Giải pháp đối với rủi ro thanh khoản

Một phần của tài liệu Luận án tiến sĩ nghiên cứu khả năng vượt qua căng thẳng thanh khoản và tín dụng của ngân hàng thương mại tại việt nam (Trang 138)

Dựa trên kết quả nghiên cứu được trình bày trong chương 4, nghiên cứu đề xuất một số giải pháp chính tập trung vào nâng cao hiệu quả quản trị tài sản có tính thanh khoản cao của các ngân hàng trong quản trị RRTK, gồm:

Xây dựng hệ thống cập nhật dữ liệu kinh doanh nội bộ.

Các ngân hàng thương mại cần phải sử dụng công cụ ST RRTK để đánh giá khả năng đáp ứng yêu cầu về thanh khoản theo Thông tư 22/2019/TT-NHNN quy định về các giới hạn, tỷ lệ an toàn vốn của NHTM. Việc sử dụng công cụ ST thường kỳ để đánh giá khả năng thanh khoản đòi hỏi mỗi ngân hàng phải xây dựng được hệ thống cơ sở dữ liệu nội bộ đủ mạnh để phục vụ cho việc tính toán, cập nhật thường xuyên. Tuy nhiên, hiện nay phần lớn các NHTM chưa có hoặc hệ thống cơ sở dữ liệu kinh doanh còn đơn giản, hạn chế, không thể tự động cập nhật số liệu theo định kỳ. Do đó, bước đầu tiên để các ngân hàng áp dụng ST vào đánh giá khả năng thanh khoản trong thực tế chính là xây dựng và hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu kinh doanh nội bộ. Khi đã xây dựng được hệ thống cập nhật dữ liệu kinh doanh nội bộ, ngân hàng thương mại cần thường xuyên cập nhật số liệu về các nguồn tài sản có tính thanh khoản cao và kém thanh khoản của ngân hàng mình, từ đó ngân hàng có thể biết rõ được nguồn cung thanh khoản trong trường hợp phải đối mặt với cú sốc rủi ro thanh khoản. Tất cả tài sản thanh khoản của ngân hàng đều được hạch toán đầy đủ hằng ngày và dòng vào dòng ra rất lớn, dịch chuyển theo ngày. Ngân hàng cập nhập hết tất cả loại hình tài sản (đã được kiểm toán xác nhận và nghiên cứu này chỉ làm việc trên báo cáo đã kiểm toán) chứ không chỉ riêng tài sản có tính thanh khoản cao. Số liệu đầu vào theo yêu cầu của mô hình ST là số liệu theo quý hoặc năm, tuy nhiên ở Việt Nam còn bất cập cơ sở dữ liệu nên luận án thực hiện nghiên cứu với số liệu theo năm. Số liệu năm phản ánh thực trạng tại 1 thời điểm, nên khả năng chịu đựng cú sốc rủi ro cũng chỉ xác định ở 1 thời điểm. Đó là lý do mà NHTM ở các nước phát triển thực hiện ST theo định kỳ, tần suất dày và công bố liên tục bên cạnh số liệu tài chính.

Theo lộ trình phát triển hệ thống ngân hàng đến năm 2025 của NHNN, các NHTM cần phải áp dụng các tiêu chuẩn nhằm kiểm soát rủi ro theo Hiệp ước Basel II. Để thực hiện được điều này, các NHTM cần có một hệ thống cảnh báo sớm RRTK dựa trên các dấu hiệu rủi ro; đồng thời sử dụng phương pháp ST để xây dựng các kịch bản cú sốc RRTK, và áp dụng các kịch bản này để tính toán khả năng chống chịu RRTK trên thực tế với dữ liệu liên quan đến hoạt động kinh doanh và tài sản của ngân hàng. Đây là hệ thống hỗ trợ bộ phận Quản trị RRTK để phát hiện sớm các tình huống mà ngân hàng có thể gặp khó khăn về thanh khoản.

Quản trị cân đối thanh khoản tập trung vào tăng tỷ trọng của các khoản Tài sản Có có mức độ thanh khoản cao.

