VI. Hội nghị của các Đảng Cộng sản và công nhân quốc tế (1957,1960 và 1969) 1 Hội nghị đại biểu các Đảng Cộng sản và công nhân 1957 tại Matxcơva
3. Hội nghị dại biểu các Đảng Cộng sản và công nhân năm 1969 tại Matxcơva
Sau Hội nghị Matxcơva năm 1960, hoạt động lí luận và thực tiễn của các Đảng Cộng sản và công nhân được tăng cường hơn trước. Tuy nhiên, trong phong trào cộng sản quốc tế, trên những vấn đề cơ bản của cách mạng thế giới trong thời đại hiện nay vẫn tồn tại những bất đồng sâu sắc và vẫn tiếp tục diễn ra cuộc đấu tranh gay gắt giữa những người theo chủ nghĩa Mác - Lênin với những người theo chủ nghĩa xét lại và chủ nghĩa giáo điều biệt phái. Mâu thuẫn và bất đồng trầm trong nhất là giữa hai đảng, hai nhà nước lớn trong phe xã hội chủ nghĩa (như đã trình bày ở trên). Đảng Cộng sản Trung Quốc tuyên bố ''những kiến nghị về đường lối chung của phong trào cộng sản quốc tế” trong đó thể hiện những quan điểm không tán thành với Tuyên bố Matxcơva năm 1957 và 1960 về những vấn đề quốc tế và thời đại (trung tâm cách mạng thế giới đã chuyển sang châu Á, và Trung Quốc mới xứng đáng là đội tiên phong của phong trào cộng sản thế giới; không phải hệ thống XHCN là nhân tố quyết định sự phát triển của xã hội loài người mà cuộc đấu tranh giải phóng của các nước Á - Phi- Mĩ Latinh mới là lực lượng quyết định quá trình cách mạng thế giới; chiến tranh thế giới tất yếu sẽ xảy ra và là con đường để thủ tiêu chủ nghĩa đế quốc thế giới; hình thức đấu tranh vũ trang là hình thức duy nhất cách mạng và phải phát động cả ở các nước có phong trào giải phóng dân tộc cũng như các nước tư bản chủ nghĩa v.v…). Những quan điểm “tả” của Trung Quốc đã gây nên những tổn thất cho cách mạng Trung Quốc và cách mạng thế giới, như sự tổn thất nặng nề của cách mạng Inđônêxia và Đảng Cộng sản Inđônêxia năm 1965, sự tàn phá của cuộc “cách mạng văn hóa” ở Trung Quốc trong những năm l966-1969, sự tha hóa biến chất của một số Đảng Cộng sản ở Đông Nam Á v.v…
Ở Đông Âu, các Đảng Cộng sản cầm quyền tuy giành được nhiều thắng lợi trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội, nhưng vẫn tiếp tục phạm những sai lầm thiếu xót trong đường lối,
gây nên sự bất ổn về chính trị ở trong nước (như trường hợp ở Tiệp Khắc năm 1968).
Trong bối cảnh đó, Hội nghị quốc tế lần thứ ba của 75 Đảng Cộng sản và công nhân đã diễn ra ở Matxcơva vào mùa hè 1969 để đề ra đường lối, củng cố sự thống nhất phong trào cộng sản quốc tế và các lực lượng chống đế quốc. Hơn l0 Đảng Cộng sản, trong đó có Đảng Cộng sản Trung Quốc, không tham gia hội nghị. Do tập trung cho công cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước. Đảng Cộng sản Việt Nam cũng không có mặt ở Hội nghị này.
Hội nghị Matxcơva thông qua văn kiện: “Những nhiệm vụ đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc trong giai đoạn hiện tại và sự thống nhất hành động của các Đảng Cộng sản, công nhân và tất cả các lực lương chống đế quốc”. Văn kiện đã phân tích tình hình thế giới, những đặc điểm nổi bật trong sự phát triển của chủ nghĩa đế quốc thế giới, chiến lược và sách lược của chúng, và nhận định trong hiện nay chủ nghĩa đế quốc vẫn là kẻ thù nguy hiểm của nhân dân thế giới. Vì vậy, cần phải đoàn kết tất cả các lực lượng của phong trào cộng sản và chống đế quốc.
Văn kiện tổng kết của Hội nghị nhận định rằng: ''Loài người đã bước vào một phần ba cuối cùng của thế kỉ này trong hoàn cảnh cuộc đấu tranh lịch sử giữa các lực lượng tiến bộ và phản động, giữa chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa đế quốc diễn ra gay gắt. Vũ đài của cuộc đấu tranh ấy là toàn thế giới, trên tất cả các lĩnh vực chủ yếu của đời sống xã hội - kinh tế, chính trị, hệ tư tưởng, văn hóa''. Văn kiện chỉ rõ hiện nay đã có những điều kiện thực tế để giải quyết những vấn đề quan trong nhất của thời đại vì lợi ích của hòa bình dân chủ và chủ nghĩa xã hội.
