tạp chí khoa học của ngành Lâm nghiệp nói riêng
3.1.1. Những vấn đề đặt ra đối với các tạp chí khoa học nói chung
Mặc dù đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc phát triển sự nghiệp khoa học công nghệ, nhưng dưới góc độ tiếp cận của báo chí học, các tạp chí khoa học ngành Lâm nghiệp nói riêng cũng như các tạp chí khoa học của Việt Nam nói chung về cơ bản vẫn đang thiếu và chưa đạt chuẩn về chất lượng. Hiện nay, hệ thống tiêu chuẩn đánh giá ISI và Scopus là hệ thống tiêu chuẩn phổ biến và được công nhận trên toàn thế giới. Để hướng tới một mục tiêu tiêu chuẩn quốc tế, hệ thống tạp chí khoa học Việt Nam cần phải thay đổi nhiều vấn đề cả về nội dung, hình thức, chất lượng, quy mô và quy trình thực hiện.
+ Vấn đề đạt quy chuẩn quốc tế
Hiện nay, tuy có những quan tâm mạnh mẽ đến đầu tư cho khoa học nước nhà, cũng như các tạp chí khoa học đã từng bước phát triển theo định hướng hội nhập, tuy nhiên vì nhiều nguyên nhân, phần lớn tạp chí khoa học Việt vẫn chưa đạt được các quy chuẩn quốc tế, cụ thể là theo tiêu chuẩn các tạp chí được xếp hạng bởi Viện Thông tin khoa học Mỹ (ISI) và Cơ sở dữ liệu (Scopus) của Nhà xuất bản Elsevier Hà Lan. Có nhiều tiêu chuẩn quốc tế của các tạp chí khoa học, song tựu trung lại có 5 tiêu chuẩn chủ yếu: Về thể thức xuất bản; Về hình thức trình bày; Về Hội đồng biên tập; Về nội dung khoa học; về Website Tạp chí.
Cho đến ngày 21 tháng 3 năm 2016 đã có 356 tạp chí khoa học Việt Nam được đưa vào danh mục tạp chí tính điểm của HĐCDGSNN. Trong số đó, mới chỉ có một tạp chí được vào danh sách SCIE cuối năm 2015 (Advances in Natural Sciences: Nanoscience and Nanotechnology (ANSN) của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam (VHLKH&CNVN), hai tạp chí được vào
danh sách Scopus là: Vietnam Journal of Mathematics của Hội Toán học Việt Nam và VHLKH&CNVN và Acta Mathematica Vietnamica của VHLKH&CNVN). Như vậy, trong số 356 tạp chí nói trên, Việt Nam chỉ có ba (≈ 0,84%) tạp chí nằm trong danh sách ISI hoặc Scopus và cũng chỉ có 24 tạp chí bằng tiếng Anh hoặc song ngữ Việt-Anh (≈6,7%). Trong khi đó, các quốc gia khác thuộc cộng đồng ASEAN như Malaysia đã có 48 tạp chí, Thái Lan có 21 tạp chí được xếp vào Scopus. Điều này phần nào cho thấy thực tế về chất lượng bài báo khoa học của Việt Nam còn thấp so với ngưỡng chuẩn quốc tế.
Nâng cao chất lượng tạp chí khoa học của Việt Nam là công việc mới, phức tạp và đòi hỏi phải có sự đầu tư, phối hợp chặt chẽ của tất cả các chủ thể có vai trò quyết định cũng như trực tiếp tham gia. Đây cũng là một công việc khó, đòi hỏi phải triển khai một cách lâu dài và có hệ thống.
