Sứ mạng loan báo Tin Mừng

Một phần của tài liệu HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TƯ TƯỞNG, ĐẠO ĐỨC, PHONG CÁCH HỒ CHÍ MINH VỀ NÂNG CAO TRÁCH NHIỆM; NĂNG ĐỘNG, SÁNG TẠO; KHƠI DẬY KHÁT VỌNG XÂY DỰNG TỈNH KON TUM PHÁT TRIỂN NHANH VÀ BỀN VỮNG (Trang 26 - 29)

(Suy niệm của Lm. Giuse Nguyễn Thành Long)

Sau khoá huấn luyện “trung cấp” 2 năm về “kỹ năng” loan báo Tin Mừng, hôm nay Chúa Giêsu đặc phái các môn sinh của mình lên đường thực tập sứ vụ trước khi cấp “chứng chỉ tốt nghiệp ra trường” cho các ông. Ngay trước lúc lên đường, Chúa Giêsu đã không quên ân cần dặn dò các môn sinh cách thức để việc loan báo Tin Mừng mang lại hiệu quả như ý. Tựu trung lời dặn dò đó chứa đựng 3 bí quyết, như là “kim chỉ nam” cho các nhà truyền giáo mọi thời mọi nơi.

1. Loan báo Tin Mừng - sứ mạng phải được thực hiện trong chiều kích cộng đoàn

Cá nhân chủ nghĩa không có chổ đứng trong công cuộc loan báo Tin Mừng. Bởi chưng, Chúa Giêsu không sai các môn đệ đi từng người một, lẻ loi, đơn độc, để rồi các ông cứ mãi hát khúc hát “Cô đơn một cõi đi về”. Ngài sai họ đi là sai từng hai người một, cùng với các Tông đồ khác tạo thành nhóm, thành cộng đoàn. Qua đó, các ông được huấn luyện tinh thần làm việc chung, làm việc với người khác. Tinh thần làm việc chung, việc nhóm mới có khả năng tạo nên sức mạnh kỳ diệu (các giải thưởng Nobel trong những năm gần đây chứng minh điều này. Hầu hết đó là những công trình của một tập thể, một nhóm). Hơn nữa, trên phương diện chứng tá, chứng của hai người trở lên bao giờ cũng có giá trị hơn. Giá trị còn là vì cộng đoàn tính nói lên tinh thần liên đới và hiệp nhất của người Tông đồ. Cộng đoàn tính còn là lời chứng sống động về tình huynh đệ yêu thương mà họ rao giảng. Bởi thế, ta không ngạc nhiên khi thấy các vị thừa sai thường được phái đi từ 2 hoặc 3 người đến một giáo điểm hay một vùng miền nào đó để làm việc Tông đồ truyền giáo.

Chính Chúa Giêsu khi được Chúa Cha sai đến trần gian, Ngài không đi một mình, nhưng có Chúa Thánh thần cùng đồng hành và cùng hoạt động với Ngài.

2. Loan báo Tin Mừng - sứ mạng cần được thực hiện với tinh thần siêu thoát

Siêu thoát khỏi những dính bén với của cải vật chất, tiền bạc để sẵn sàng lên đường, sẵn sàng đi đến bất cứ nơi đâu một cách nhanh nhẹn và vui tươi. Siêu thoát với mọi thực tại đời này để toàn tâm, toàn ý cho sứ mạng được giao phó. Thái độ siêu thoát cũng là dấu chứng nói cho người khác biết lòng tin tưởng phó thác của người môn đệ vào sự quan phòng của Chúa. Chúa Quan Phòng phải là người bạn đường của người loan báo Tin Mừng. Nếu gạt Chúa Quan Phòng sang một bên, người tông đồ chỉ còn loay hoay vun vén, “đào hang”, “xây tổ” cho riêng mình.

Chúa Giêsu đã nêu gương cho các môn đệ của Ngài về tinh thần siêu thoát và tín thác. Khi đến trong trần gian, Ngài không mang theo gì ngoại trừ tình yêu của Chúa Cha. Khi sống trong trần gian, cũng như khi đi rao giảng Tin Mừng, Ngài hoàn toàn sống phó thác vào sự quan phòng của Chúa Cha. Chính Ngài đã bộc bạch: “Chim có tổ, cáo có hang; còn Con Người không có chổ tựa đầu” (Lc 9,58).

