2.3.2.1. Còn nhiều sai phạm trong trình tự, thủ tục thi hành án dân sự
Thứ nhất, còn vi phạm về thời hạn ra quyết định thi hành án; có trường hợp thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự ra quyết định thi hành án không
đúng, không đủ các nội dung trong quyết định, bản án của Tòa án hoặc thừa nội dung so với đơn yêu cầu của người được thi hành án. Ví dụ: Chi cục trưởng Chi cục Thi hành án dân sự quận B, thành phố H ra quyết định thi hành án cả phần lãi suất trong khi đơn đề nghị thi hành án không có nội dung này, dẫn đến đương sự khiếu nại. Có trường hợp, ra quyết định trả đơn yêu cầu thi hành án tại một số cơ quan thi hành án dân sự còn tùy tiện, chưa chặt chẽ (mặc dù quy định về trả đơn yêu cầu đã hết hiệu lực từ ngày 01/7/2015 nhưng một số cơ quan thi hành án dân sự đã vi phạm khi vẫn áp dụng đối với trường hợp ra quyết định việc chưa có điều kiện thi hành). Có trường hợp, ra quyết định thu hồi quyết định thi hành án không đúng quy định. Một số cơ quan thi hành án dân sự ra quyết định thu hồi quyết định thi hành án khi người được thi hành án đề nghị cho thời gian để thỏa thuận với người phải thi hành án, vi phạm quy định tại Điều 37 Luật Thi hành án dân sự. Có trường hợp, không ra quyết định về thi hành án theo đúng quy định. Ví dụ:
Một số cơ quan thi hành án dân sự không ra quyết định tiếp tục thi hành án khi hết thời hạn hoãn; ra quyết định thu hồi nhưng không ra quyết định thi hành án khi người nhận chuyển giao quyền và nghĩa vụ có đơn yêu cầu thi hành án theo quy định tại khoản 3 Điều 54 Luật Thi hành án dân sự mà lại đưa vào hồ sơ giải quyết xong; hoặc không ra quyết định đình chỉ thi hành án khi người được thi hành án rút đơn đề nghị thi hành án.
Thứ hai, còn vi phạm trình tự, thủ tục thi hành án: (i) Thực hiện thông báo, tống đạt các văn bản, quyết định về thi hành án không đúng quy định. Mặc dù, Điều 39 Luật Thi hành án dân sự đưa ra những quy định nhằm đảm bảo cho đương sự kịp thời được thông tin để thực hiện quyền, nghĩa vụ của mình. Tuy nhiên, sai phạm trong hoạt động này vẫn còn lặp lại tại một số cơ quan thi hành án dân sự địa phương. Nhiều hồ sơ thi hành án không có tài liệu thể hiện việc chấp hành viên đã thông báo các quyết định về thi hành án cho đương sự và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Việc không được thông
báo các quyết định về thi hành án đã dẫn đến các đương sự không biết nghĩa vụ mình phải thực hiện; không biết được quyền lợi của mình để bảo vệ và không biết để thực hiện quyền được khiếu nại đối với các quyết định. Từ đó, có thể gây ảnh hưởng trực tiếp đến quyền và lợi ích của người được thi hành án, người phải thi hành án và những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. (ii) Thực hiện xác minh điều kiện thi hành án không đúng quy định. Theo Luật Thi hành án dân sự và các văn bản hướng dẫn thi hành, thủ tục xác minh thi hành án là thủ tục quan trọng, có ý nghĩa quyết định trong việc xác định người phải thi hành án có điều kiện hay không có điều kiện để tiến hành các thủ tục tiếp theo, nhưng chấp hành viên lại thường hay vi phạm và hậu quả chậm được khắc phục, cụ thể: Vi phạm về thời hạn xác minh điều kiện thi hành án. Theo quy định tại khoản 2 Điều 44 Luật Thi hành án dân sự, thì trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày ra quyết định thi hành án dân sự chủ động hoặc kể từ ngày người yêu cầu thi hành án yêu cầu xác minh, thì chấp hành viên phải tiến hành việc xác minh. Tuy nhiên, tại hầu hết các địa phương được kiểm tra trong năm 2015 và những năm trước đây cho thấy, vẫn còn rất nhiều trường