Chính sách của chính phủ đối với ngành du lịch

Một phần của tài liệu ẢNH HƯỞNG CỦA COVID19 ĐỐI VỚI VẬN TẢI HÀNG KHÔNG VÀ DU LỊCH (Trang 42 - 45)

Đứng trước những khó khăn nói trên, ngành du lịch sẽ cần có những bước đi nào để vượt qua và phát triển? Trước tình hình dịch bệnh nghiêm trọng, nhiều nước trên thế giới và cả Việt Nam đã đưa ra những giải pháp khẩn cấp nhằm cứu nguy cho ngành “công nghiệp không khói”.

- Chính sách đưa ra các gói cứu trợ kích thích kinh tế

Ảnh hưởng nặng nề do đại dịch Covid gây ra khó khăn cho rất nhiều ngành du lịch của các nước trên thế giới trong đó có Việt Nam, vậy nên gói cứu trợ được coi như phao cứu sinh giúp ngành công nghiệp này có thể hồi phục. Đầu năm 2020, Ai Cập đã công bố gói kích thích kinh tế 100 tỷ bảng Ai Cập (EGP), tương đương 6,3 tỷ USD (Theo Toàn cảnh Cairo, “Nền kinh tế Corona: Ai cập tuyên bố sự thất bại của gói kích thích 100 tỷ EGP”). 50 tỷ EGP được dành cho ngành du lịch và sẽ được sử dụng để duy trì hoạt động của các khách sạn trong giai đoạn khủng hoảng.

Chính phủ Việt Nam cũng đã đưa ra những chính sách và gói cứu trợ cụ thể để giúp cho ngành du lịch có thể chống đỡ và tồn tại trong dịch bệnh Covid-19. Giữa năm 2021, chính phủ phê duyệt gói hỗ trợ 26.000 tỷ đồng, phân bổ gồm 12 nhóm chính sách hỗ trợ cho người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. (Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg ngày 7/7/2021) Gói hỗ trợ nhằm góp phần phục hồi sản xuất, kinh doanh, giảm thiểu những tác động tiêu cực của đại dịch, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Chính phủ cũng sẽ tăng cường các biện pháp kiểm tra, giám sát chặt chẽ, xử lý nghiêm các sai phạm, không để xảy ra tiêu cực trong quá trình thực hiện chính sách đồng thời căn cứ tình hình thực tiễn để tiếp tục nghiên cứu, rà soát, sửa đổi, bổ sung về đối tượng, thời gian, mức hỗ trợ bảo đảm thỏa đáng, phù hợp tình hình.

- Chính sách hỗ trợ người lao động, duy trì việc làm

Ở rất nhiều các quốc gia trên thế giới, chính phủ có những chính sách nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, từ đó hỗ trợ người lao động trong ngành kinh doanh du lịch, nhà hàng, khách sạn. Tại Hàn Quốc, ngành du lịch đã được xác định là “ngành hỗ trợ việc làm đặc biệt”. Trong các lĩnh vực đủ điều kiện nhận hỗ trợ như ngành du lịch, chính phủ sẽ cung cấp tới 90% khoản trợ cấp nghỉ phép trong tối đa sáu tháng để hỗ trợ duy trì việc làm. Tại Thụy Sĩ, Hội đồng Liên bang đã tuyên bố sẽ hỗ trợ 42 tỷ franc Thụy Sĩ (CHF) cho công tác bảo vệ công ăn việc làm, đảm bảo tiền lương và hỗ trợ cho người lao động tự doanh. Bang Geneva đã tuyên bố rằng họ sẽ thúc đẩy việc sử dụng trái phiếu bảo đảm nhằm giảm bớt những thách thức liên quan đến sự hạn chế của dòng tiền để hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ đặc biệt chịu ảnh hưởng nặng nề của cuộc khủng hoảng này, bao gồm khách sạn, nhà hàng và doanh nghiệp du lịch.

Tại Việt Nam, ngày 01/7/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 68/NQ- CP về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, theo đó hỗ trợ 3.710.000 đồng/người đối với hướng dẫn viên du lịch được cấp thẻ hành nghề hướng dẫn viên du lịch bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19. Trên thực tế, du lịch Việt Nam cần đồng thời triển khai nhiều nhóm giải pháp mới có thể thực hiện tốt nhiệm vụ “vừa phát triển kinh tế, vừa chống dịch”. Điều đó sẽ giúp ngành có thể đứng vững và phát triển trên đôi chân của mình cả trong giai đoạn khó khăn do COVID 19, cũng như ở trạng thái “ bình thường mới”.

- Chính sách hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng - một hướng đi mới cho ngành du lịch

Du lịch cộng đồng là loại hình du lịch được hình thành trên cơ sở các giá trị văn hóa của cộng đồng, do cộng đồng dân cư quản lý, khai thác và hưởng lợi. Du lịch cộng đồng hiện đang là xu hướng có sức lan tỏa rộng bởi dưới tác động của dịch bệnh, mọi người đều muốn quay trở lại những giá trị du lịch cốt lõi - sống hài hòa với thiên nhiên và tìm về những giá trị bản sắc.

Trên thế giới, các nước như Brunei đang dần xây dựng lại ngành du lịch của mình thông qua du lịch cộng đồng. Bất chấp hạn chế trong việc đi lại, các hoạt động du lịch cộng đồng địa phương phát triển mạnh, tạo ra nhiều thu nhập hơn cho chủ sở hữu và cơ hội việc làm cho cộng đồng. Điều này thể hiện cách quản lý độc đáo của Brunei đối với ngành du lịch của mình trong thời kỳ đại dịch.

Du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái là lợi thế của ngành du lịch nước ta. Do đó các chính sách phù hợp ở mỗi địa phương sẽ góp phần tăng doanh thu cho lĩnh vực du lịch vốn được coi là mũi nhọn kinh tế của các nước được thiên nhiên ưu đãi về cảnh quan tự nhiên, khí hậu, địa chất, sinh vật... Cùng với xây dựng thương hiệu “Điểm đến an toàn” thì Sa Pa, Bản Lác – Mai Châu, Nậm Đăm – Hà Giang, hay khu vực đồng bằng sông Cửu Long đang được khuyến khích chú trọng phát triển du lịch cộng đồng với các tuyến trekking, các tour, điểm tham quan và nhà lưu trú homestay. Trên thực tế, chương trình hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng ở Việt Nam do Tổng cục Du lịch xây dựng sẽ được thực hiện trên phạm vi toàn quốc trong giai đoạn từ 2021- 2025. Theo ông Nguyễn Quý Phương, Vụ trưởng Vụ Lữ hành (Tổng cục Du lịch), chương trình sẽ tập trung hỗ trợ đào tạo nâng cao năng lực phát triển du lịch cộng đồng; phục dựng cảnh quan, môi trường bền vững và hỗ trợ xây dựng và phát triển sản phẩm dịch

vụ du lịch cộng đồng (Theo Cơ quan ngôn luận của Ủy ban Dân tộc, “Hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng giai đoạn 2021- 2025: Nâng cao năng lực phát triển bền vững”)

Một phần của tài liệu ẢNH HƯỞNG CỦA COVID19 ĐỐI VỚI VẬN TẢI HÀNG KHÔNG VÀ DU LỊCH (Trang 42 - 45)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(54 trang)
w