3. Loan báo Tin Mừng - sứ mạng phải được thực hiện với năng quyền của chính Chúa

Lệnh truyền và sứ điệp loan báo Tin Mừng không đến từ con người, nhưng đến từ Thiên Chúa. Do đó, để có thể chu toàn sứ mạng, cần đón nhận năng quyền Thiên Chúa ban. Đó là năng quyền rao giảng: công bố Tin Mừng cứu độ của Đức Kitô. Đó là năng quyền chữa lành và thánh hoá nhằm cải thiện đời sống và phong hoá trần gian. Đó còn là năng quyền trừ quỷ hầu chế ngự và đẩy lui các thế lực sự dữ.

Kinh nghiệm của các Tông đồ ngày hôm nay cũng cho thấy Thiên Chúa luôn dẫn dắt chúng ta đi: “Ơn ta đã đủ cho ngươi”. Đức Tổng Giám mục Vacchelli, Tổng Thư ký Hội đồng Giám mục Ý quốc, khi được Đức Thánh Cha bổ nhiệm làm Trợ lý Tổng Trưởng của Thánh Bộ Rao giảng Tin Mừng cho các Dân tộc và Chủ tịch Hiệp hội Giáo hoàng Truyền

giáo, ngài cho hay: “Gia nhập vào Thánh Bộ là chịu trách nhiệm trực tiếp với 1.100 giáo phận trên toàn cầu, 2.000 giám mục và vô số các giáo sĩ, nam nữ tu sĩ. Và trên hết vấn đề chính không chỉ là nghèo đói, nhưng là xây dựng một đời sống theo đường lối Kitô giáo. Vì thế, phạm vi rộng hơn nhiều”.

Đối mặt với lượng công việc đồ sộ như vậy, ngài vẫn tràn trề hy vọng nói: “Khi anh làm việc cho Thiên Chúa, Người luôn đi trước anh, thu xếp tính hèn yếu của anh bằng ân huệ của Người”. Nếu ý thức được như thế, các vị thừa sai của Chúa sẽ bớt sợ bớt lo khi thấy trách nhiệm năng nề, đồng thời sẽ bớt tự mãn kiêu căng khi làm được việc này việc nọ.

Qua Bí tích Rửa Tội, đặc biệt là Bí tích Thêm Sức, người Kitô hữu, cũng là người được sai đi. Được sai đi cùng với người khác, được sai đi với tính thần siêu thoát và được sai đi với ơn sức của Chúa. Đối tượng mà chúng ta cần nói cho biết về Chúa, không ở đâu xa mà ngay trong gia đình, gia tộc và xứ đạo của mình. Họ là những người thân thích với ta, là bà con lối xóm của ta. Họ là những người đồng hương với ta. Họ là những người cùng nghề cùng sở làm với ta...

Thế nhưng câu hỏi đặt ra là khi thực hiện ơn gọi loan báo Tin Mừng, tôi đã nêu cao tinh thần chung, tinh thần cộng tác với anh chị mình chưa hay vẫn còn cá nhân chủ nghĩa? Tôi đã đề cao tinh thần siêu thoát chưa, hay còn quá dính bén với những thực tại đời này, và quá chú trọng đến việc “xây tổ”, “đào hang” cho mình? Và nhất là tôi đã hết lòng giương cao sức mạnh của Chúa chưa, hay chỉ toàn cậy dựa vào tài cán và sức riêng mình?

Một phần của tài liệu HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TƯ TƯỞNG, ĐẠO ĐỨC, PHONG CÁCH HỒ CHÍ MINH VỀ NÂNG CAO TRÁCH NHIỆM; NĂNG ĐỘNG, SÁNG TẠO; KHƠI DẬY KHÁT VỌNG XÂY DỰNG TỈNH KON TUM PHÁT TRIỂN NHANH VÀ BỀN VỮNG (Trang 26 - 29)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(184 trang)
w