Phạm tội thuộc các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 190 Bộ luật hình sự

Một phần của tài liệu Binh luan khoa hoc Bo luat Hình su. TP MOI TRUONG (Trang 46 - 49)

Phạm tội vi phạm các quy định về bảo vệ động vật hoang dã quý hiếm có tổ chức, là trường hợp nhiều người cố ý cùng bàn bạc, cấu kết chặt chẽ với nhau, vạch ra kế hoạch để thực hiện việc săn bắt, giết, vận chuyển, buôn bán trái phép động vật hoang dã quý hiếm hoặc vận chuyển, buôn bán trái phép sản phẩm của động đó, dưới sự điều khiển thống nhất của người cầm đầu.

Trong vụ án vi phạm các quy định về bảo vệ động vật hoang dã quý hiếm có tổ chức, tuỳ thuộc vào quy mô và tính chất mà có thể có những người giữ những vai trò khác nhau như: Người tổ chức, người thực hành, người xúi dục, người giúp sức.

b. Lợi dụng chức vụ, quyền hạn

Trường hợp phạm tội này là người vi phạm các quy định về bảo vệ động vật hoang dã quý hiếm đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để thực hiện hành vi săn bắt, giết, vận chuyển, buôn bán trái phép động vật hoang dã quý hiếm hoặc vận chuyển, buôn bán trái phép sản phẩm của động đó.

Người có chức vụ, quyền hạn là người do bổ nhiệm, do bầu cử, do hợp đồng hoặc do một hình thức khác, có hưởng lương hoặc không hưởng lương, được giao thực hiện một công vụ nhất định và có quyền hạn nhất định trong khi thực hiện công vụ.

c. Sử dụng công cụ hoặc phương tiện săn bắt bị cấm

Có thể nói, tình tiết này cũng tương tự như tình tiết quy định tại điểm a khoản 1 Điều 188 Bộ luật hình sự về tội huỷ hoại nguồn lợi thuỷ sản. Tuy nhiên, đối với loài động vật hoang giã quý hiếm không phải là thủy sản việc sử dụng công cụ hoặc phương tiện bị cấm săn bắt cần phải căn cứ vào quy định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cứ không hoàn toàn như đối với thuỷ sản.

Công cụ, phương tiện săn bắt bị cấm thường là công cụ phương tiện có thể săn bắt hàng loạt động vật hoang dã quý hiếm, gây nguy hại cho người và môi trường sinh thái như vũ khí quân dụng, chất nổ, chất độc, chất cháy, hơi cay, hơi ngạt lưới điện v.v...

d. Săn bắt trong khu vực bị cấm hoặc vào thời gian bị cấm.

Tình tiết phạm tội này cũng tương tự như trường hợp quy định tại điểm b khoản 1 Điều 188 Bộ luật hình sự.

Khi xác định khu vực cấm săn bắt hoặc thời gian cấm săn bắt động vật quý hiếm phải căn cứ vào quy định của cơ quan nhưng có thẩm quyền

Khu vực cấm là khu vực được bảo vệ theo ché độ đặc biệt do cơ quan có thẩm quyền quy định như: các khu bảo tồn thiên nhiên, vườn quốc gia, vùng phục hồi sinh thái, khu di tích lịch sử, khu quân sự.v.v...

Thời gian bị cấm săn bắt là thời gian mà việc săn bắt có thể gây nguy hiểm cho việc duy trì hay phát triển số lượng của các loài động vật hoang dã quý hiếm tại một khu vực nhất định như mùa sinh sản, làm tổ hoặc di cư đến của loài động vật hoang dã quý hiếm.v.v...

đ. Gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng.

Hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng do hành vi vi phạm các quy định về bảo vệ động vật hoang dã quý hiếm là những thiệt hại vật chất và phi vật chất cho xã hội. Do tính chất của tội phạm này là xâm phạm đến môi trường sinh thái nên việc xác định hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng cũng phải căn cứ vào những thiệt hại chủ yếu cho môi trường sinh thái. Hiện nay dự thảo Thông tư liên tịch hướng dẫn áp dụng Bộ luật hình sự về tội phạm về môi trường chưa thông qua, nên có thể coi những thiệt hại sau là hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng do hành vi vi phạm các quy định về bảo vệ động vật hoang dã quý hiếm gây ra:

- Làm giảm từ 10% trở lên số lượng động vật hoang dã quý hiếm hiện có tại khu vực săn bắt, nếu động vật đó sống theo bầy đàn.

- Gây nguy cơ tuyệt chủng hoặc gây tuyệt chủng một hoặc một số loài động vật hoang dã quý hiếm.

- Gây thiệt hại từ 500 triệu đồng trở lên.

Ngoài ra còn căn cứ vào tình hình chính trị, kinh tế, xã hội ở từng nơi, từng lúc mà xác định những thiệt hại phi vật chất do hành vi vi phạm các quy định về bảo vệ động vật hoang dã quý hiếm gây ra để xác định hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng.

Người phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 của điều luật có thể bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm, là tội phạm nghiêm trọng.

Khi quyết định hình phạt đối với người phạm tội, nếu chỉ thuộc một trường hợp quy định tại khoản 2 của điều luật và có nhiều tình tiết giảm nhẹ quy định tại Điều 46 Bộ luật hình sự, không có tình tiết tăng nặng, thì có thể được áp dụng hình phạt dưới hai năm tù hoặc chuyển sang hình phạt khác nhẹ hơn; nếu người phạm tội thuộc nhiều trường hợp quy định tại khoản 2 của điều luật và có nhiều tình tiết tăng nặng quy định tại Điều 48 Bộ luật hình sự,

không có tình tiết giảm nhẹ hoặc nếu có nhưng mức độ giảm nhẹ không đáng kể, thì có thể bị phạt đến bảy năm tù.

3. Hình phạt bổ sung

Ngoài hình phạt chính, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ hai triệu đồng đến hai mươi triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.

Chỉ áp dụng hình phạt tiền là hình phạt bổ sung nếu hình phạt chính áp dụng đối với bị cáo không phải là hình phạt tiền.

Toà án có thể áp dụng một loại hình phạt bổ sung nhưng cũng có thể áp dụng tất cả các loại hình phạt bổ sung được quy định tại khoản 3 của điều luật.

Khi áp dụng hình phạt cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định cần tuyên rõ cấm đảm nhiệm những chức vụ cụ thể gì, cấm hành nghề gì và cấm làm công việc cụ thể gì, mà không tuyên chung chung như quy định của điều luật.

Một phần của tài liệu Binh luan khoa hoc Bo luat Hình su. TP MOI TRUONG (Trang 46 - 49)