+ Vấn đề đầu tư chất lượng khoa học
Là một nước có tiềm lực kinh tế hạn chế, trình độ phát triển các ngành khoa học chưa thực sự ở vị trí hàng đầu của thế giới, các ngành công nghiệp xuất bản, thông tin còn mới ở giai đoạn phát triển ban đầu so với nhiều quốc gia khác, vấn đề đầu tư chất lượng khoa học lại càng khó khăn, phức tạp hơn. Đầu tư cho khoa học có sự khác biệt rất căn bản so với đầu tư cho các hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như các lĩnh vực khác của đời sống xã hội. Ở một khía cạnh nào đó, cũng như trên bình diện xã hội, đầu tư cho khoa học (lĩnh vực sản xuất tinh thần) mang tính chất và kết quả gián tiếp hơn so với đầu tư trong lĩnh vực sản xuất vật chất. Hơn nữa, đầu tư cho phát triển tạp chí khoa học còn mang tính chất gián tiếp hơn nữa so với đầu tư cho khoa học, tức là khoản đầu tư gián tiếp của gián tiếp. Sự chồng chất tính chất gián tiếp đó có thể làm giảm tính chất căn bản, cấp bách của việc nâng cao chất lượng tạp chí khoa học theo tiêu chuẩn quốc tế. Điều này hoàn toàn phụ thuộc vào quan điểm và cách tiếp cận vấn đề của người quản lý, của cơ quan chủ quản tạp chí và xa rộng hơn nữa là ở đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước. Từ đó, dẫn tới hiệu quả phát triển hệ thống tạp chí khoa học bị hạn chế nhiều. Ở nước ta, chưa có một tổ chức khoa học
nào chuyên nghiên cứu về lĩnh vực xuất bản nói chung, trong đó có các tạp chí khoa học. Mặt khác, vấn đề nghiên cứu tổ chức, xuất bản tạp chí nói chung, tạp chí khoa học nói riêng còn chưa được quan tâm thích đáng. Đó là thách thức lớn nhất cho việc định hướng chiến lược phát triển các tạp chí khoa học, cũng như việc nâng cao chất lượng tạp chí theo tiêu chuẩn quốc tế.
+ Vấn đề xuất bản ngôn ngữ quốc tế
Những năm gần đây, các tạp chí khoa học đã tiến hành tổ chức phần tóm tắt bằng tiếng Anh các bài nghiên cứu trên mỗi số tạp chí. Công việc đó phần nào phản ánh tạp chí hướng đến nhóm người đọc là các nhà khoa học nước ngoài. Song việc phổ biến, phát hành các tạp chí khoa học đến các cộng đồng khoa học nước ngoài cũng chưa được xem như một mục đích của các tạp chí. Bằng chứng là, hiện chưa có nhiều tạp chí khoa học quan tâm đến phương thức xuất bản trực tuyến, một phương thức có ưu thế đặc biệt lớn cho việc phổ biến tạp chí trên phạm vi toàn cầu. Bằng phương thức này, người đọc nước ngoài dễ dàng và thuận tiện trong việc truy cập, khai thác thông tin.
+ Vấn đề chuẩn hóa công tác phản biện
Hầu hết các tạp chí khoa học chưa quan tâm một cách thích đáng tới công tác phản biện - một khâu quan trọng đảm bảo chất lượng của mỗi công trình được công bố. Công tác phản biện nếu được thực hiện theo một quy trình và các chuẩn mực khoa học chặt chẽ sẽ là yếu tố quyết định chất lượng khoa học của các công trình được xuất bản, đồng thời đóng vai trò như một cơ chế kiểm soát và chế định ý thức về bản quyền đối với các tác giả khi công bố các công trình của mình. Điều này thể hiện sự hạn chế về nguồn dữ liệu tổng hợp cũng như tầm ảnh hửng của tạp chí và sự quan tâm của mỗi tạp chí.
+ Vấn đề về trách nhiệm pháp lý
Về trách nhiệm pháp lý liên quan tới việc công bố kết quả nghiên cứu, vấn đề bản quyền trong hoạt động khoa học của các nhà khoa học cần được cải thiện. Đây là hạn chế khá phổ biến đối với các nước đang/chậm phát triển và nền khoa học tại đó chưa có truyền thống và chưa đạt ở trình độ cao. Việc vi phạm quyền tác
giả, quyền sở hữu trí tuệ, sở hữu công nghiệp còn hết sức phổ biến. Điều đó đã ảnh hưởng rõ rệt tới sự thiếu minh bạch, rõ ràng trong việc công bố các kết quả nghiên cứu trên các tạp chí khoa học. Điều này đã gây tác hại đến uy tín khoa học của các công trình nghiên cứu, các nhà khoa học, đồng thời trực tiếp làm giảm uy tín, độ tin cậy của các tạp chí khoa học. Các tạp chí chưa chú trọng đến các yêu cầu mang tính kỹ thuật đủ để có thể kiểm soát được việc mà các tác giả đã trích dẫn trong các công trình khoa học của mình như thế nào.
