“Hiệu quả kinh doanh là một vấn đề được các nhà kinh tế và quản lý kinh tế rất quan tâm. Mọi hoạt động kinh doanh của bất kỳ doanh nghiệp nào cũng đều hướng tới mục tiêu hiệu quả. Các doanh nghiệp đều có mục đích chung là làm thế nào để một đồng vốn bỏ vào kinh doanh mang lại hiệu quả cao nhất, khả năng sinh lời nhiều nhất. Vậy hiệu quả kinh doanh là gì?”.
Hiện nay có nhiều ý kiến khác nhau về vấn đề hiệu quả kinh doanh, xuất phát từ góc độ nghiên cứu khác nhau về vấn đề hiệu quả kinh doanh và sự hình thành phát triển của ngành quản trị doanh nghiệp. Sau đây, chúng ta sẽ xem xét một vài quan điểm về khái nhiệm này:
Một là, hiệu quả kinh doanh là kết quả thu được trong hoạt động kinh doanh, là doanh thu tiêu thụ hàng hoá. Quan điểm này đến nay không còn phù hợp nữa. Trước hết, quan điểm này đã đồng nhất hiệu quả kinh doanh với kết quả kinh doanh. Theo quan điểm này, chi phí kinh doanh không được đề cập đến do vậy nếu kết quả thu được trong hai kỳ kinh doanh như nhau thì hoạt động kinh doanh ở hai kỳ kinh doanh ấy cùng đạt được một mức hiệu quả. Mặt khác, thực tế cho thấy, doanh thu của doanh nghiệp có thể tăng lên nếu chi phí cho đầu tư các nguồn lực đưa vào kinh doanh tăng lên và do đó nếu tốc độ tăng của doanh thu nhỏ hơn tốc độ tăng của chi phí thì trong một số trường hợp, lợi nhuận của doanh nghiệp sẽ bị âm, doanh nghiệp bị thua lỗ.
Hai là, hiệu quả kinh doanh chính là phần chênh lệch tuyệt đối giữa kết quả thu được và chi phí bỏ ra để có được kết quả đó. Quan điểm này đã gắn kết được kết quả thu được với chi phí bỏ ra, coi hiệu quả kinh doanh là sự phản ánh trình độ sử dụng các nguồn lực (các chi phí). Tuy nhiên, kết quả và chi phí là những đại lượng luôn vận động vì vậy quan điểm này còn bộc lộ nhiều hạn chế do chưa biểu hiện
được mối tương quan về lượng và chất giữa kết quả và chi phí.
Ba là, hiệu quả kinh doanh là đại lượng được đo bằng thương số giữa phần tăng thêm của kết quả thu được với phần tăng thêm của chi phí. Theo quan điểm này, hiệu quả kinh doanh được xem xét thông qua các chi tiêu tương đối. Khắc phục được hạn chế của các quan điểm trước đó, quan điểm này đã phản ánh mối tương quan giữa kết quả thu được với chi phí bỏ ra, phản ánh sự vận động của kết quả kinh doanh và chi phí kinh doanh, đặc biệt, phản ánh được sự tiến bộ của hoạt động kinh doanh trong kỳ thực hiện so với các kỳ trước đó. Tuy vậy, nhược điểm lớn nhất của định nghĩa này là doanh nghiệp không đánh giá được hiệu quả kinh doanh trong kỳ thực hiện do không xét đến mức độ tuyệt đối của kết quả kinh doanh và chi phí kinh doanh. Theo đó, phần tăng của doanh thu có thể lớn hơn rất nhiều so với phần tăng của chi phí nhưng chưa thể kết luận rằng doanh nghiệp thu được lợi nhuận.
Bốn là, hiệu quả kinh doanh phải phản ánh được trình độ sử dụng các nguồn lực được sử dụng trong lĩnh vực kinh doanh. Quan điểm này đã chú ý đến sự vận động của kết quả kinh doanh và chi phí kinh doanh, mối quan hệ giữa kết quả thu được với chi phí bỏ ra để thu được kết quả đó. Mặc dù vậy, tác giả đưa ra quan điểm này chưa chỉ ra hiệu quả kinh doanh được đánh giá thông qua chỉ tiêu tuyệt đối hay tương đối.
Theo GS.TS Nguyễn Văn Công (Trường Đại học Kinh tế Quốc dân): “Hiệu quả kinh doanh là một phạm trù kinh tế phản ánh trình độ sử dụng các nguồn lực sẵn có của doanh nghiệp để đạt được kết quả cao nhất. Như vậy, hiệu quả kinh doanh khác với kết quả kinh doanh và có mối liên hệ chặt chẽ với kết quả kinh doanh.”
