Lần đầu tiên sai các môn đệ đi thực tập rao giảng Chúa Giêsu đã căn dặn họ nhiều điều. Đoạn Tin Mừng hôm nay chỉ nói đến hai điều: hành trang phải mang theo là những gì và phải xử trí thế nào trước những thái độ khác nhau của thính giả.
Bình thường, trước khi đi đâu, nhất là khi đi xa, lâu ngày, một người cẩn thận, bao giờ cũng phải chuẩn bị, sửa soạn, sắm sửa hành trang. Chẳng hạn: một người tính đi du lịch Đà Lạt hay Nha Trang, dù chỉ bốn, năm ngày hay một tuần, trước khi đi, người ấy sẽ chuẩn bị quần áo và những vật dụng cần thiết. Một người mẹ cho con gái đi ở riêng, trước khi tiễn con lên xe hoa, bà thường sắm sửa cho con đủ thứ áo xống, vật dụng và căn dặn con đủ cách. Hoặc khi tiễn người con trai đi nghĩa vụ quân sự, bà cũng lo lắng, sắm sửa, căn dặn con nhiều điều. Trong phạm vi nghề nghiệp cũng vậy. Làm nghề gì người ta cũng sửa soạn dụng cụ cần thiết: một bác nông dân đi làm thì phải có cày có cuốc. Trẻ em đi học thì phải có bút mực, sách vở…
Vậy mà chúng ta thấy, trước khi sai các môn đệ đi rao giảng, Chúa Giêsu bảo họ: không được mang gì cả, không mang bị, không mang tiền, không mang hai áo… Tại sao vậy? Bởi vì Chúa muốn họ ra đi truyền giáo phải có tấm lòng từ bỏ tất cả, thoát ly ra ngoài vòng cương tỏa của vật chất. Họ sẽ sống một nếp sống bấp bênh. Có vậy họ mới biết bám víu vào Thiên Chúa quan phòng đã sai họ ra đi.
Vấn đề ở đây, Chúa muốn dạy các môn đệ Ngài phải có một tấm lòng sẵn sàng từ bỏ: từ bỏ cha mẹ, bà con và chính bản thân, từ bỏ những gì cần thiết… để họ thảnh thơi ra đi, không bon chen, không dính bén, không vướng víu; và đi đâu, đến đâu cũng được, nơi đâu cũng là quê hương. Chúa không muốn các môn đệ Ngài trở thành những hành khách được trang bị đầy đủ để rồi không còn lo sợ bất trắc. Không, Chúa muốn các môn đệ Ngài phải biết đặt lòng tin vào Thiên
Chúa quan phòng. Ngài muốn họ gặp bất trắc để họ biết phó thác vào Thiên Chúa.
Sau khi căn dặn các môn đệ từ bỏ, tín thác vào Thiên Chúa quan phòng, Chúa cho họ biết ngay rằng: công việc rao giảng của họ không dễ dàng: có người chấp nhận, có người không. Vậy họ phải xử trí thế nào? Chúa bảo: gặp được nhà nào tốt lành, chính đáng, thì ở lại đó cho đến lúc ra đi. Làm như vậy là tỏ lòng kính trọng, trung thành và biết ơn lòng hiếu khách. Còn làm khác đi dễ gây hiểu lầm, bội tín. Sở dĩ có lời khuyên như thế là vì hồi xưa, các nhà truyền giáo không có chỗ ở cố định mà phải nhờ vả rất nhiều vào các tín hữu để truyền giáo dần dần.
Dĩ nhiên và đương nhiên họ sẽ không được một số nơi tiếp nhận và còn ngược đãi nữa. Trường hợp đó, Chúa cho phép ra đi tới một nơi khác, và hãy giũ bụi chân lại cho họ biết lỗi lầm bất kính cảu họ. Người Do thái có thói quen làm như thế khi họ đi từ vùng dân ngoại vào vùng đất của họ để minh chứng họ dứt bỏ mọi liên hệ xấu với dân ngoại. Vậy người môn đệ làm như thế để đánh thức những ai từ chối họ, và cho những người ấy biết rằng cư xử của họ như vậy là đã trở thành dân ngoại.
Việc Chúa Giêsu sai các môn đệ đi rao giảng và căn dặn các ông nhiều điều, nhắc nhở chúng ta cũng hãy làm tông đồ cho Chúa. Và tất cả chúng ta đều biết cách làm tông đồ tốt nhất, được Giáo Hội đề cao và cổ võ nhất, là làm tông đồ bằng chính đời sống tốt lành của chúng ta. Bởi vì đời sống của một người tín hữu chẳng những sống mà còn mang một sứ điệp, là người phát ngôn của Chúa ở nơi mình sống. Thiên Chúa là tác giả viết thư, còn chúng ta là những dòng chữ sống Thiên Chúa viết trên trần gian này. Đọc bức thư là người ta hiểu được ý tưởng, vấn đề người chủ muốn viết. Cho nên, đời sống của người Kitô hữu thánh thiện, tốt lành có giá trị thuyết phục hơn tất cả những bằng chứng khác.
Ngược lại, nếu chúng ta không sống như thế mà còn sống tệ hơn những người khác thì sao? Chẳng hạn như vấn đề
được nêu lên trên một tờ báo như sau: Khu xóm tôi là một xóm toàn tòng theo đạo. Những ngày Chúa nhật hoặc lễ trọng, nhà nhà đi lễ, người người đi lễ, rất là nhộn nhịp trong bầu không khí thánh thiện của một ngày lễ. Đó là một điều đáng mừng đáng quí. Thế nhưng còn một điều đáng buồn cũng xảy ra thường ngày trong xóm đạo tôi, đó là thiếu tình thương, thiếu bác ái. Chẳng hạn: hai nhà gần nhau, mấy đứa nhỏ chơi với nhau rồi đánh nhau. Thế là hai gia đình đó cãi nhau chí tử. Chẳng hạn: buôn bán, vay mượn tiền bạc của nhau, không biết quên sót hay thiếu đủ sao đó, rồi cũng đi đến chỗ cãi nhau cả ngày trời, náo động cả khu xóm. Những chuyện như vậy cứ xảy ra thường xuyên ở khu xóm tôi, một xóm toàn những người có đạo. Thế mà mọi người vẫn thản nhiên vui sống, vẫn cứ đi lễ, đọc kinh, vẫn cứ cãi lộn, chửi nhau. Cuối cùng, tác giả bài báo này kết luận: Ước mong xóm đạo tôi ngày càng sống đạo tốt hơn, tức là vẫn siêng năng đi lễ, cầu nguyện, nhưng cũng biết sống bác ái, chia sẻ hơn với mọi người chung quanh.
Có lẽ đó cũng là điều ước mong của chúng ta. Chúng ta hãy sống đạo ở trong nhà thờ, trong gia đình, ở khu phố, ở mọi nơi. Sống đạo thực sự như thế là chúng ta cũng đang đóng góp phần mình vào công cuộc tông đồ của Chúa và Giáo Hội.