+ Vấn đề chính sách, cơ chế
Chính sách phát triển, chiến lược và lộ trình nâng cao chất lượng tạp chí khoa học chưa được quan tâm và xây dựng một cách đồng bộ, hệ thống. Trong hệ thống các chỉ tiêu thống kê khoa học, chỉ thấy tồn tại chỉ tiêu thống kê về số bài báo được công bố, nhất là các bài báo được công bố trên các tạp chí khoa học có uy tín nước ngoài và được trích dẫn, trong khi đó, để đánh giá trình độ phát triển của tổ chức khoa học, không có chỉ tiêu phản ánh sự tồn tại và chất lượng của tạp chí khoa học do tổ chức đó xuất bản. Các chính sách hiện tại khuyến khích các nhà khoa học công bố công trình khoa học trên các tạp chí khoa học có uy tín trên thế giới còn nhiều hạn chế và không phổ cập. Về mặt quản lý nhà nước, chưa xây dựng một định hướng, chiến lược, chính sách, quy trình phát triển chất lượng các tạp chí khoa học chung của quốc gia. Trong các đề án phát triển các tổ chức nghiên cứu, đào tạo, cơ quan quản lý nhà nước chưa quan tâm và đòi hỏi trong đó cần phải có nội dung về phát triển tạp chí khoa học trực thuộc.
+ Vấn đề huy động nguồn lực
Các nguồn lực dành cho việc phát triển hệ thống tạp chí khoa học còn hạn chế. Trước hết là, sự thiếu hụt nguồn nhân lực thuộc mọi nhóm và đủ trình độ đáp ứng được nhu cầu nâng cao chất lượng tạp chí theo các tiêu chuẩn quốc tế... Tiếp theo là sự hạn chế về tài chính đầu tư cho tạp chí. Hầu hết các tạp chí đều không có nguồn tài chính để duy trì hoạt động của Hội đồng Biên tập, triển khai công đoạn phản biện khoa học đối với các bài báo. Hơn nữa, ngay khi còn rất khan hiếm, thì các quy định hiện hành trong việc sử dụng nguồn tài chính này hầu như
chưa thực sự hướng tới mục tiêu quan trọng bậc nhất là nâng cao chất lượng khoa học của các công trình xuất bản trên tạp chí.
3.1.2. Những vấn đề đặt ra đối với các tạp chí khoa học của ngành Lâm nghiệp
Với những tiềm năng hiện tại, các tạp chí ngành Lâm nghiệp đang đứng trước thách thức cũng như cơ hội để nâng tầm, khẳng định chất lượng trước đòi hỏi thực tế ngày càng cao của giới chuyên môn lâm nghiệp, vấn đề nâng cao chất lượng, đáp ứng các tiêu chí để tiếp cận với chuẩn quốc tế là vấn đề chung đặt ra cho tổng số 356 tạp chí khoa học của Việt Nam.
Nhiệm vụ hàng đầu của các tạp chí khoa học ngành Lâm nghiệp là giữ vai trò diễn đàn khoa học góp phần nâng cao trình độ khoa học chuyên ngành nên phải bám sát tôn chỉ, mục đích và luôn luôn bảo đảm tính khoa học. Tạp chí phải ưu tiên hàng đầu cho việc chăm lo nâng cao chất lượng toàn diện. Muốn chất lượng nâng cao tất yếu quy trình tổ chức nội dung phải được thiết lập theo quy chuẩn từ khâu xây dựng chiến lược phát triển dài hạn cũng như lập kế hoạch nội dung cho từng số tạp chí.
Trên cơ sở chiến lược phát triển của mỗi tạp chí mà phân công nhiệm vụ, các bộ phận chuyên môn cũng như huy động nguồn lực phối hợp để lần lượt thực hiện các mục tiêu đề ra. Đối với kế hoạch xây dựng chủ đề cho từng số tạp chí sẽ giúp cho tạp chí tập trung, bài bản, hệ thống, tuyên truyền có trọng điểm, nâng cao hiệu quả tuyên truyền, mặt khác Ban Biên tập sẽ có nhiều thuận lợi, thống nhất trong tổ chức nội dung. Xác định chủ đề cho từng số tạp chí được căn cứ vào thực tiễn xu hướng phát triển khoa học, những vấn đề, sự kiện khoa học lớn có ảnh hưởng sâu rộng rtong và ngoài ngành.
Vấn đề xây dựng kế hoạch xuất bản của các tạp chí cần được quan tâm đầu tư một cách bài bản
Đứng trước yêu cầu, đòi hỏi của thực tế trong hoạt động nghiên cứu khoa học ngành Lâm nghiệp nhiều khó khăn, thách thức, đổi mới tổ chức chức thông tin cho các tạp chí khoa học không chỉ nhằm đáp ứng tốt hơn yêu cầu, nhiệm vụ
công tác, mả còn là phương thức hữu hiệu tác động đến khả năng phát triển cơ quan chủ quản cũng như phát triển ngành, mặt khác cũng là sự khẳng định tương xứng cộng đồng khoa học trong nước với cộng đồng khoa học quốc tế.
