Giải pháp của chính phủ

Một phần của tài liệu ẢNH HƯỞNG CỦA COVID19 ĐỐI VỚI VẬN TẢI HÀNG KHÔNG VÀ DU LỊCH (Trang 38 - 41)

Do ảnh hưởngcủa việc đóng cửa biên giới và các biện pháp cách ly để ứng phó dịch Covid-19, ngành hàng không thế giới cũng như trong nước gần như sụp đổ. Trước tình hình đó, chính phủ các nước đóng một vai trò rất quan trọng trong việc giải cứu khẩn cấp ngành hàng không vượt qua khó khăn trước mắt bằng những giải pháp cứu trợ thiết thực, kịp thời.

- Chính phủ hỗ trợ tài chính trực tiếp cho các hãng vận tải hành khách và hàng hóa để bù đắp cho doanh thu và tính thanh khoản bị giảm.

Đây được coi là biện pháp chủ chốt nhất nhằm khẩn cấp cứu trợ ngành hàng không đang điêu đứng trong cơn khủng hoảng. Theo IATA, tính đến cuối năm 2020, chính phủ các nước đã hỗ trợ các hãng hàng không số tiền lên đến hơn 200 tỷ USD và tiếp tục bơm thêm khoảng 80 tỷ USD để cứu trợ ngành hàng không - ngành đóng vai trò chính trong cơ sở hạ tầng kinh tế của quốc gia. Gần hai phần ba số hỗ trợ đó bao gồm viện trợ trực tiếp dưới nhiều hình thức khác nhau như trợ cấp, cho vay, tăng vốn chủ sở hữu, bơm tiền mặt,...trong khi một phần ba là tiền trợ cấp lương cho những lao động trong ngành hàng không đang phải đối mặt với khủng hoảng mất việc làm nghiêm trọng.

Trên thế giới, nhiều chính phủ đã công bố viện trợ cho doanh nghiệp như: Chính phủ New Zealand mở khoản vay 80 triệu USD cho hãng hàng không quốc gia cũng như gói cứu trợ bổ sung 390 triệu USD cho lĩnh vực hàng không, đặc biệt để đảm bảo năng lực vận tải hàng không liên tục. Ở Bồ Đào Nha chính phủ đầu tư 1,2 tỷ EURO vào TAB Airlines để tăng thêm vốn chủ sở hữu từ 50% lên 72,5%...

Ở Việt Nam, việc kiến nghị sự hỗ trợ từ cổ đông Nhà nước trong vai trò chủ sở hữu cũng là một giải pháp nhằm duy trì hoạt động của Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines). Cuối năm 2020, gói giải pháp hỗ trợ 12.000 tỷ đồng đã được Quốc hội thông qua để bù đắp thanh khoản và tăng vốn chủ sở hữu cho công ty này.

- Chính phủ triển khai các chính sách miễn giảm thuế và kéo dài hạn trả các khoản vay nhằm giảm thiểu áp lực cho doanh nghiệp.

Dù đang trong hoàn cảnh ngưng trệ vì đại dịch nhưng các doanh nghiệp hàng không vẫn phải gồng mình gánh nhiều loại thuế và các khoản vay tài chính, chính phủ các nước đã tiến hành triển khai hàng loạt những chính sách miễn giảm thuế và kéo dài hạn trả các khoản vay. Đây là giải pháp trước mắt giúp các hãng hàng không giảm thiểu áp lực trong đại dịch trong lúc chờ thời điểm phục hồi trở lại. Cụ thể, chính phủ các nước trên thế giới cũng như Việt Nam đã đưa ra hàng loạt các chính sách cho các hãng hàng không nước mình như: trong gói viện trợ 430 triệu USD của chính phủ Úc đã công bố có bao gồm việc miễn chuyển tiếp đối với thuế nhiên liệu và phí an ninh hàng không trong nước và hàng không khu vực. Singapore đã thực hiện các biện pháp cứu trợ bao gồm giảm phí sân bay, hỗ trợ các nhân viên xử lý mặt đất và giảm giá thuê tại sân bay Changi.

