Miêu tả nội tâm

Một phần của tài liệu HÌNH TƯỢNG NGƯỜI MẸ TRONG TIỂU THUYẾT “NGƯỜI MẸ” CỦA M. GORKI (Trang 51 - 56)

6. Bố cục đề tài

3.2.Miêu tả nội tâm

Thế giới nội tâm của nhân vật là một phương diện, một công cụ mà ở đó tính cách, cảm xúc và những suy nghĩ của nhân vật được bộc lộ một cách rõ nét. Bên cạnh đó, thế giới nội tâm của nhân vật rất đa dạng, phong phú bởi nội tâm của mỗi nhân vật đều có những sắc thái biến chuyển phức tạp theo từng hoàn cảnh, từng cung bậc khác nhau. Việc tác giả miêu tả thành công thế giới nội tâm của nhân vật còn thể hiện được tài năng sáng tạo nghệ thuật vô cùng điêu luyện của nhà văn ấy, đồng thời còn giúp người đọc thâm nhập vào thấu hiểu tâm tư của nhân vật.

Văn học luôn là một công cụ sắc bén giúp người đọc hiểu được đời sống tâm tư, tình cảm cực kỳ đa dạng và phức tạp của con người. Đúng vậy, đời sống nội tâm của nhân vật rất khó để lý giải. Là một nhà văn tài hoa, Macxim Gorki đã thể hiện tài năng của mình trong việc khám phá những tầng ý nghĩa ẩn sâu dưới những lớp cảm xúc, những suy tư của nhân vật.

Nghệ thuật miêu tả tâm lý, nội tâm của nhân vật được nhà văn M. Gorki thể hiện cụ thể qua hình tượng nhân vật người mẹ qua tiểu thuyết cùng tên “Người mẹ”. Đọc những trang văn của Gorki, ta như thấy được những màu sắc, những đường nét tâm trạng của nhân vật được khắc họa một cách đa dạng, với nhiều chiều, nhiều cung bậc và luôn luôn có sự biến đổi. Sắc thái nội tâm của nhân vật người mẹ Pêlagâya Nilôpna được thể hiện trực tiếp qua quá trình thức tỉnh cách mạng của bà.

Ở đoạn đầu tác phẩm, nhà văn đã đặt cả mẹ lẫn Paven vào hoàn cảnh đặc biệt, có nhiều kịch tính. Mô tả hai mẹ con tác động qua lại một cách chân thực tình cảm giữa mẹ và con, làm nổi bật những trạng thái tâm lý của người mẹ, đồng thời còn khắc họa khoảng thời gian bế tắc, cùng quẫn và đau khổ của Paven khi chưa được giác ngộ ý thức cách mạng. Cụ thể hai tuần sau ngày bố chết thì Paven uống rượu say mèm về nhà thì có thái độ, hành động với mẹ rất ngang bướng “Đấm tay lên bàn quát mẹ: Cho ăn

đây !” [4,11]. Đấy là lần đầu tiên anh say rượu trong đời, bởi lẽ sau nỗi đau mất đi người cha, đứng trước những bế tắc trong tư tưởng thì bà hiểu rằng “ngoài quán rượu ra, người ta không có chỗ nào để tìm vui nữa”, sau đó bà ân cần giải thích, khuyên răn con “Con thì con không nên uống! Bố con trước kia đã uống luôn cả cho phần con rồi, đã làm mẹ khổ nhiều rồi…Con cũng phải biết thương mẹ với chứ” hay chi tiết “Bà đứng lặng nhìn con…Bà lặng lẽ quỳ xuống trước tượng thánh” [4,33]. Những chi tiết ấy, những lời nói như cắt vào tâm can của bà, Nilôpna không muốn đứa con trai mà bà hết mực yêu thương đi lại vết xe đỗ của cha nó. Chính tình yêu thương và sức cảm hoá, mẹ đã thức tỉnh đứa con yêu thương. Lắng nghe những lời tâm tình buồn rầu của người mẹ, anh đã nhớ lại những gì người mẹ đã trải qua và nói rằng “Mẹ đừng khóc nữa! Mẹ cho con uống nước đi!”. Như vậy, có thể nói thông qua đối thoại, nhân vật đã bộc lộ tình cảm, tâm tư thầm kín sâu xa nhất của mình.

Không dừng lại ở đó, khi Paven thức tỉnh cách mạng và tìm đọc những sách báo cấm thì nỗi lo của người mẹ lại bắt đầu thay đổi. Không còn là những cảm xúc, những sự lo lắng khi con trai rượu chè mà đầy là nỗi lo cho sự sống còn của Paven. “Bà mẹ cảm thấy nghẹt thở và hai mắt ngơ ngác trừng trừng nhìn con. Bà cảm thấy con bà đã khác trước và có sự xa lạ đối với bà…Bà vừa lo sợ, vừa thương con” [4,38]. Bà lắng nghe những câu nói của Paven một cách tỉ mỉ, bà còn nhìn thấy được những tia hy vọng, niềm tin sáng ngời trong ánh mắt, cử chỉ và cả sự tự hào không ngôn từ nào sánh bằng. Bằng tình yêu thương và trực giác đã cho bà thấy đứa con Paven sẽ gặp phải những hiểm nguy, những bất trắc trước những điều nó đang làm. Thế nhưng đứng trước những thay đổi của con, bà mẹ tỏ ra lo lắng, bất an mặc dù Paven đã giãi bày tâm sự cùng mẹ thông qua những cuộc đối thoại: “Thế con định làm gì? - Học và dạy cho những người khác học. Chúng con là công nhân, chúng con phải học. Chúng con cần phải biết, cần phải hiểu