Khi khách hàng có nhu cầu thanh khoản tức thời, khả năng thanh khoản của những Tài sản Có của ngân hàng có vai trò hết sức quan trọng, bởi đó là một trong những nguồn ngân hàng chủ động được và trong khả năng của họ (không kể đến chi phí phát sinh trong giao dịch thanh khoản Tài sản). Để việc quản lý Tài sản Có hiệu quả từ đó đảm bảo mức độ chuyển hóa thanh khoản cao của các tài sản, cũng là cơ sở nâng cao quản trị thanh khoản. Ngân hàng cần xác định danh mục đầu tư hợp lý, trên cơ sở phù hợp với đặc điểm và mục tiêu của từng ngân hàng. Đồng thời, các ngân hàng nên mạnh dạn gia tăng khoản tiền gửi tại các TCTD khác, bởi vì tiền gửi tại các TCTD được xem là tài sản có tính thanh khoản cao, có tỷ suất sinh lời cao hơn tiền mặt. Vì vậy, trong thời gian tới ngân hàng nên xem xét đầu tư vào kênh đầu tư này nhằm tạo nguồn thanh khoản cho ngân hàng, đồng thời cũng giúp ngân hàng có thể thuận tiện hơn trong giao dịch thanh toán với các ngân hàng khác. Cần có kế hoạch để dự trù một khoản tiền gửi nhất định này như một biện pháp nhằm phân tán rủi ro và hỗ trợ ngân hàng khi cần thiết. Tuy nhiên, cần tính đến độ chuyển hóa của tài sản này. Ngoài ra, các ngân hàng cũng cần xác định đầu tư các khoản chứng khoán cũng cần xác định số lượng chứng khoán đầu tư, đối tượng đầu tư, thời hạn đầu tư….để từ đó có kế hoạch cụ thể về thanh khoản trong tương lai. Bên cạnh đó, ngân hàng cần có bộ phận riêng hỗ trợ chuyên về mảng xây dựng danh mục đầu tư. Việc xây dựng danh mục đầu tư chi tiết theo từng loại chứng khoán đầu tư sẽ giúp ngân hàng đầu tư có hiệu quả đồng thời tránh khả năng bị mất vốn do đầutư thiếu hiểu biết. Muốn vậy, ngân hàng cần xây dựng cho mình bộ phận chuyên trách và có nghiệp vụ, kinh nghiệm đầu từ tốt. Đồng thời, cần hỗ trợ phát triển hệ thống mạng lưới thông tin để cập nhật kịp thời nhất về biến động của các khoản đầu tư trên thị trường.

Cân đối cơ cấu giữa huy động và cho vay.

Việc ngân hàng tập trung kinh doanh nhằm gia tăng dư nợ tín dụng sẽ gây ảnh hưởng không nhỏ đến khả năng thanh khoản của ngân hàng. Vì vậy, ngân hàng cần giảm bớt tỷ trọng tín dụng để đầu tư vào các tài khoản có tính thanh khoản cao hơn, tính toán ra tỷ lệ phù hợp giữa huy động và cho vay. Bên cạnh đó, ngân hàng cần đa dạng hóa khách hàng cho vay, hạn chế các món vay tập trung vào một khách hàng, nhóm khách hàng liên quan quá lớn hay một ngành nghề nhất định có thể gây rủi ro khi phát sinh rủi ro hệ thống.

Tăng huy động vốn bằng cách phát hành giấy tờ có giá ra thị trường.

Việc gia tăng phát hành giấy tờ có giá để huy động vốn nhằm thu hút nguồn vốn có tính ổn định hơn vì các loại giấy tờ có giá này có đặc điểm ít biến động hơn so với các khoản tiền gửi thông thường, với thời hạn nhất định đã quy định và đảm bảo người sở hữu phải tuân thủ, ít biến động linh hoạt như tiền gửi, có thể rút bất cứ thời điểm nào.

Hạn chế các khoản vay mượn trên thị trường tiền tệ.

Nguồn vay mượn trên thị trường tiền tệ phát sinh khi ngân hàng thiếu hụt vốn và có nhu cầu vốn trong thanh khoản, khi các nguồn khác chưa đến thời hạn thanh khoản bù đắp. Các ngân hàng sẽ chịu sự phụ thuộc của thị trường do sự biến động liên tục của lãi suất và khả năng cho vay trên thị trường tiền tệ. Nó cũng có thể ảnh hưởng uy tín của ngân hàng.

Đảm bảo các khoản cho vay được hoàn trả đúng thời hạn, nâng cao chất lượng cấp tín dụng.

Tín dụng là hoạt động tạo ra sức cầu thanh khoản rất lớn, đồng thời, khi chất lượng tín dụng thấp sẽ khiến RRTK tăng cao. Nhằm nâng cao chất lượng tín dụng đòi hỏi ngân hàng phải thực thi hàng loạt các giải pháp đồng bộ, trong đó, phải chú trọng một số biện pháp chính sau đây:

(i) Chất lượng tín dụng thấp trước hết là do ngân hàng chưa coi trọng công tác kiểm tra kiểm soát nội bộ. Do vậy, ngân hàng phải tăng cường khâu kiểm tra kiểm soát tất cả các hoạt động kinh doanh, trong đó phải đặc biệt chú trọng kiểm soát hoạt động tín dụng. Thực hiện tốt khâu kiểm soát nội bộ sẽ giúp ngân hàng có thể dự báo được các rủi ro tiềm ẩn trong tương lai.

