Ngoài việc được cấu tạo từ các từ thuần Việt, từ Hán Việt, một số lượng địa
danh được cấu tạo từ ngôn ngữ các dân tộc thiểu số. Địa danh phần nào đã thể hiện được sự đa dạng về ngôn ngữ của các dân tộc sinh sống trên cùng địa
bàn Quảng Nam.
Ví dụ:
Ngôn ngữ dân tộc Chăm: núi Trà Ngữ (PS), sông Vu Gia (ĐL), núi Cà Tang (QS, Cà Tang có nghĩa là “vùng trâu đầm”, nơi này trước kia có rất
nhiều trâu sinh sống, thường cày nát cả một vùng ), đảo Cù Lao Chàm (HA), …
Ngôn ngữ dân tộc Cơ Tu: thị trấn Prao (ĐG, “prao” có nghĩa là cây chò),
sông A Vương (ĐG), thôn A Ching (TG), thôn Aró (TG), thôn Apô (TG, “apô” là thầy cúng, thôn có nhiều người hành nghề cúng bái [39, tr.23]), …
Có một điểm đáng chú ý khi tìm hiểu về địa danh có nguồn gốc từ ngôn ngữ
của dân tộc Cơ Tu là hầu hết tên sông, tên suối, tên ngọn núi đều có âm “A”
là đại từ nhân xưng có nghĩa là “tôi / mình”. Người Cơ Tu dùng âm “A” ở đầu nhằm khẳng định mình, khẳng định yếu tố cá nhân trong các đối tượng tự
nhiên.
Hầu hết các tên làng của người Cơ Tu sau thành tố “A” sẽ kèm theo tên của
ngọn núi, con sông. Ví dụ: làng A rầng (ĐG, vùng này có con sông A rầng),
xã A tiêng (TG, nơi đây có sông A tiêng), thôn Atu (TG, thôn này có núi Atu,
sở dĩ núi mang tên như vậy vì người làng này cho rằng là nơi cao nhất, đầu
con sông, con suối; “Tu” trong tiếng Cơ Tu là đầu nguồn, đầu ngọn con nước, vùng núi cao), …
Có điểm khác biệt của đồng bào Cơ Tu sống ở các xã vùng thấp huyện Nam
Giang của tỉnh đó là thay vì dùng thành tố “A” như đồng bào ở huyện Đông Giang, Tây Giang, người dân nơi đây lại dùng thành tố “Pà”. Các thôn ở đây
có tên: Pà Xua (hiểu theo nghĩa của người Cơ Tu “thôn mình có núi Xua”),
Pà Ia, Pà Vã, Pà Rồng, Pà Ting, Pà Păng, … Ngôn ngữ Cơ Tu cho thấy cả hai
thành tố “A / Pà” đều dùng để chỉ đại từ nhân xưng ngôi thứ nhất “tôi /
mình”. (cf. Nguyễn Tri Hùng)
Ngôn ngữ dân tộc Bh’noong: đây là một nhóm của dân tộc Giẻ triêng, chủ
yếu sinh sống ở huyện Phước Sơn. Người dân nơi đây thường đặt tên thôn làng gắn với tên con suối, ngọn núi ở làng mình. Ví dụ: thôn Xà Riếng (thôn
4 – xã Phước Chánh (PS), Xà Riếng là tên ngọn núi ở thôn), thôn Cà Doạt
(thôn 1 – xã Phước Mỹ (PS), Cà Doạt cũng là tên của ngọn núi), thôn Đắc Sa
nay, huyện Phước Sơn đang có đề án đặt tên làng như cũ, không dùng các con số để đặt tên làng như thời điểm hiện tại.
Qua tìm hiểu, chúng tôi biết được ở huyện Quế Sơn có làng Tí – Sé có nguồn
gốc từ ngôn ngữ của người Bh’noong. Làng nằm bên sông Tranh. Trải qua
một thời gian dài, do hiện tượng lũ lụt, phù sa bồi đắp, sông bồi, lở; hiện nay
làng này không còn nữa mà tách ra thành hai làng: làng Tí Bồi (nằm bên hữu
ngạn sông Tranh, được phù sa bồi đắp), làng Tí Lở (nằm bên tả ngạn sông Tranh, không được phù sa bồi đắp).
