III. Nhu cầu và thuyết nhu cầu
3. Nhu cầu du lịch
3.1. Khái niệm
Trong quá trình đi du lịch, con người có nhiều nhu cầu khác nhau, trong đó nhu cầu chủ đạo là nghỉ ngơi, giải trí, tìm hiểu khám phá những điều mới lạ ở nơi đến; Muốn thỏa mãn nhu cầu này cho khách du lịch, cần phải có phương tiện vận chuyển, cơ sở lưu trú, nơi phục vụ ăn uống và mua sắm… Vì thế nhu cầu du lịch được TS. Nguyễn Văn Đính định nghĩa là “một loại nhu cầu đặc biệt và tổng hợp
của con người, nhu cầu này được hình thành và phát triển trên nền tảng của nhu cầu sinh lý và các nhu cầu tinh thần (nhu cầu nghỉ ngơi, tự khẳng định, nhận thức, giao tiếp)”
TS. Nguyễn Văn Lưu cũng khẳng định tính đa dạng, đặc biệt của nhu cầu du lịch: “Nhu cầu du lịch là một loại nhu cầu đặc biệt và mang tính xã hội cao, biểu
hiện sự mong muốn tạm thời rời khỏi nơi cư trú thường xuyên để đến với thiên nhiên và văn hóa ở một nơi khác, là nguyện vọng cần thiết của một con người muốn được giải phóng khỏi sự căng thẳng để được nghỉ ngơi, giải trí, phục hồi sức khỏe và tăng cường hiểu biết”
3.2. Đặc điểm của nhu cầu du lịch
Nhu cầu du lịch luôn biến đổi phát triển cùng với điều kiện sống, đặc biệt là điều kiện kinh tế. Ở các quốc gia phát triển, tổng thu nhập quốc dân cao, số ngày nghỉ được tăng lên đã tạo điều kiện cho người dân đi du lịch và tiêu dùng nhiều hơn. Nhu cầu du lịch còn phụ thuộc vào không gian, thời gian tiêu dùng và đặc điểm cá nhân của du khách (lứa tuổi, thu nhập, tôn giáo, cá tính…)
Nhu cầu có tính chu kỳ, đặc biệt là các nhu cầu sinh lý. Khi nhu cầu được thỏa mãn, sau một khoảng thời gian nhất định nó lại được lặp lại. Các nhu cầu thiết yếu như ăn uống, nghỉ ngơi trong du lịch có tính chu kỳ rõ hơn so với các nhu cầu tinh thần
Khi nhu cầu du lịch gặp đối tượng có khả năng đáp ứng sự thỏa mãn của nó (Công ty du lịch có uy tín, dịch vụ du lịch và sản phẩm du lịch phù hợp nhu cầu), nó sẽ trở thành động cơ thúc đẩy hành động đi du lịch
Nhu cầu du lịch là một loại nhu cầu tổng hợp, vừa mang tính sinh học vừa mang tính xã hội. Scitovsky (năm 1976) viết: Con người đi du lịch một là để tăng cường sự hung phấn qua các kỳ nghỉ mới lạ, hai là để giảm bớt sự kích động khi bị stress. Ông cho rằng người ta cần có nhu cầu cả về sự an toàn và cả về sự mới lạ khi đi du lịch. Nếu một môi trường được biết là có nhiều điều mới lạ nhưng không an toàn, người ta sẽ cố gắng tránh hoặc rút lui khỏi môi trường đó. Mặt khác, nếu cá nhân tiếp nhận một môi trường quá quen thuộc, dù rất an toàn thì họ cũng sẽ nhanh chóng chán ngấy và tìm kiếm một nơi khác
Đôi khi nhu cầu có thể không được con người nhận thức (tiềm ẩn). Khi nhu cầu được con người nhận thức, nó trở thành mong muốn, khát vọng sở hữu những sản phẩm có khả năng đáp ứng nhu cầu của họ. Với mỗi nhu cầu có thể làm xuất hiện một vài mong muốn khác nhau. Nhiệm vụ của người làm marketing là giúp cho khách hàng nhận ra những nhu cầu tiềm ẩn của chính bản thân họ
3.3. Phân loại nhu cầu trong du lịch
Để hiểu một cách đầy đủ và chính xác về nhu cầu du lịch của con người, cần tiếp cận đồng thời từ hai khía cạnh như sau:
Khía cạnh thứ nhất: Từ việc nghiên cứu những nhu cầu nói chung của con người theo thang cấp bậc.
Khía cạnh thứ hai: Từ việc thống kê, nghiên cứu các mục đích và động cơ chính của con người khi đi du lịch.
Về khía cạnh thứ nhất chúng ta đã đề cập chi tiết ở phần trên. Ở đây, chúng ta sẽ đề cập tiếp đến khía cạnh thứ hai
Ở đây chúng ta sẽ không nghiên cứu về quy luật và động cơ trong hành động của mỗi cá nhân mà chỉ xét các phạm trù mang tính chất hiển nhiên hơn, có biểu hiện bên ngoài dễ nhận thấy hơn. Chúng ta biết rằng, mọi hành động của con người đều do những động cơ bên trong thúc đẩy. mà bản thân những động cơ đó lại do những nhu cầu nội lực tiềm tàng của con người sản sinh ra. Trên thực tế, chúng ta có thể dễ dàng thống kê phân nhóm nghiên cứu đến các hành động của con người.