Mỗi quan điểm về hiệu quả kinh doanh đều chứa đựng những ưu nhược điểm và chưa hoàn chỉnh.
Từ định nghĩa về hiệu quả kinh doanh như trên ta có thể hiểu: Thực chất của hiệu quả kinh doanh là sự so sánh giữa các kết quả đầu ra với các yếu tố đầu vào của một tổ chức kinh tế được xét trong một kỳ nhất định, tùy theo yêu cầu của các nhà quản trị kinh doanh. Các chỉ tiêu tài chính phản ánh hiệu quả kinh doanh là cơ
sở khoa học để đánh giá trình độ của các nhà quản lý, căn cứ đưa ra quyết định trong tương lai. Song độ chính xác của thông tin từ các chỉ tiêu hiệu quả phân tích phụ thuộc vào nguồn số liệu, thời gian và không gian phân tích.
Sự so sánh giữa kết quả đầu ra so với các yếu tố đầu vào được tính theo công thức:
Về mặt so sánh tuyệt đối:
Hiệu quả kinh doanh = Kết quả đạt được - Chi phí bỏ ra để sử dụng các nguồn lực đầu vào
Về so sánh tương đối:
Công thức trên phản ánh: cứ 1 đồng chi phí đầu vào (vốn, nhân công, nguyên vật liệu, máy móc thiết bị...) thì tạo ra bao nhiêu đồng kết quả đầu ra như doanh thu, lợi nhuận. Trong một kỳ kinh doanh, chỉ tiêu này càng cao chứng tỏ hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp càng tốt.
Kết quả đầu ra, yếu tố đầu vào có thể đo bằng thước đo hiện vật, thước đo giá trị tùy theo mục đích của việc phân tích. Kết quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp có thể là những đại lượng có khả năng cân, đo, đong, đếm được như số sản phẩm tiêu thụ mỗi loại, doanh thu bán hàng, lợi nhuận, thị phần... Như vậy, kết quả sản xuất kinh doanh thường là mục tiêu của doanh nghiệp. Các đơn vị cụ thể được sử dụng tùy thuộc vào đặc trưng của sản phẩm mà quá trình kinh doanh tạo ra, nó có thể là: tấn, tạ, kg, m3, lít.... Các đơn vị giá trị có thể là: đồng, triệu đồng, ngoại tệ... Kết quả cũng có thể phản ánh mặt chất lượng của sản xuất kinh doanh hoàn toàn định tính như uy tín, danh tiếng của doanh nghiệp, chất lượng sản phẩm...
Dựa vào Bảng cân đối kế toán, các chỉ tiêu yếu tố đầu vào bao gồm: Tổng tài sản bình quân, tổng nguồn vốn chủ sở hữu bình quân, tổng tài sản dài hạn bình quân, tổng tài sản ngắn hạn bình quân. Hoặc chi phí, giá vốn hàng bán, chi phí hoạt động trên báo cáo kết quả kinh doanh.
gồm: Tổng doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ, lợi nhuận gộp về bán hàng và cung cấp dịch vụ, tổng lợi nhuận kế toán trước thuế, lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp.
Các chỉ tiêu phản ánh hiệu quả kinh doanh thường thể hiện một kỳ phân tích, do vậy số liệu dùng để phân tích các chỉ tiêu này cũng là kết quả của một kỳ phân tích. Nhưng, tùy theo mục tiêu của việc phân tích và nguồn số liệu sẵn có, khi phân tích có thể tổng hợp các số liệu từ thông tin kế toán tài chính và kế toán quản trị, khi đó các chỉ tiêu phân tích mới đảm bảo chính xác và ý nghĩa.
Để đánh giá chính xác chỉ tiêu phản ánh hiệu quả kinh doanh cần được xem xét trong mối quan hệ với hiệu quả xã hội và quan điểm về hiệu quả. Hiệu quả xã hội phản ánh trình độ lợi dụng các nguồn lực nhằm đạt được các mục tiêu về xã hội nhất định. Các mục tiêu xã hội thường là: Giải quyết công ăn việc làm cho người lao động, nâng cao trình độ văn hoá, nâng cao mức sống, đảm bảo vệ sinh môi trường.... Còn hiệu quả kinh tế như đã được khái niệm ở phần trên; với bản chất của nó, hiệu quả kinh tế là phạm trù phải được quan tâm nghiên cứu ở các hai giác độ vĩ mô và vi mô. Cũng vì vậy, nếu xét ở phạm vi nghiên cứu, chúng ta có hiệu quả kinh tế của toàn bộ nền kinh tế quốc dân, hiệu quả kinh tế ngành, hiệu quả kinh tế vùng lãnh thổ và hiệu quả kinh tế hoạt động sản xuất kinh doanh. Muốn đạt được hiệu quả kinh tế quốc dân, hiệu quả kinh tế ngành cũng như hiệu quả kinh tế vùng lãnh thổ, vai trò điều tiết vĩ mô là cực kỳ quan trọng. Trong phạm vi nghiên cứu của đề tài này, chúng ta chỉ quan tâm tới hiệu quả kinh tế của hoạt động sản xuất kinh doanh.