hợp chấp hành viên chậm tiến hành xác minh, có nhiều vụ việc chậm vài ngày, vài tháng, vài năm, cá biệt có trường hợp chậm cả chục năm. Nhiều trường hợp nội dung xác minh còn chung chung, chưa rõ ràng, đầy đủ, chính xác, chưa phản ánh được điều kiện thi hành án của đương sự. Nhiều trường hợp chấp hành viên không xác minh trực tiếp tại nơi có tài sản, tại địa chỉ của người phải thi hành án, mà chỉ xác minh tại Ủy ban nhân dân phường, xã; hoặc không xác minh tại các cơ quan có thẩm quyền quản lý đối với tài sản phải đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng. Những vi phạm nêu trên thể hiện trình độ, năng lực cũng như sự cẩu thả của chấp hành viên trong việc xác minh điều kiện thi hành án. (iii) Cưỡng chế, xử lý tài sản để đảm bảo thi hành án không đúng quy định, ví dụ: Bản án, quyết định tuyên chưa rõ (tuyên chia thừa kế căn nhà) nhưng cơ quan thi hành án dân sự không có văn bản đề nghị
Tòa án giải thích đã kê biên, xử lý cả nhà và quyền sử dụng đất; hoặc trường hợp cơ quan thi hành án dân sự đã có văn bản đề nghị Tòa án giải thích bản án, quyết định, đang trong thời hạn cơ quan có thẩm quyền giải thích nhưng thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự không ra quyết định hoãn thi hành án mà vẫn tổ chức thi hành án, vi phạm quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 48 Luật Thi hành án dân sự. Chấp hành viên vi phạm trong việc thẩm định giá tài sản, thường là ký thẩm định giá với tổ chức thẩm định giá không có giấy phép hoạt động tại địa bàn, vi phạm quy định tại khoản 2 Điều 98 Luật Thi hành án dân sự. Có trường hợp Chấp hành viên vi phạm trong việc ký hợp đồng bán đấu giá tài sản: Tại các đơn vị được kiểm tra, các chấp hành viên chưa sử dụng mẫu hợp đồng bán đấu giá chung. (iv) Còn có tình trạng Cơ quan thi hành án dân sự thường gặp sai phạm trong hoạt động thu, chi tiền thi hành án như: Chi tiền mặt số lượng lớn đối với trường hợp người được thi hành án là doanh nghiệp, cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội, tổ chức kinh tế, vi phạm khoản 5 Điều 10 Thông tư số 22/2011/TT-BTP ngày 02/12/2011 của Bộ Tư pháp hướng dẫn thực hiện một số thủ tục trong quản lý hành chính về thi hành án dân sự. Hồ sơ thi hành án không lưu đầy đủ các chứng từ thu, chi, bản sao giấy nộp tiền vào ngân sách nhà nước, có nhiều cơ quan thi hành án không lưu phiếu thu trong hồ sơ thi hành án. Cá biệt, trong thời gian qua, một số cơ quan thi hành án đã để xảy ra tình trạng thu tiền thi hành án nhưng không nộp vào quỹ để chi trả cho đương sự hoặc xâm tiêu tiền thi hành án, dẫn đến người vi phạm thì bị khởi tố hình sự còn thủ trưởng đơn vị cũng bị xử lý kỷ luật.
2.3.2.2. Việc phối hợp của cơ quan có liên quan chưa hiệu quả:
Công tác phối hợp giữa các cơ quan có liên quan (như Tòa án trong việc kiến nghị giải thích bản án và kiến nghị xem xét lại bản án; Viện kiểm sát trong việc kịp thời kiểm sát đối với công tác thi hành án dân sự; Công an trong việc phối hợp bảo vệ cưỡng chế thi hành án; việc thực hiện công tác xác minh tài sản, cung cấp thông tin tài sản của người phải thi hành án, thực hiện
các yêu cầu của Chấp hành viên cơ quan thi hành án dân sự ….) chưa thực sự tốt, còn biểu hiện sự né tránh, đùn đẩy đã gây khó khăn cho công tác thi hành án, giải quyết khiếu nại, cần được tăng cường tốt hơn. Có nhiều vụ việc khi cơ quan thi hành án lập kế hoạch cưỡng chế gửi sang cơ quan công an cùng cấp để thực hiện kế hoạch bảo vệ, nhưng đến sát ngày cưỡng chế cơ quan công an đã viện ra lý do để không bố trí được lực lượng tham gia, gây khó khăn cho cơ quan thi hành án.
