CÔNG‱BỐ‱KẾT‱QUẢ‱NGHIÊN‱CỨU‱KHOA‱HỌC
Việc thường xuyên đánh giá, lựa chọn được loại xúc tác FCC phù hợp sẽ mang lại lợi ích kinh tế to lớn, góp phần vào việc ổn định vận hành các nhà máy lọc dầu. Quá trình đánh giá và lựa chọn được xúc tác FCC phù hợp cho nhà máy lọc dầu gồm nhiều bước, trong đó bước giảm hoạt tính xúc tác mới trong phòng thí nghiệm là bước đầu nhưng lại đóng vai trò quyết định. Khi áp dụng các quy trình giảm hoạt tính sẵn có để mô phỏng xúc tác cân bằng của Nhà máy Lọc dầu Dung Quất không cho kết quả chính xác, sai lệch nhiều so với xúc tác cân bằng thực, thể hiện qua hoạt tính và độ chọn lọc sản phẩm. Nhận thấy tầm quan trọng của việc giả lập xúc tác cân bằng, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã giao Viện Dầu khí Việt Nam/ Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Chế biến Dầu khí (VPI/PVPro) thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học “Khảo sát, đánh giá phương pháp giảm hoạt tính xúc tác theo quy trình tuần hoàn propylene và xác định các thông số tối ưu để giả lập xúc tác FCC cân bằng của các nhà máy lọc dầu”. Đề tài do TS. Nguyễn Hoài Thu làm chủ biên và một số cán bộ VPI/PVPro thực hiện.
Mục tiêu của đề tài là xác định quy luật ảnh hưởng của các thông số của quy trình giảm hoạt tính theo phương pháp tuần hoàn propylene đến tính chất hóa lý, hoạt tính và độ chọn lọc của xúc tác cân bằng và trên cơ sở đó thiết lập được quy trình giảm hoạt tính thích hợp để giả lập chính xác xúc tác cân bằng của các nhà máy lọc dầu. Trên cơ sở đó, nhóm tác giả đã có đánh giá - tổng quan cơ chế, bản chất quá trình giảm hoạt tính xúc tác và các phương pháp giả lập xúc tác cân bằng thích hợp trong phòng thí nghiệm cho kết quả nhanh, chính xác và tin cậy. Phân tích các tính chất hóa lý của các mẫu xúc tác mới: diện tích bề mặt riêng, thể tích và phân bố lỗ xốp của xúc tác, kích thước ô mạng cơ sở của zeolit trong hạt xúc tác, thành phần nguyên tố có trong hạt xúc tác, hình ảnh bề mặt hạt xúc tác, mật độ acid, hàm lượng acid, độ mạnh của các tâm acid của các mẫu xúc tác. Đánh giá ảnh hưởng của các thông số trong quá trình tiền xử lý xúc tác (nhiệt độ nung, tốc độ gia nhiệt, thời gian nung)
lên các tính chất hóa lý như diện tích bề mặt, thể tích, phân bố lỗ xốp, kích thước ô mạng cơ sở, hình ảnh, độ bền hạt xúc tác trước khi tiến hành giả lập xúc tác cân bằng. Khảo sát và tìm quy luật ảnh hưởng của các thông số của phương pháp tuần hoàn propylene đến sự thay đổi một số tính chất hóa lý (diện tích bề mặt, thể tích và phân bố lỗ xốp của xúc tác; kích thước ô mạng cơ sở của zeolit; hàm lượng kim loại; hình ảnh và phân bố kim loại trên bề mặt hạt xúc tác; mật độ acid, hàm lượng acid, độ mạnh của các tâm acid của các mẫu xúc tác; đặc tính kim loại V, Ni trên bề mặt bản chất cốc tạo thành), hoạt tính và độ chọn lọc của xúc tác sau giả lập. Thiết lập quy trình giảm hoạt tính thích hợp để giả lập chính xác xúc tác cân bằng cho một số đối tượng xúc tác (từ Nhà máy Lọc dầu Dung Quất và các nhà máy lọc dầu khác): xác định tính chất hóa lý, hoạt tính và độ chọn lọc của các mẫu xúc tác cân bằng mục tiêu; sử dụng các quy luật đã tìm được ở phần trên để xác định quy trình giả lập xúc tác cân bằng thích hợp cho từng loại xúc tác cân bằng mục tiêu; thử nghiệm, so sánh đánh giá và hiệu chỉnh quy trình giả lập xúc tác cân bằng trên xúc tác mới...
Nhóm tác giả đã hoàn thành nội dung báo cáo tổng kết Đề tài gồm 6 chương: Chương 1 trình bày tổng quan về quá trình giảm hoạt tính xúc tác và sự cần thiết để thực hiện đề tài; Chương 2 trình bày các phương pháp thực nghiệm để đánh giá các đặc trưng hóa lý, hoạt tính và độ chọn lọc của xúc tác; Chương 3 trình bày ảnh hưởng của quá trình tiền xử lý nhiệt đến việc giảm hoạt tính xúc tác; Chương 4 trình bày ảnh hưởng của các thông số trong quá trình tuần hoàn propylene đến việc giảm hoạt tính xúc tác; Chương 5 trình bày tối ưu hóa quy trình giảm hoạt tính xúc tác theo phương pháp tuần hoàn propylene và một số thử nghiệm; Chương 6 là kết luận và kiến nghị. Kết quả đề tài có thể sử dụng làm tài liệu tư vấn cho Tập đoàn Dầu khí Việt Nam về cách thức tiếp cận và thực hiện quá trình mô phỏng xúc tác cân bằng của các nhà máy lọc dầu.
Đề tài
Khảo sát, đánh giá phương pháp giảm hoạt tính xúc tác theo quy
trình tuần hoàn propylene và xác định các thông số tối ưu để giả
lập xúc tác FCC cân bằng của các nhà máy lọc dầu