Tại Việt Nam, trong thời gian dịch bệnh, Chính phủ ban hành Nghị quyết Số: 84/NQ-CP ngày 29 tháng 5 năm 2020: giảm thuế đất, lãi suất cho vay; giảm giá cất cánh, hạ cánh tàu bay và giá dịch vụ điều hành bay đi, đến đối với các chuyến bay nội địa từ tháng 3 cho đến hết tháng 9 năm 2020,... Miễn phí bảo lãnh phát sinh trong năm 2020 đối với các khoản vay được Chính phủ bảo lãnh cho các doanh nghiệp hàng không còn dư nợ đến ngày 31 tháng 12 năm 2019. Bên cạnh đó, ngày 14/7/2020, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã biểu quyết thông qua nghị quyết về mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay áp dụng từ ngày 1/8/2020 đến hết năm 2020 từ 3000 đồng/lít xuống còn 2100 đồng/lít. Việc giảm thuế này cần thiết, giúp giảm bớt khó khăn cho ngành hàng không và gián tiếp một số lĩnh vực khác như thương mại, dịch vụ, du lịch.

- Chính phủ đẩy nhanh tốc độ hỗ trợ tiêm vaccine phòng chống Covid cho người dân, nới lỏng và thống nhất quy định về xét nghiệm SARS-CoV-2 trước chuyến bay.

Bên cạnh các chính sách hạn chế đi lại của chính phủ, nhu cầu di chuyển của hành khách, đặc biệt là bằng đường hàng không giảm mạnh còn do nỗi lo về an toàn

của bản thân trước dịch bệnh cũng như thủ tục xét nghiệm nhanh quá rườm rà và chưa thống nhất.

Theo thống kê của Statista, tính đến ngày 21 tháng 2 năm 2022, gần 10,6 tỷ liều vắc xin COVID-19 đã được sử dụng trên toàn thế giới, trong đó 62,6% dân số thế giới đã được tiêm ít nhất một liều vaccine. Với Việt Nam, theo thống kê của Bộ Y tế, tính đến ngày 14 tháng 2 năm 2022, tổng số người dân được tiêm mũi 2 mũi vacxin trở lên là 74,7 triệu người (chiếm hơn 75% dân số). Nhìn chung, tình hình tiêm chủng vẫn đang được triển khai với tiến độ phù hợp với từng quốc gia, thế nhưng vẫn chính phủ vẫn nên đẩy mạnh công tác tiêm chủng để phục vụ nhu cầu đi lại của người dân.

Bên cạnh đó, chính phủ cần thống nhất quy định về xét nghiệm SARS-CoV-2 trước chuyến bay tránh gây bất cập cho hành khách. Ví dụ như, chính phủ Thái Lan quyết định bỏ yêu cầu xét nghiệm COVID-19 lần thứ 2 bằng phương pháp RT-PCR vào ngày thứ 5 sau khi nhập cảnh từ ngày 1/3/2022, thay vào đó là xét nghiệm kháng nguyên nhanh (ATK). Du khách vẫn phải đăng ký thông qua trang web Thailand Pass, có kết quả xét nghiệm RT-PCR âm tính không quá 72 giờ trước khi khởi hành. Về Việt Nam, Cục Hàng không Việt Nam đã kiến nghị Bộ Giao thông vận tải báo cáo Thủ tướng Chính phủ thống nhất quy định về xét nghiệm SARS-CoV-2 trước chuyến bay theo thông lệ chung là chỉ sử dụng kết quả xét nghiệm bằng phương pháp RT-PCR như các quốc gia/vùng lãnh thổ cũng như Việt Nam đang áp dụng trong suốt thời gian qua, kể cả thời điểm xuất hiện chủng mới Delta, nhằm tránh những thủ tục test nhanh mỗi địa phương mỗi khác khiến tốn nhiều thời gian và chi phí của hành khách.

- Chính phủ kết hợp các chính sách khác nhằm tăng kích cầu bay nội địa.

Trong bối cảnh các nước chưa sẵn sàng mở cửa đường bay quốc tế vì những lo ngại về ảnh hưởng của dịch bệnh, nhiều hãng hàng không các nước chỉ còn cách kiếm thêm doanh thu nhờ việc du lịch nội địa bằng đường hàng không nhờ chính sách kích cầu du lịch nội địa. Trong khoảng thời gian đại dịch năm 2021, Australia công bố gói kích thích tài chính trị giá 1,2 tỷ đô la Australia nhằm khắc phục hoạt động của ngành du lịch vốn chịu ảnh hưởng nặng nề trong suốt giai đoạn đại dịch covid-19; 800.000 vé máy bay trên các chuyến bay nội địa được chính phủ Australia trợ giá 50%. Chính sách này được kỳ vọng đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân, tạo thêm việc làm cho nền kinh tế nói chung và ngành hàng không - du lịch nói riêng, duy trì trình độ lành nghề của các lao động hàng không.

Một phần của tài liệu ẢNH HƯỞNG CỦA COVID19 ĐỐI VỚI VẬN TẢI HÀNG KHÔNG VÀ DU LỊCH (Trang 38 - 41)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(54 trang)
w