Hội nghị nhận định rằng hệ thống xã hội chủ nghĩa thế giới là lực lượng quyết định của phong trào chống đế quốc toàn thế giới. Cuộc đấu tranh giữa hai hệ thống đối lập tùy thuộc những thành tựu và sự đoàn kết của hệ thống XHCN thế giới. Phương hưóng chính trong việc đoàn kết hệ thống XHCN là quán triệt trong cuộc sống những nguyên tắc của chủ nghĩa quốc tế xã hội chủ nghĩa. Do vậy, vấn đề bảo vệ chủ nghĩa xã hội là nghĩa vụ quốc tế của những người cộng sản.
Hội nghị nhận định rằng trong các nước tư bản chủ nghĩa, giai cấp công nhân là động lực chính của cuộc đấu tranh cách mạng, của toàn bộ phong trào dân chủ và chống đế quốc. Đồng thời, các Đảng Cộng sản ở khu vực này cần chú ý đến những khả năng cách mạng to lớn của giai cấp nông dân lao động, giới trí thức tiến bộ, thanh niên và đề ra những biện pháp thu hút các lực lượng ấy tham gia cuộc đấu tranh chung chống chủ nghĩa đế quốc.
Hội nghị cũng đánh giá vai trò ngày càng tăng của phong trào chống đế quốc của các dân tộc Á - Phi - Mĩ latinh trong quá trình cách mạng thế giới.
Hội nghị đã ra ''Lời kêu gọi nhân kỉ niệm 100 năm ngày sinh của Lênin'', trong đó nhấn mạnh sự trung thành với chủ nghĩa Mác - Lênin là nền tảng mọi thắng lợi của phong trào cộng sản. Hội nghị Matxcơva năm 1969 cũng phê phán đường lối của Đảng Cộng sản Trung Quốc, tiếp tục kế thừa và phát triển nhiều luận điểm của hai hội nghị trước đây về thời đại, về chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa tư bản, phong trào giải phóng dân tộc, về sự thay đổi tương quan lực lượng trên thế giới ngày càng có lợi cho phía các lực lượng cộng sản, cách mạng và tiến bộ, đề ra đường lối chung: các Đảng Cộng sản thống nhất hành động với mọi lực lượng tiến công
mạnh mẽ hơn chống chủ nghĩa đế quốc và các lực lượng phản động và chiến tranh. Hội nghị thừa nhận có những bất đồng sâu sắc trong nội bộ phong trào cộng sản quốc tế, song hi vọng rằng sự bất đồng này được khắc phục bằng con đường hợp tác, thảo luận, trao đổi ý kiến và thống nhất hành động chống chủ nghĩa đế quốc trên diễn đàn quốc tế.
Từ những năm 1970 trở về sau, nhiều Đảng Cộng sản trưởng thành hơn và đã tự giải quyết các vấn đề tư tưởng, lí luận, đường lối chiến lược, sách lược hoạt động của mình. Vì vậy, thời kì các hội nghị quốc tế các đảng như trước cũng không còn nữa. Dựa trên các văn kiện hội nghị quốc tế những năm 1957, 1960 và 1969, gần 50 đảng trong giai đoạn này đã thông qua cương lĩnh mới hoặc sửa đổi cương lĩnh, điều chỉnh chiến lược và sách lược hoạt động của mình. Đầu những năm 60, các Đảng Cộng sản cầm quyền ở các nước xã hội chủ nghĩa đề ra và thực hiện chiến lược xây dựng chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản.
Các Đảng Cộng sản ở các nước tư bản phát triển thống nhất các lực lượng dân chủ rộng rãi chống chủ nghĩa tư bản độc quyền nhà nước, chống chạy đua vũ trang hạt nhân, vì hòa bình, dân chủ và tiến lên chủ nghĩa xã hội bằng con đường cách mạng hay con đường đấu tranh nghị viện.
Các Đảng Cộng sản ở khu vực Á, Phi, Mĩ Latinh xác định nhiệm vụ chủ yếu trước mắt của mình là đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc, chống chế độ độc tài củng cố độc lập dân tộc, xóa bỏ chế độ thực dân dưới các hình thức, phát triển đất nước theo con đường dân chủ, tiến bộ theo định hướng phi tư bản chủ nghĩa.
Trong những năm 60 và 70, phong trào cộng sản quốc tế ngày càng phát triển đa dạng cả về chiều rộng lẫn chiều sâu trước những biến đổi không ngừng của điều kiện thực tế. Chính sự không chú ý đầy đủ đến sự khác biệt và đa dạng, sự thiếu thông cảm, hiểu biết lẫn nhau là một nguyên nhân khách quan chủ yếu của những bất đồng trong quan điểm, lí luận của phong trào cộng sản quốc tế. Để khắc phục những bất đồng, điều quan trọng không phải chỉ là ''đấu tranh chống chủ nghĩa xét lại'', ''kiên trì bảo vệ sự trong sáng của chủ nghĩa Mác – Lênin chống những luận điểm, nguyên tắc kinh viện chỉ dừng lại ở trình độ lí luận, tư tưởng những năm 50 - 60 và trước đó mà còn phải chống cả chủ nghĩa giáo điều ''thâm căn cố đế và phát triển liên tục, sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin, đổi mới toàn diện hoạt động của các Đảng Cộng sản cho ngang tầm và phù hợp với những đòi hỏi và biến đổi của thực tế cuộc sống trong từng quốc gia, từng dân tộc, từng thời kỳ cụ thể.