Quá trình tổ chức nội dung tạp chí, chưa thực sự được quan tâm xây dựng một cách bài bản và khoa học. Hiện tại, các tạp chí còn thiếu định hướng rõ ràng và chủ động trong khâu kế hoạch tổ chức nội dung bởi phần lớn bị phụ thuộc vào lượng bài tác giả gửi và chưa có sự bố trí cơ cấu lĩnh vực, chuyên mục hợp lý.
Quy trình phản biện bài báo khoa học chưa phải quy trình kín, còn thiếu chặt chẽ ảnh hưởng đến tính khách quan và uy tín của tạp chí;
Yếu tố quốc tế trong mỗi tạp chí còn nhiều hạn chế, rất ít số có sự tham gia của các tác giả, nhà phản biện là các nhà nghiên cứu, chuyên gia quốc tế.
Trên các tạp chí khảo sát, hầu hết đều thiếu quá trình nghiên cứu công chúng độc giả nhằm xây dựng một chiến lược phù hợp.
Quy trình xây dựng, biên tập nội dung cần được hoàn thiện theo hướng tăng cường sự tham gia của đội ngũ biên tập viên và thư ký tòa soạn. Cần có sự chú trọng đến từng chi tiết, không để lọt những lỗi “hớ hênh” kém chuyên nghiệp, gây ảnh hưởng đến uy tín tạp chí. Xây dựng một quy trình thẩm định chặt chẽ để mỗi một thông tin, mỗi một bài viết đều được thể hiện một cách thực sự khoa học, đảm bảo tính thẩm mĩ, hài hòa.
Đổi mới nội dung, hình thức nhằm tăng tính khoa học, chuyên nghiệp là yêu cầu cấp thiết, giúp tạp chí nâng cao chất lượng hướng tới tự chủ, hội nhập thị trường. Đổi mới cơ chế để tăng tính năng động, chuyên nghiệp của mỗi tòa soạn.
Vấn để nắm bắt và đáp ứng nhu cầu của công chúng tạp chí có ý nghĩa rất quan trọng trong đổi mới cách thức tổ chức thông tin tạp chí. Vấn đề này cần có nghiên cứu công chúng một cách bài bản, đòi hỏi không chỉ về kinh phí thực hiện, mà còn cần tính chuyên nghiệp, bảo đảm tính khách quan, khoa học và thực tiễn.
Nhân sự tòa soạn từ lãnh đạo đến biên tập viên chủ yếu là các nhà khoa học chuyên ngành, ít người có chuyên môn báo chí, đây là hạn chế không nhỏ đặt ra cho tính chuyên nghiệp của tờ tạp chí trong vấn đề phát triển nội dung
cũng như hình thức của tạp chí.
Vấn đề cập nhật, bổ sung và đổi mới kiến thức, kĩ năng làm việc của đội ngũ nhân sự tạp chí, bảo đảm cho quy trình tổ chức thông tin được nhận thức thống nhất, các bộ phận kết nối hài hòa và theo chu trình khoa học cao. Do vậy, kiến thức và kỹ năng gắn bó chặt chẽ với nhau và cùng hướng về tính chuyên nghiệp trong cách làm tạp chí. Về cơ bản, đổi mới tổ chức nội dung tạp chí chính là tìm ra cách tổ chức, điều hành mọi hoạt động, nhất là cách tổ chức, điều hành liên quan đến việc nâng cao chất lượng nội dung tạp chí sao cho tối ưu. Vấn đề này cần được mọi thành viên trong tạp chí, đặc biệt là lãnh đạo tạp chí nhận thức một cách sâu sắc và đầy đủ, từ đó có những lộ trình, bước đi phù hợp, hiệu quả, xứng với lòng tin cộng đồng khoa học và mới có thể nâng cao vị thế của tạp chí. Nói chung, công tác tổ chức, điều hành của tạp chí có thể thay đổi tùy theo từng giai đoạn khác nhau, tuy nhiên cần có lộ trình cho sự phát triển kết hợp sự điều chỉnh cho phù hợp với tình hình và khả năng của đơn vị. Những vấn đề mang tính nguyên tắc, chiến lược cần được tôn trọng và hoàn thiện giúp cho cách tổ chức nội dung tạp chí ngày càng khoa học vả hiệu quả.
Tính diễn đàn của tạp chí khoa học ngành Lâm nghiệp chưa được thể hiện rõ. Các trao đổi mang tính chuyên môn, các tranh luận học thuật là động lực để giải quyết các vấn đề tới ngọn ngành của chúng. Đó cũng là một biểu hiện rất rõ của tính phản biện đặc thù mang tính chức năng trong các tạp chí nghiên cứu.
Sự tranh luận, trao đổi, thẩm định về các vấn đề nghiên cứu đã công bố