2.3.2.3. Cấp ủy, chính quyền đại phương chưa thực sự quan tâm
Ngoài các địa phương đã được chính quyền địa phương quan tâm, Ban chỉ đạo thi hành án đã quyết liệt chỉ đạo thì vẫn còn một số ít địa phương còn chưa quan tâm đúng mức đến công tác thi hành án dân sự, thậm chí có những nơi còn chỉ đạo cơ quan thi hành án thực hiện trái quy định của pháp luật. Ví dụ, trong như tại Chi cục Thi hành án dân sự huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai, trong quá trình tổ chức thi hành án đã kê biên tài sản của người phải thi hành án và tiến hành thủ tục bán đấu giá để đảm bảo thi hành án. Tuy nhiên, đến ngày tổ chức bán đấu giá thì Phó chủ tịch huyện, kiêm Trưởng Ban chỉ đạo thi hành án đã có văn bản dừng việc bán đấu giá trái quy định của Luật Thi hành án dân sự (đồng chí Phó Chủ tịch huyện sau đó đã bị kỷ luật cách chức), nhưng hậu quả của việc dừng bán đấu giá vẫn chưa được giải quyết dẫn đến việc đương sự khiếu nại gay gắt.
2.3.2.4. Về phía người khiếu nại
Về thực hiện quyền khiếu nại, qua thực tiễn cho thấy có khá nhiều trường hợp người khiếu nại lợi dụng quyền khiếu nại được pháp luật công nhận để khiếu nại mọi hành vi, quyết định của cơ quan thi hành án dân sự mặc dù không có căn cứ, với mục đích nhằm kéo dài việc thi hành án. Quá trình tổ chức thi hành án Chấp hành viên tiến hành nhanh thì cũng bị khiếu nại của người phải thi hành án, tiến hành chậm thì bị người được thi hành án khiếu nại. Tình trạng đương sự cố tình gửi đơn khiếu nại vượt cấp hoặc khiếu
nại đã được giải quyết theo quy định của pháp luật nhưng vẫn tiếp tục cố tình khiếu nại để kéo dài việc thi hành án. Gần đây xảy ra tình trạng đơn khiếu nại sau khi đã được giải quyết hết thẩm quyền, đúng quy định của pháp luật hoặc khiếu nại khi đã hết thời hiệu khiếu nại nên không được thụ lý để giải quyết thì người khiếu nại lại chuyển sang tố cáo về thi hành án dân sự, mặc dù nội dung tố cáo không có gì mới so với đơn khiếu nại.
Công tác giải quyết khiếu nại là một trong những công việc khó khăn, đòi hỏi phải có trình độ, năng lực, kinh nghiệm, bởi vì cán bộ tham mưu phải xác định đúng đối tượng có quyền được khiếu nại, nội dung khiếu nại, phải có kỹ năng đọc đơn để xác định chính xác đương sự khiếu nại quyết định hay hành vi gì trong quá trình tổ chức thi hành án của cán bộ, Chấp hành hành viên, Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự. Xác định quyết định, hành vi gì của ai được người nào có thẩm quyền giải quyết.
Tuy nhiên, nhiều địa phương còn thiếu cán bộ hoặc cán bộ chưa có đủ năng lực, kinh nghiệm, một số cán bộ, Thẩm tra viên được giao nhiệm vụ kiểm tra, xác minh, tham mưu giải quyết khiếu nại còn hạn chế về mặt năng lực, không khách quan khi thực hiện nhiệm vụ được giao, nhưng thủ trưởng đơn vị chưa quan tâm, không có biện pháp khắc phục hoặc xử lý kịp thời dẫn đến sự nhìn nhận của người khiếu nại không đúng về hệ thống cơ quan thi hành án. Sự phối hợp giữa cơ quan cấp trên, cấp dưới và các cơ quan chức năng trong việc tổ chức thi hành án còn bị động, thiếu chặt chẽ, trách nhiệm trong giải quyết khiếu nại có trường hợp không rõ ràng.
