Hiện nay tại Việt Nam, các công trình khoa học về nghiên cứu tổng hợp vật liệu spinel ferrite và vật liệu tổ hợp spinel ferrite-TiO2 ứng dụng trong hấp phụ kim loại nặng và phân hủy các chất hữu cơ độc hại vẫn còn chưa nhiều. Các nghiên cứu chủ yếu tập trung vào các phương pháp tổng hợp spinel ferrite và khảo sát đặc trưng cấu trúc, tính chất từ của chúng.
Nhóm tác giả Nguyễn Thị Tố Loan, Nguyễn Thị Quyên [4] đã nghiên cứu tổng hợp oxi nano CuFe2O4 bằng phương pháp đốt cháy gel. Nhóm tác giả đã xác định được điều kiện tối ưu để tổng hợp vật liệu CuFe2O4 bằng phương pháp đốt cháy gel là: tỉ lệ mol (Cu2+, Fe3+)/PVA = 1/3, nhiệt độ tạo gel 70 oC ở pH = 2, nung ở 800 oC trong 3 giờ. CuFe2O4 thu được có dạng hình cầu, với kích thước hạt nhỏ hơn 30 nm.
Nhóm tác giả Nguyễn Anh Tiến, Hoàng Thị Tuyết [7] đã tổng hợp vật liệu nano CoFe2O4 bằng phương pháp đồng kết tủa, nghiên cứu cấu trúc và từ tính của vật liệu này. Vật liệu CoFe2O4 được nhóm tác giả tổng hợp bằng cách nung kết tủa trong môi trường áp suất không khí ở 700 oC, thời gian nung 1 giờ 30 phút. Các hạt CoFe2O4 có cấu trúc lập phương, kích thước 30 nm - 50 nm. Tính chất từ của vật liệu: độ từ dư Mr = 19,545emu/g, lực kháng từ Hc = 1526,89 Oe, độ bão hòa từ Ms = 41,703 emu/g.
Công trình của nhóm tác giả Đỗ Quốc Hùng, Nguyễn Kim Thanh đã tổng hợp vật liệu nano NiFe2O4-TiO2 và nghiên cứu tính xúc tác quang. NiFe2O4-TiO4 được tổng hợp bằng phương pháp đồng kết tủa kết hợp giữa phun và thủy nhiệt. Vật liệu thu được có kích thước khoảng 20 nm, độ bão hòa từ Ms = 20 emu/g. Đánh giá khả năng quang xúc tác của NiFe2O4-TiO4, nhóm tác giả đã cho phân hủy metyl da cam dưới sự chiếu sáng UV. Kết quả là sau 14 giờ, lượng metyl da cam đã bị phân hủy đến 98,2% [198].
Luận án tiến sĩ của tác giả Nguyễn Thị Lan đã chế tạo một số loại vật liệu spinel ferrite như CoxFe3-xO4, MnxZn1-xFe2O4, Li0.5Fe0.5O4 bằng phương pháp thủy nhiệt và sol-gel, có thể điều khiển được kích thước của các hạt nano. Luận án đã sử dụng mô hình lí thuyết để đưa ra các giải thích ban đầu về ảnh hưởng của hiệu ứng kích thước hữu hạn đến sự giảm mômen từ bão hòa, thay đổi nhiệt độ chuyển pha, xuất hiện tính chất siêu thuận từ và đánh giá sự ảnh hưởng của dị hướng từ bề mặt vào dị hướng từ chung của hạt [3].
Luận án tiến sĩ của Lê Diện Thân đã điều chế bột TiO2 biến tính với N, Fe bằng phương pháp đồng kết tủa từ TiCl4, NH3, Fe(NO3).9H2O. Vật liệu biến tính có năng lượng vùng cấm thấp hơn TiO2 và tăng hiệu suất xúc tác quang phân hủy MB dưới ánh sáng khả kiến khoảng 80 %. Luận án tiến sĩ của Nguyễn Văn Hưng đã nghiên cứu điều chế, khảo sát cấu trúc và tính chất cấu trúc của TiO2 biến tính với một số ion kim loại chuyển tiếp Y(III), Nd(III),
Cr(III), W(III) làm vật liệu xúc tác quang phân hủy paraquat trong thuốc trừ sâu. Luận án tiến sĩ của Nguyễn Cao Khanh chế tạo vật liệu nano TiO2 pha Fe, Co, Ni, N và nghiên cứu tính chất vật lý của chúng [2], [5].
Luận án tiến sĩ của tác giả Nguyễn Kim Thanh nghiên cứu về các phương pháp tổng hợp spinel ferrite hỗn hợp MFe2O4 (M = Cu2+, Ni2+, Mg2+), đánh giá cấu trúc, tính chất từ và sự phân bố cation trong cấu trúc của các spinel ferrite [6].