1.1.2.Vai trò và ý nghĩa của nâng cao hiệu quả kinh doanh đối với doanh nghiệp
Không ngừng nâng cao hiệu quả kinh doanh là điều kiện cho sự tồn tại và phát triển của doanh nghiệp trong nền kinh tế thị trường mở cửa hội nhập và tất cả các tổ chức kinh tế đều bình đẳng cạnh tranh để chiếm lĩnh thị phần. Tăng khả năng cạnh tranh, đứng vững trong cơ chế thị trường đòi hỏi các doanh nghiệp phải hoạt động một cách có hiệu quả hơn. Hiệu quả kinh doanh là phạm trù phản ánh mặt chất và mặt lượng của hoạt động kinh doanh.
Về mặt lượng, hiệu quả kinh doanh biểu hiện mối tương quan giữa kết quả thu được với chi phí bỏ ra để thực hiện nhiệm vụ sản xuất kinh doanh. Việc tính toán, xác định hiệu quả hoạt động kinh doanh chính là việc so sánh giữa chi phí bỏ ra và kết quả đạt được. Chi phí và kết quả có quan hệ biện chứng lẫn nhau, chúng phụ thuộc vào nhau, tách rời ra thì hiệu quả kinh doanh không tồn tại. Vì thế, nếu không có chi phí thì sẽ không có kết quả, như thế có nghĩa là hiệu quả kinh tế sẽ không thực hiện được. Hiệu quả kinh tế mà doanh nghiệp mong muốn là một số dương, điều này đòi hỏi chi phí bỏ ra phải nhỏ hơn kết quả thu được thì hoạt động kinh doanh mới có hiệu quả.
Về mặt chất, việc đạt được hiệu quả kinh doanh cao phản ánh năng lực, trình độ quản lý và sử dụng các nguồn lực sản xuất (lao động, máy móc, thiết bị, tiền vốn…), các hoạt động sản xuất kinh doanh, sự hợp lý trong lựa chọn phương hướng kinh doanh, chiến lược và kế hoạch kinh doanh. Nâng cao hiệu quả kinh doanh trong các doanh nghiệp là hướng vào nâng cao trình độ sử dụng các nguồn lực (nguồn vật tư, vốn, lao động…) để tiết kiệm chi phí trong quá trình kinh doanh.
Nói tóm lại, hiệu quả kinh doanh là chỉ tiêu phản ánh đồng thời các mặt của quá trình sản xuất kinh doanh: kết quả kinh doanh, chi phí kinh doanh, lợi nhuận thu được, khả năng lợi dụng các nguồn lực… Nâng cao hiệu quả kinh doanh là con đường đúng đắn để nâng cao sức cạnh tranh và khả năng tồn tại phát triển của mỗi doanh nghiệp. Việc nâng cao hiệu quả kinh doanh có vai trò quan trọng:
* Đối với nền kinh tế quốc dân
Hiệu quả kinh doanh là một phạm trù kinh tế quan trọng, phản ánh yêu cầu của quy luật tiết kiệm thời gian, phản ánh trình độ sử dụng các nguồn lực, trình độ sản xuất và mức độ hoàn thiện của quan hệ sản xuất trong cơ chế thị trường. Trình độ phát triển của lực lượng sản xuất ngày càng cao, quan hệ sản xuất càng hoàn thiện càng nâng cao hiệu quả kinh doanh và ngược lại. Hiệu quả kinh doanh được nâng cao đem lại cho nền kinh tế quốc gia sự phân bố, sử dụng các nguồn lực càng hợp lý và một khi việc sử dụng các nguồn lực hợp lý thì càng đạt hiệu quả trong hoạt động kinh doanh.
* Đối với bản thân doanh nghiệp
Hiệu quả kinh doanh xét về mặt tuyệt đối chính là lợi nhuận, nó là cơ sở để tái sản xuất mở rộng. Đối với mỗi doanh nghiệp việc nâng cao hiệu quả kinh doanh đóng vai trò quan trọng trong sự tồn tại và phát triển của đơn vị mình, nó giúp doanh nghiệp bảo toàn và phát triển vốn, qua đó doanh nghiệp tăng khả năng cạnh tranh của mình lại vừa giải quyết vấn đề cải thiện đời sống cho người lao động vừa đầu tư nâng cao mở rộng quy mô kinh doanh. Do vậy, hiệu quả chính là căn cứ quan trọng và chính xác để doanh nghiệp đánh giá lại các hoạt động của mình.