vì sao cuộc sống của chúng con lại cực nhọc đến thế” [4,41]. Phải chăng, ở nơi sâu thẳm trong trái tim mẹ luôn có một nội lực là nhìn thấu và cảm nhận mọi điều từ con? Khi bà hiểu được nguy hiểm trước mắt Paven khi giác ngộ lý tưởng cách mạng “Thế mẹ đã hiểu con chưa?- Có mẹ hiểu con rồi! bà mẹ thở dài đáp. Nước mắt bà lại trào ra, giàn giụa, và trong cơn thổn thức, bà nói tiếp: Con sẽ chết mất con ạ!” [4,43]. Nội tâm của bà mẹ luôn lo lắng về đứa con bé yêu dấu của mình với những dòng trạng thái ngổn ngang.

Bên cạnh đó, M.Gorki còn cho thấy sự thay đổi trong nội tâm người mẹ. Ban đầu, khi cảm nhận được những hành động kì lạ của Paven, nỗi lo lắng của bà ngày càng tăng: “Thiên hạ cứ sống như người thường, mà nó thì cứ như một thầy tu... Nó khắc khổ quá... không phù hợp với lứa tuổi nó...”. Nỗi bận tâm của bà lúc này xuất phát từ sự khác biệt của con so với những người thợ cùng lứa tuổi. Khi biết được con hoạt động cách mạng, bà lại càng sợ, lo lắng hơn nhưng không phản đối. Bà thương con chính vì vậy mà không khỏi tránh được bất an: “Bà mẹ mặc chiếc áo ngủ, đi chân không, đứng cạnh giường con, hai tay chắp trước ngực, đôi môi khe khẽ mấp máy và trong mắt bà từ từ trào ra những giọt nước mắt to, vẩn đục” [4,45]. Nước mắt chứng tỏ nội tâm của bà mẹ đang có sự dao động, một nỗi niềm không yên về tương lai của con.

Dần dần, sau những buổi hội họp cùng với các đồng chí của Paven, bà cảm thấy có gì đó khang khác. Điểm nổi bật nhất cũng là sáng tạo rất độc đáo và thành công của Gorki trong việc thể hiện thế giới nội tâm nhân vật đó là tác giả sử dụng tiếng hát, tiếng đàn. Những tiếng hát rắn rỏi từ những người bạn ấy đã động đến trái tim bà mẹ: “trong bài hát có một sức lực gì còn lớn hơn cả lời ca và điệu nhạc, cứ vượt lên trên tất cả những cái đó và làm thức tỉnh trong lòng bà” [4,72]. Hay sau này khi chuyển đến sống với hai chị em Nicôlai và Xôphia Ivanvitsơ, được nghe Xôphia đánh một bản nhạc của Gơ-ri-igơ: "Mở đầu là những tiếng thở than ai oán, tiếp theo là một tiếng khác, một âm thanh phong phú nối

tiếp những tiếng nhạc dạo đầu", “những âm thanh trong trẻo lạ lùng vút lên đầy lo ngại, những âm thanh trong vắt bay lượn dồn dập, vỗ cánh như những con chim hoảng sợ, trên cái nền âm u của những tiếng nhạc trầm” [4,306]. Ban đầu tiếng đàn đó không làm mẹ xúc động nhưng khi nghe tiếp những nốt nhạc, khi nhạc đã dần dần choán đầy cả gian phòng thì bất giác tâm hồn mẹ thức tỉnh theo nhạc điệu. Tiếng đàn đã làm thức dậy quãng đời tối tăm nhất, đau khổ nhất trong quá khứ của mẹ, vươn lên ký ức về một sự tủi nhục đã quên bẵng từ lâu, nó sống lại, rõ nét, rất tàn nhẫn ; đó là khi chồng mẹ say rượu đã đánh, chửi và đuổi mẹ ra khỏi nhà giữa đêm đông lạnh giá cùng với đứa con nhỏ. Tiếng đàn, tiếng hát làm cho bà cảm thấy như có những làn sóng ấm áp dội vào tâm hồn, thấm vào ngực, “nảy mầm như những hạt giống gieo trên luống đất đã cày sâu và dược tưới nước dồi dào.” [4,346]

Lần đầu bị lục soát nhà, bà đã “cố gắng nén nỗi hoảng sợ”

thế nhưng “gối bà run run, mắt bà như bị một lớp sương mù che kín”, tâm trạng của bà có phần sợ hãi, không thể đứng yên. Ấy vậy mà, sau nhiệm vụ phân phát sách báo ở nhà máy, đó cũng là lần đầu tiên mẹ cảm thấy “mình mạnh bạo trẻ trung hẳn lên”

[4,178].