(ii) Nâng cao chất lượng khâu thẩm định tín dụng. Để thực hiện tốt công tác thẩm định cho vay đòi hỏi phải nâng cao chất lượng thông tin tín dụng. Đây hiện vẫn là khâu yếu của hầu hết các NHTM Việt Nam trong hoạt động tín dụng do hệ thống thông tin kinh tế - xã

hội nói chung, trong đó có hệ thống thông tin tín dụng còn nhiều hạn chế. Để xử lý hạn chế này đòi hỏi ngân hàng phải tự thiết lập hệ thống thu thập và lưu trữ thông tin kinh tế xã hội chung, thông tin về khách hàng cho cán bộ tín dụng. Đồng thời, chú ý khai thác hiệu quả hệ thống thông tin tín dụng từ Trung tâm thông tin tín dụng quốc gia Việt Nam (Credit Information Center - CIC). Khi có đủ thông tin thì công tác thẩm định tín dụng mới đạt hiệu quả cao. Đối với công tác thẩm định tín dụng đòi hỏi phải nâng cao năng lực phân tích thẩm định khách hàng cho các cán bộ tín dụng, chú ý đề cao hoạt động tái thẩm định tín dụng để có thể đưa ra các quyết định tín dụng đúng đắn.

Tăng vốn đều lệ để nâng cao vị thế và uy tín của ngân hàng.

Trong tất cả các nguồn vốn thì vốn chủ sở hữu là nguồn có thể được sử dụng linh hoạt nhất và NH có tính tự chủ cao nhất khi sử dụng nguồn vốn này. Vốn chủ sở hữu của NH có thể được sử dụng để bù đắp thiếu hụt thanh toán tạm thời, để đề phòng rủi ro trong hoạt động. Quy mô vốn chủ sở hữu được cải thiện sẽ là một điều kiện để NH cải thiện năng lực quản lý thanh khoản: khi có một lượng vốn lớn hơn có thể sử dụng để đáp ứng nhu cầu thanh khoản thì có những phát sinh nhu cầu rút vốn đột ngột mà các nhà quản trị không lường tính trước được.

Trên đây là những khuyến nghị dựa trên kết quả phân tích khả năng vượt qua căng thẳng của các ngân hàngthương mại Việt Nam. Từ kết quả nêu trên, nghiên cứu này đề xuất vận dụng các kịch bản căng thẳng mà nghiên cứu này đã xây dựng vào công tác quản trị RRTK tại ngân hàng.

5.3 Giải pháp đối với rủi ro tín dụng

5.3.1 Dự báo về thực trạng nợ xấu của hệ thống ngân hàng Việt Nam

Căng thẳng thương mại Trung - Mỹ và đại dịch Covid-19 đang phủ bóng đen lên nền kinh tế toàn cầu và điều kiện tài chính ở rất nhiều các khu vực. Trước tình trạng như vậy, các NHTW sẵn sàng kích thích tăng trưởng và người vay vốn trên toàn cầu có thể tiếp tục được hưởng các điều kiện tín dụng khá tốt. Nhằm kích thích hồi phục kinh tế, các NHTW đã tiến hành cắt giảm các mức lãi suất chính sách, bổ sung thanh khoản và đóng vai trò cho là người cho vay cuối cùng để củng cố thị trường tiền tệ liên ngân hàng. Bên cạnh đó các NHTW tiến hành những biện pháp can thiệp cần thiết để ổn định thị trường tài chính. Đồng thời, nhiều gói kích thích tài chính khổng lồ và bảo lãnh tín dụng được các Chính phủ đưa ra để hỗ trợ những ngân hàng đang rơi vào tình trạng yếu kém. Trong đó, bảo lãnh ngân hàng đóng vai

trò quan trọng hàng đầu trong việc ngăn ngừa vòng xoáy đổ vỡ và rút vốn khỏi các ngân hàng, góp phần kiềm chế khủng hoảng một cách hiệu quả. Nhờ đó, thế giới đã tránh khỏi nhiều rủi ro tiềm tàng, tình hình kinh tế ổn định trở lại.