Ngôn ngữ dân tộc Xơ Đăng: địa bàn sinh sống của dân tộc này chủ yếu là huyện Nam Trà My và Bắc Trà My. Đa số tên làng lấy tên từ con suối
(“Tắk”) để đặt tên, như: Tắk Ngô, Tắk Pỏ, Tắk Riu, … Chúng tôi chỉ tìm
được từ nguyên của địa danh Tắk Pỏ (có nghĩa là “làng nước trầu”, xuất phát
từ việc vùng này trồng rất nhiều trầu).
Ngoài ra, người Xơ Đăng, Ca dong, Cor ở hai huyện Nam Trà My và Bắc Trà
My có đặc điểm: 1- Một làng có nhiều nóc, mỗi nóc có một tên riêng: nóc Ông Biên, nóc Ông Reo, … 2- Tên nóc đặt theo tên của người có uy tín, là “tiền hiền” lập nóc. Nóc không chỉ là một dãy nhà dài như toa tàu hoả nối
tiếp nhau, mỗi nóc có nhiều hộ gia đình, nhiều bếp ăn, nóc còn gồm cả phần đất canh tác của người sống trong nóc, như một làng thu hẹp của người Kinh. Điều đặc biệt là khi những người sống trong nóc bỏ đi, lập làng ở vùng khác thì phần đất ấy vẫn là của họ, những người khác không có quyền khai thác,
sử dụng, khu vực ấy vẫn giữ nguyên tên vốn có của nó.
Qua tìm hiểu đặc điểm về nguồn gốc – ý nghĩa và giá trị hiện thực của địa
danh Quảng Nam, bước đầu chúng tôi có những nhận xét sau:
Mỗi địa danh ra đời đều có nguyên nhân của nó, hầu hết các địa danh trong
tỉnh đều có nguồn gốc rõ ràng. Những địa danh thuần Việt, địa danh Hán Việt
phần lớn là rõ nghĩa. Bên cạnh đó, một bộ phận địa danh có nguồn gốc từ
ngôn ngữ các dân tộc thiểu số đã được Việt hoá, thật khó để tìm hiểu hết ý
nghĩa của nó, chúng tôi chỉ tìm được từ nguyên của một lượng nhỏ trong số đó.
Địa danh ra đời dựa vào những đặc điểm, tính chất, vị trí, chức năng, … của đối tượng mà nó định danh. Chính vì vậy, địa danh là một sản phẩm trí tuệ
của con người, không phải tự nhiên mà có. Mỗi địa danh, ngoài chức năng định danh, nó còn thể hiện những đặc điểm về lịch sử, chính trị, văn hoá, xã hội của địa bàn mà nó tồn tại, có chức năng bảo tồn những đặc điểm ấy. Địa
danh là những “nhân chứng” trung thành, là những “tấm bia” văn hoá – lịch
sử của đất nước. Vì vậy, địa danh có giá trị hiện thực sâu sắc.
Khi tiến hành tìm hiểu ý nghĩa, nguồn gốc của địa danh Quảng Nam, chúng
tôi còn tìm được một số những từ ngữ cổ. Các từ này tuy không nhiều nhưng
vẫn có giá trị chuyển tải ngôn ngữ của thời đại, lớp từ mà hiện nay không còn
được sử dụng trong ngôn ngữ đương thời, góp phần làm cơ sở ngữ liệu cho
việc nghiên cứu lịch sử tiếng Việt.
Thông qua địa danh có nguồn gốc từ ngôn ngữ các dân tộc thiểu số, chúng tôi đã ít nhiều được cung cấp những đặc điểm của các dân tộc này. Hầu hết các địa danh đều gắn liền với núi, sông, suối cho thấy địa bàn sinh sống chủ yếu
của họ là vùng núi cao, địa hình hiểm trở. Ngoài ra, mỗi địa danh là tinh thần
tự tôn, mong muốn khẳng định cá nhân của đồng bào nơi đây.
Địa danh là sự tổng hợp của ngôn ngữ – văn hoá – lịch sử, là bức tranh sinh động, nhiều sắc màu được lưu giữ và kế thừa qua nhiều thời đại.