2.3.2.5. Chưa có sự quan tâm, đầu tư tương xứng đối với đội ngũ công chức làm công tác giải quyết khiếu nại
Thẩm tra viên là công chức, có nhiệm vụ giúp Thủ trưởng cơ quan quản lý thi hành án dân sự, cơ quan thi hành án dân sự và cơ quan quản lý, cơ quan thi hành án trong quân đội thực hiện nhiệm vụ thẩm tra thi hành án và các nhiệm vụ khác theo quy định của pháp luật. Theo quy định thì Thẩm tra
viên thi hành án dân sự có các nhiệm vụ, quyền hạn như: Thực hiện việc thẩm tra, kiểm tra những vụ việc thi hành án đã và đang thi hành; thẩm tra xác minh các vụ việc có đơn thư khiếu nại, tố cáo theo sự chỉ đạo của Thủ trưởng cơ quan quản lý thi hành án dân sự và cơ quan thi hành án dân sự; thẩm tra thống kê, báo cáo, dữ liệu thi hành án dân sự và những hồ sơ, tài liệu khác có liên quan đến công tác thi hành án dân sự (Khoản 1 Điều 67 Nghị định 62/2015/NĐ-CP về nhiệm vụ, quyền hạn của Thẩm tra viên); Lập kế hoạch, tổ chức thực hiện hoặc phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan để xác minh, kiểm tra và đề xuất biện pháp giải quyết theo nhiệm vụ được phân công (khoản 2 Điều 67 Nghị định 62/2015/NĐ-CP ); Tham mưu cho Thủ trưởng cơ quan trả lời kháng nghị, kiến nghị của Viện Kiểm sát nhân dân theo thẩm quyền (Khoản 3 Điều 67 Nghị định 62/2015/NĐ-CP ); Thực hiện các nhiệm vụ khác do Thủ trưởng cơ quan giao (Khoản 4 Điều 67 Nghị định 62/2015/NĐ-CP). Với vị trí, vai trò, tầm quan trọng như vậy của đội ngũ Thẩm tra viên thi hành án nhưng hiện nay đội ngũ này vẫn thiếu và yếu. Nhu cầu của toàn quốc đòi hỏi phải có hơn 1600 Thẩm tra viên. Tuy nhiên, theo thống kê của Tổng cục Thi hành án dân sự thì hiện nay mới chỉ đáp ứng khoản 1/3. Do đó, không đáp ứng yêu cầu của nhiệm vụ tham mưu giải quyết khiếu nại về thi hành án dân sự, nhất là ở cấp huyện.
Kết luận chương 2
Có thể thấy có rất nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn tới việc khiếu nại về thi hành án dân sự, như trường hợp người phải thi hành án có điều kiện thi hành án nhưng vẫn cố tình chây ỳ, không tự nguyện thi hành, hay đương sự không hiểu trình tự thủ tục thi hành án hoặc lợi dụng quyền tự do dân chủ của công dân, làm đơn khiếu nại không đúng qui định nhằm trì hoãn việc thi hành án. Nhiều trường hợp khiếu nại, cơ quan Thi hành án dân sự đã giải quyết khiếu nại hết thẩm quyền nhưng các đương sự vẫn tiếp tục khiếu nại gửi đến nhiều ngành, nhiều cấp từ Trung ương tới địa phương, gây xáo trộn, làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của cơ quan Thi hành án dân sự, có trường hợp, ảnh hưởng đến an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương.
Thực tế cho thấy, từ phía cơ quan thi hành án dân sự trong quản lý, điều hành có lúc còn chưa sâu sát, kịp thời, chưa quyết liệt; đội ngũ cán bộ chưa tương xứng cả về số lượng cũng như chất lượng so với yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Do đội ngũ cán bộ còn thiếu về số lượng, năng lực, trình độ chuyên môn nghiệp vụ không đồng đều; một số cán bộ quản lý chưa phát huy hết trách nhiệm trong quản lý, điều hành; một số Chấp hành viên, cán bộ
thi hành án chưa kịp thời cập nhật kiến thức nghiệp vụ, cá biệt có một số trường hợp vi phạm kỷ luật; một số cơ quan thi hành án dân sự thiếu chủ động trong việc phối hợp với các cơ quan hữu quan ở địa phương, chưa tranh thủ được sự quan tâm của cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương đối với công tác thi hành án dân sự... Do đó, việc tăng cường công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành ở các cấp theo hướng rõ người, rõ việc và thời gian hoàn thành nhiệm vụ; Trong khi quyền khiếu kiện và trách nhiệm giải quyết khiếu kiện đã được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm, các cấp các ngành tạo mọi điều kiện