Về điều hành chính sách tiền tệ, NHNN trong những năm gần đã tích cực thực hiện các công cụ chính sách tiền tệ để ổn định thị trường tiền tệ, từ đó kiểm soát lạm phát thấp 3,54% và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế ở mức cao 7,08%. Định hướng điều hành chính sách tiền tệ của NHNN luôn bám sát vào các mục tiêu cơ sở của Quốc hội và Chính phủ. Thực hiện chỉ đạo của NHNN trước tác động của đại dịch Covid-19, các ngân hàng tích cực vào cuộc giảm lãi suất, đơn giản hóa thủ tục để tăng khả năng tiếp cận tín dụng cho doanh nghiệp. Đặc biệt, các ngân hàng triển khai tích cực Thông tư 01/2020/TT-NHNN cơ cấu lại nợ, giữ nguyên nhóm nợ để hỗ trợ doanh nghiệp. Theo Vụ Tín dụng, đến 9/11/2020, các TCTD đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho 272.183 khách hàng với dư nợ 341.855 tỷ đồng. Song song với đó, các TCTD cũng đã miễn, giảm, hạ lãi suất cho 552.725 khách hàng với dư nợ 931.018 tỷ đồng và cho vay mới lãi suất ưu đãi với doanh số lũy kế từ 23/1 đến nay đạt hơn 2,017 triệu tỷ đồng. Về điều hành tín dụng, theo thông báo của NHNN, tín dụng hiện nay đang tăng trưởng phù hợp với cân đối vĩ mô và đã đáp ứng nhu cầu vốn của nền kinh tế. Tăng trưởng tín dụng tập trung vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên, tín dụng đối với các lĩnh vực rủi ro được kiểm soát chặt chẽ. Theo số liệu mới nhất của Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, đến ngày 18/11/2020, dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế đạt 8.801.253 tỷ đồng, tăng 7,39% so với cuối năm 2019 (cùng kỳ năm 2019 là 10,28%); trong đó tín dụng bằng VND tăng 7,91%, tín dụng ngoại tệ giảm 0,92%. Dù tín dụng toàn nền kinh tế tăng chậm hơn các năm trước do ảnh hưởng của dịch Covid, nhưng so với những tháng trước đó tốc độ tăng trưởng tín dụng được cải thiện tích cực. Nếu như quý I năm 2020 tín dụng tăng chậm với mức tăng 1,3% so với cuối năm 2019 thì sang quý III tín dụng đã khởi sắc: tháng 7 tăng 4,03%, tháng 8 tăng 4,75%, tháng 9 tăng 6,09% và đến ngày 18/11 tín dụng tăng 7,39% so với cuối năm 2019.

Nhìn chung bức tranh về kinh tế và tài chính của Việt Nam đang chuyển sang những gam màu sáng khi nền kinh tế được khôi phục sau tác động của cuộc khủng khoảng đại dịch Covid-19. Nhiều chuyên gia và các tổ chức trên thế giới đánh giá cao về hệ thống ngân hàng và thị trường tài chính ở Việt Nam. Đánh giá của Moody’s cho rằng triển vọng của hệ thống ngân hàng Việt Nam được nâng từ ổn định lên hướng tích cực. Đồng Việt Nam được Bloomberg đánh giá là một trong những đồng tiền ổn định nhất khu vực châu Á.

Thực tế, tác động của đại dịch Covid-19 tới chất lượng tài sản của các ngân hàng đã làm bộc lộ những tiềm ẩn của vấn đề nợ xấu. Trong tình hình dịch bệnh, các doanh nghiệp – là khách hàng tín dụng phải đối mặt với khó khăn kép, đó là vừa thiếu hụt nguyên liệu đầu vào, vừa bị giảm mạnh thị trường đầu ra tiêu thụ hàng hoá và xuất khẩu. Theo kết quả khảo sát gần 130.000 doanh nghiệp do Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) thực hiện vào cuối tháng 4/2020 cho thấy có khoảng 86% doanh nghiệp bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19. Khách hàng khó khăn làm giảm khả năng trả nợ và tiềm ẩn nợ xấu tăng cao. Thống kê từ báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2020 của 27 ngân hàng của Công ty cổ phần Chứng khoán An Bình (ABS) cho thấy tổng nợ xấu nội bảng của những ngân hàng này tại ngày 30/9/2020 là hơn 111.000 tỷ đồng, tăng 29,5% so với đầu năm, với nợ nhóm 3 (nợ dưới tiêu chuẩn) tăng mạnh 70%. Báo cáo của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, tổng số nợ cơ cấu lại tại các ngân hàng tính đến cuối tháng 11/2020 vào khoảng 340.000 tỷ đồng. Trong trường hợp các ngân hàng buộc phải trích lập dự phòng cả số nợ cơ cấu lại theo yêu cầu của Bộ Tài chính thì khả năng sẽ có ngân hàng rơi vào tình trạng mất khả năng thanh khoản trong năm tới. Bởi trước đó, Bộ Tài chính có ý kiến đề nghị các ngân hàng phải đánh giá thực trạng, thực chất khoản nợ, cụ thể là phân loại đúng tính chất nợ, trích lập dự phòng đầy đủ để hạn chế những

Một phần của tài liệu Luận án tiến sĩ nghiên cứu khả năng vượt qua căng thẳng thanh khoản và tín dụng của ngân hàng thương mại tại việt nam (Trang 138)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(181 trang)