* Đối với người lao động
Hiệu quả sản xuất kinh doanh là động lực thúc đẩy, kích thích người lao động hăng say lao động, luôn quan tâm tới kết quả lao động của mình. Nâng cao hiệu quả kinh doanh đồng nghĩa với việc nâng cao đời sống của người lao động trong doanh nghiệp. Nâng cao đời sống sẽ tạo động lực trong sản xuất, tăng năng suất lao động, điều này sẽ góp phần làm nâng cao hiệu quả kinh doanh.
1.1.3. Khái niệm và đặc điểm của dịch vụ Viễn thông
1.1.3.1 Khái niệm dịch vụ viễn thông
- Dịch vụ viễn thông là dịch vụ gửi, truyền, nhận và xử lý thông tin giữa hai hoặc một nhóm người sử dụng dịch vụ viễn thông. Bao gồm dịch vụ cơ bản và dịch vụ giá trị gia tăng: (1) Các dịch vụ cơ bản của viễn thông bao gồm: dịch vụ thoại và dịch vụ truyền số liệu. Dịch vụ thoại bao gồm dịch vụ điện cố định, di động; Dịch vụ truyền số liệu gồm: dịch vụ kênh thuê riêng, dịch vụ truyền dẫn tín hiệu truyền hình… (2) Dịch vụ giá trị gia tăng của dịch vụ viễn thông bao gồm: các dịch vụ gia tăng trên nền thoại đó là: dịch vụ hiển thị số gọi đến, dịch vụ chuyển cuộc gọi tạm thời, dịch vụ báo thức, dịch vụ điện thoại hội nghị ba bên, dịch vụ nhắn tin…; các dịch vụ gia tăng trên nền truyền số liệu như: dịch vụ truyền âm thanh, hình ảnh, tin nhắn đa phương tiện GPRS (Genaral Packet Radio Services)…
- Dịch vụ ứng dụng viễn thông là dịch vụ sử dụng đường truyền dẫn viễn thông hoặc mạng viễn thông để cung cấp dịch vụ ứng dụng trong lĩnh vực công nghệ thông tin, phát thanh, truyền hình, thương mại, tài chính, ngân hàng, văn hóa, thông tin, y tế, giáo dục và lĩnh vực khác.
Việc phân loại dịch vụ viễn thông được thực hiện theo Thông tư 05/2012/TT- BTTTT ngày 18/5/2012 của Bộ Thông tin Truyền thông:
- Phân loại theo đặc điểm công nghệ, phương thức truyền dẫn của mạng viễn thông: (1) Dịch vụ viễn thông cố định, bao gồm: Dịch vụ viễn thông cố định mặt đất và dịch vụ viễn thông cố định vệ tinh; (2) Dịch vụ viễn thông di động, bao gồm: Dịch vụ viễn thông di động mặt đất, dịch vụ viễn thông di động vệ tinh, dịch vụ viễn thông di động hàng hải, dịch vụ viễn thông di động hàng không.
- Phân loại theo hình thức thanh toán giá cước: (1) Dịch vụ trả trước: là dịch vụ mà người sử dụng dịch vụ viễn thông thanh toán giá cước sử dụng dịch vụ trước khi sử dụng dịch vụ theo thỏa thuận giữa hai bên; (2) Dịch vụ trả sau: là dịch vụ mà người sử dụng dịch vụ viễn thông thanh toán giá cước sử dụng dịch vụ sau khi sử dụng dịch vụ theo thỏa thuận giữa hai bên.
- Phân loại theo phạm vi liên lạc: (1) Dịch vụ nội mạng là dịch vụ gửi, truyền, nhận và xử lý thông tin giữa những người sử dụng dịch vụ của cùng một mạng viễn thông; (2) Dịch vụ liên mạng là dịch vụ gửi, truyền, nhận và xử lý thông tin giữa những người sử dụng dịch vụ của các mạng viễn thông khác nhau. Các mạng viễn thông khác nhau là các mạng viễn thông khác loại của cùng một doanh nghiệp viễn thông hoặc các mạng viễn thông của các doanh nghiệp viễn thông khác nhau.
- Dịch vụ viễn thông cộng thêm là dịch vụ tăng thêm tính năng, tiện ích cho người sử dụng dịch vụ viễn thông, là một phần không tách rời và được cung cấp cùng với các dịch vụ viễn thông cơ bản và giá trị gia tăng.
1.1.3.2 Đặc điểm của dịch vụ viễn thông
- Dịch vụ viễn thông là một loại sản phẩm thiết yếu của đời sống xã hội. Sự phát triển của các dịch vụ viễn thông phụ thuộc rất nhiều vào sự phát triển kinh tế