II. Giới thiệu về Lý Quang Diệu
1. Những đặc trưng trong phong cách lãnh đạo của Lý Quang Diệu
1.2.1. Sự thẳng thắn
Các chuyên gia và những người từng tiếp xúc với ông Lý Quang Diệu thường mô tả ông là một nhà lãnh đạo có phong cách rất phương Tây dù ông xuất thân từ một gia đình gốc Hoa. Ông không bao giờ vòng vo tam quốc mà luôn thẳng thắn, trực tiếp, nghĩ gì nói nấy. Ví dụ, khi đất nước Singapore mới thành lập còn gặp nhiều khó khăn, ông Lý Quang Diệu cương quyết không phụ thuộc vào viện trợ nước ngoài. Ngày 9-9- 1967 khi nói chuyện với các công nhân Singapore, ông Lý Quang Diệu thẳng thừng cảnh báo: “Thế giới không nợ gì chúng ta cả. Chúng ta không thể sống bằng chén cơm ăn mày”.
Khi giải thích với người dân lý do các quan chức chính phủ phải hưởng mức lương cao, ông Lý Quang Diệu nói một cách rất đơn giản “Mức lương thấp chỉ thu hút những kẻ đạo đức giả, miệng hô to khẩu hiệu rằng muốn phục vụ nhân dân, nhưng khi lên nắm quyền thì lập tức thể hiện rõ bản chất và phá hoại đất nước”. Mục tiêu của ông là đảm bảo xây dựng một chính phủ trong sạch và trung thực.
Có lần một nhà báo hỏi ông Lý Quang Diệu rằng ông nghĩ gì khi bị chỉ trích là can thiệp quá sâu vào cuộc sống riêng tư của người dân Singapore. Ông trả lời một cách quyết liệt: “Nếu tôi không làm như thế thì chúng tôi đã không có ngày hôm nay, đã không thể tiến bộ về kinh tế. Tôi nói như vậy mà chẳng có gì hối tiếc cả”. Ông khẳng định thêm: “Nếu chúng tôi không can thiệp vào những vấn đề cá nhân như hàng xóm của bạn là ai, bạn sống thế nào, bạn gây ồn ra sao, nhổ bậy hay ăn nói như thế
nào… Chúng tôi quyết định điều gì là đúng và không cần biết người dân nghĩ gì”. Ông Lý Quang Diệu từng tự hào nói: “Tôi từng bị buộc nhiều tội, nhưng kể cả kẻ thù tồi tệ nhất cũng chưa bao giờ buộc tội tôi là không dám nói thẳng suy nghĩ của mình”.
Không ít người cảm thấy bị sốc vì sự thẳng thắn của ông Lý Quang Diệu. Nhưng học giả Smedinghoff và đa số chuyên gia đều cho rằng phẩm chất đó đã giúp ông Lý Quang Diệu giành được niềm tin của người dân Singapore. Họ hiểu rằng họ có thể tin tưởng vào vị thủ tướng đầu tiên của đất nước. “Có bao nhiêu nhà lãnh đạo đủ dũng khí để nói ra rõ ràng những suy nghĩ của mình như vậy?” - học giả Smedinghoff đặt câu hỏi.