Bên cạnh việc diễn tả cử chỉ, nét mặt để bộc lộ nội tâm nhân vật người mẹ, M.Gorki còn thông qua hình ảnh thiên nhiên để làm nổi bật lên tâm trạng của bà. Thiên nhiên được miêu tả màu u buồn, tối tăm: “Bên ngoài, trời rét và tối âm u. Gió thổi bay tuyết đọng trên những mái nhà nhỏ đang lặng yên ngủ” [4,62]. Nỗi lo lắng phập phồng trong lòng bà mẹ, như chờ đợi cái tai họa sẽ xảy đến qua cái không gian rộng lớn nhưng đầy lạnh lẽo, vắng bóng người: “Trước mặt bà hiện ra một cánh đồng hiu quạnh phủ đầy tuyết, một làn gió lạnh thổi tới kèm theo những tiếng rít nhỏ xoáy lốc, cuốn bay tuyết trắng xóa như bông” [4,63]. Đó cũng là bức tranh thiên nhiên với cánh đồng mênh mông, nơi mẹ nấp xem người trốn tù sẽ là ai. Tâm trạng mẹ với những lo âu, hồi hộp,

giằng xé diễn ra thật cảm động. Qua bức tranh thiên nhiên ta thấy được nỗi lòng yêu con tha thiết, bao la của mẹ biết nhường nào. Khi mọi người họp bàn sẽ tổ chức cho một số đồng chí trốn tù, mẹ đã thầm mong là con mình sẽ trốn tù vì anh là người lãnh đạo của cách mạng. Mẹ đã hồi hộp, mong ước cầu nguyện dù mẹ đã biết Paven sẽ không làm như thế. Trên đường đi cũng như trên cánh đồng, tâm trạng mẹ diễn ra phức tạp và đầy mâu thuẫn. Nhưng tất cả đều thể hiện tình thương yêu con tha thiết và một tấm lòng yêu thương đồng loại.

Một trong những thành công của thủ pháp nghệ thuật miêu tả nội tâm nhân vật mà Gorki đã sử dụng đó là việc miêu tả giấc mơ. Trong giấc mơ mẹ thấy hãi hùng và kinh sợ: "Bà mơ thấy cồn cát vàng phía bên kia đầm lầy trên con đường đi ra thành phố. Paven đứng trên đỉnh dốc dẫn tới chỗ lấy cát, hát nho nhỏ theo giọng của Anđrây: “Vùng lên hỡi các nô lệ ở thế gian ...”, “....Giêsu, chúng tôi đã phục sinh từ thế giới những người đã chết ...” [4,287]. Đức chúa - là niềm tin của mẹ, thế nhưng lúc này chúa cũng không thể đem lại tự do, đưa Paven trở về với mẹ. Nhưng chính việc cầu nguyện của người mẹ đã cho thấy quá trình thức tỉnh cách mạng của bà.

Hay ở chương cuối cuốn tiểu thuyết, đó là những cảm xúc nội tâm cứ giằng xé bà, đấu tranh giữa hai mặt tự tưởng để vứt hay giữa chiếc va li “ Để cái va li lại?...Mình trốn đi ư?....Phải biết xấu hổ chứ? Chớ làm nhục con mình!...Chẳng ai sợ cả…” [4,555- 556]. Có thể thấy, khi biết những tên mật thám đang theo dõi và mình sắp bị sa lưới tụi nó, người mẹ Nilôpna không tránh khỏi những cảm xúc, suy nghĩ ngổn ngang. NHưng chính sức mạnh từ lời nói của con trai, từ tinh thần của một người làm cách mạng chân chính và chính sự tự ý thức, người đồng chí ấy đã mạnh mẽ dám đối đầu với bọn sen đầm, dám vung những bó truyền đơn và đư ẩ những lời nói đanh thép để khẳng định xã hội mà chúng ta đang sống đang bóp chặt từng hơi thở của những người dân lao

động yếu ớt và chúng ta phải biết đứng dậy, đấu tranh để giành lại lợi ích cho chính mình.

Như vậy, nghệ thuật miêu tả nội tâm của nhân vật được tác giả Macxim Gorki miêu tả rất sinh động thông qua những thay đổi trong thế giới nội tâm của nhân vật .Vì bà mẹ là người thấu hiểu con, là người từng trải luôn luôn có những dự cảm, âu lo những sự việc trước mắt cũng như tương lai gần. Đó còn là sự thay đổi trong nhận thức để có cái nhìn chính xác nhất mang lại hiệu quả thẩm mỹ cho cuộc cách mạng tư tưởng của những tầng lớp bị bóc lột nông dân – công nhân. Macxim Gorki đã tái hiện một cách chân thực thế giới nội tâm của nhân vật người mẹ để từ đó phanh phui, mổ xẻ những tư tưởng, những suy tư tận cùng căn nguyên trong tâm hồn của nhân vật Nilôpna.

Một phần của tài liệu HÌNH TƯỢNG NGƯỜI MẸ TRONG TIỂU THUYẾT “NGƯỜI MẸ” CỦA M. GORKI (Trang 51 - 56)