D) CÁC CÁCH BIỂU DIỄN CỦA MÔ HÌNH PHÂN TÍCH
a. Tái sử dụng các mẫu kiến trúc
Mặc dù mỗi hệ thống phần mềm là duy nhất, các hệ thống trong cùng một lĩnh vực cũng có những kiến trúc tương tự phản ánh những khái niệm cơ bản của lĩnh vực ứng dụng. Các kiến trúc của lĩnh vực ứng dụng này có thể có đặc điểm chung rõ ràng, chẳng hạn như kiến trúc của
các hệ thống quản lý thông tin được xây dựng quanh một lõi kiến trúc với sự biến đổi cho phù hợp với yêu cầu của từng khách hàng. Khi thiết kế kiến trúc hệ thống, bạn phải quyết định hệ thống của bạn là gì, những lớp ứng dụng nào có thể dùng chung và quyết định xem bao nhiêu phần trăm kiến thức từ kiến trúc của ứng dụng này có thể sử dụng lại được.
Đối với những hệ thống nhúng và các hệ thống được thiết kế cho máy tính cá nhân, thông thường chỉ chạy trên một bộ vi xử lý, không sử dụng kiến trúc phân tán. Tuy nhiên, hầu hết các hệ thống lớn hiện nay là các hệ thống phân tán, được xử lý trên nhiều máy tính khác nhau. Việc lựa chọn kiến trúc phân tán là một quyết định then chốt ảnh hưởng tới hiệu suất và độ tin cậy của hệ thống.
Kiến trúc của một hệ thống phần mềm có thể dựa trên một mô hình hoặc kiểu kiến trúc riêng biệt. Một kiểu kiến trúc là một mẫu (pattern) của tổ chức hệ thống. Kiến thức, khả năng ứng dụng, điểm mạnh và điểm yếu của những mẫu này rất quan trọng. Tuy nhiên, kiến trúc của hầu hết những hệ thống lớn không tương thích với một kiểu kiến trúc riêng lẻ nào. Những thành phần khác nhau của hệ thống có thể được thiết kế bởi các kiểu kiến trúc khác nhau. Trong một số trường hợp, kiến trúc của toàn bộ hệ thống được tạo ra bởi sự kết hợp các kiểu kiến trúc khác
nhau.