãng Insitu và Sonex cùng hợp tác chế tạo ra máy bay không người lái cỡ nhỏ ScanEagle. Tháng 5/2008, Honeywell đã ký hợp đồng thứ hai với hãng RCV Engines về sản xuất động cơ xi-lanh van quay dùng bằng nhiên liệu nặng cho máy bay không người lái siêu nhỏ RQ-16A.