III. ĐỊNH HƯỚNG XÂY DỰNG LUẬT CẠNH TRANH (SỬA ĐỔI)
1. Chương Những quy định chung
1.1. Mở rộng phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng
Quy định phạm vi điều chỉnh của Luật Cạnh tranh hiện nay làm hạn chế thẩm quyền và gây khó khăn, lúng túng cho cơ quan thực thi và sẽ không xử lý được các hành vi phản cạnh tranh diễn ra ở nước ngoài nhưng ảnh hưởng tiêu cực tới môi trường cạnh tranh tại Việt Nam. Vì vậy, quy định về phạm vi áp dụng của Luật Cạnh tranh cần được sửa đổi theo hướng mở rộng phạm vi điều chỉnh đối với cả những hành vi diễn ra bên ngoài lãnh thổ nhưng có ảnh hưởng hoặc gây tổn hại tới môi trường cạnh tranh của Việt Nam.
Quy định về đối tượng áp dụng của Luật Cạnh tranh hiện nay chưa bao quát hết các đối tượng thuộc diện điều chỉnh, mới chỉ quy định về các tổ chức cá nhân kinh doanh và Hiệp hội ngành nghề mà chưa quy định đối tượng là các tổ chức, cá nhân có liên quan khác. Vì vậy, quy định về đối tượng áp dụng của Luật Cạnh tranh được sửa đổi theo hướng mở rộng áp dụng đối với cả các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan, bao gồm cả các cơ quan nhà nước thực hiện hành vi vi phạm quy định của Luật Cạnh tranh.
1.2. Khái niệm “Hành vi hạn chế cạnh tranh” và “Hành vi cạnh tranh khônglành mạnh” lành mạnh”
Cần xem xét lại nội hàm của khái niệm “Hành vi hạn chế cạnh tranh” và “Hành vi cạnh tranh không lành mạnh”. Trong đó, đặc biệt cần tách tập trung kinh tế ra khỏi nhóm các hành vi hạn chế cạnh tranh để trở thành một trong bốn nhóm quy định trụ cột của Luật Cạnh tranh (thoả thuận hạn chế cạnh tranh, lạm dụng vị trí thống lĩnh/vị trí độc quyền, tập trung kinh tế và cạnh tranh không lành mạnh). Đồng thời, kết hợp với việc sửa đổi cách tiếp cận kiểm soát tập trung kinh tế cho phù hợp hơn.
1.3. Quy định về xác định thị phần
Luật Cạnh tranh 2004 quy định căn cứ để xác định thị phần là doanh thu hoặc doanh số của các doanh nghiệp trên thị trường liên quan chưa phù hợp. Chính vì vậy, cần xem xét bổ sung thêm các tiêu chí để tính toán và xác định thị phần cho phù hợp với thực tiễn sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và không sử dụng thị phần là yếu tố duy nhất giúp đánh giá sức mạnh thị trường của doanh nghiệp.
1.4. Quy định về các hành vi bị cấm đối với cơ quan quản lý nhà nước
Đối với quy định tại Điều 6 Luật Cạnh tranh về các hành vi bị cấm đối với cơ quan quản lý nhà nước, cần tiếp tục phát huy ý nghĩa tích cực và tính tiến bộ của quy định này. Trên cơ sở kinh nghiệm thực tiễn, cần bổ sung các dạng hành vi cản trở cạnh tranh khác cần phải bị cấm đối với cơ quan quản lý nhà nước. Đồng thời phải có quy định về việc xử lý vi phạm.