Căn cứ vào việc thống kê và nghiên cứu những mục đich chính của các chuyến hành trình du lịch, các chuyên gia về du lịch đã phân loại thành các nhóm động cơ đi du lịch gắn với các mục đích cụ thể như sau:
Nhóm I: Động cơ nghỉ ngơi (Pleasure)
Đi du lịch với mục đích nghỉ ngơi, giải trí, phục hồi tâm sinh lý, tiếp cận gần gũi với thiên nhiên, thay đổi môi trường sống;
Đi du lịch với mục đích thể thao;
Đi du lịch với mục đích văn hóa, giáo dục.
Nhóm II: Động cơ nghề nghiệp (Professional)
Đi du lịch với mục đích tìm hiểu cơ hội kinh doanh kết hợp với giải trí; Đi du lịch với mục đích thăm viếng ngoại giao;
Đi du lịch với mục đích công tác.
Nhóm III: Các động cơ khác (Other Tourisr Motivies) Đi du lịch với mục đích thăm viếng người thân
Đi du lịch với mục đích nghỉ tuần trăng mật Đi du lịch với mục đích chữa bệnh
Đi du lịch là do sự chơi trội để tập trung sự chú ý của những người xung quanh
Tiếp cận từ hai khía cạnh đã nêu, chúng ta có thể thấy nhu cầu du lịch là một loại nhu cầu đặc biệt, thứ cấp và tổng hợp của con người. Đặc biệt là do nó khác những nhu cầu hàng ngày của con người, khi đi du lịch con người ta thường chi tiêu nhiều hơn, đòi hỏi được phục vụ với chất lượng cao hơn nhiều cho việc thỏa mãn những nhu cầu của mình; thứ cấp vì con người ta chỉ có thể nghĩ tới du lịch khi đã thỏa mãn những nhu cầu thiết yếu, cần thiết hàng ngày; và tổng hợp là vì trong một chuyến hành trình du lịch thường con người đòi hỏi phải thỏa mãn nhiều nhu cầu khác nhau, mà để thỏa mãn chúng cần dịch vụ của nhiều ngành, nhiều lĩnh vực khác nhau trong một khoảng thời gian nhất định. Hơn nữa, do khi đi du lịch tức là con người ta phải rời khỏi nơi thường xuyên cư trú của mình, nên chúng ta có thể thấy nhu cầu du lịch được hình thành và phát triển trên nền tảng của nhu cầu sinh lý (sự đi lại) và các nhu cầu tinh thần (nhu cầu nghỉ ngơi, tự khẳng định, nhận thức, giao tiếp…)
Tổng quát lại từ việc nghiên cứu những nhu cầu nói chung và những mục đích, động cơ đi du lịch nói riêng của con người, các chuyên gia về du lịch đã phân loại nhu cầu du lịch theo 3 nhóm cơ bản sau:
Nhóm I: Nhu cầu cơ bản (thiết yếu) gồm: Đi lại, lưu trú, ăn uống.
Nhóm II: Nhu cầu đặc trưng (nghỉ ngơi, giải trí, tham quan, tìm hiểu, thưởng
thức cái đẹp, giao tiếp…)
Nhóm III: Nhu cầu bổ sung (thẩm mỹ, làm đẹp, thông tin, giặt là…)
Trên thực tế khó có thể xếp hạng, phân thứ bậc các loại nhu cầu phát sinh trong khách du lịch. Sự thật hiển nhiên là các nhu cầu vận chuyển, ở trọ, ăn uống là các nhu cầu thiết yếu và quan trọng không thể thiếu được đối với mọi khách du lịch. Nhưng, nếu đi du lịch mà không có cái gì để gây ấn tượng, giải trí và tiêu khiển, không có dịch vụ để thỏa mãn các nhu cầu khác thì không thể gọi là đi du lịch. Thường thì trong cùng một chuyến đi ta thường kết hợp nhằm đạt được nhiều mục đích khác nhau và do vậy các nhu cầu cần được đồng thời thỏa mãn.
Thỏa mãn nhu cầu ở nhóm I là không thể thiếu để con người (khách du lịch) tồn tại và hoạt động, để tiếp tục thỏa mãn các nhóm nhu cầu sau.
Nói một cách khác thỏa mãn nhu cầu ở nhóm I làm tiền đề cho việc thỏa mãn các nhu cầu ở các nhóm tiếp theo
Nhu cầu ở nhóm II chính là nguyên nhân quan trọng nhất, có tính chất quyết định thúc đẩy người ta đi du lịch (thỏa mãn được nhu cầu này chính là đạt mục đích của chuyến du lịch)
Và thỏa mãn nhu cầu ở nhóm III là làm dễ dàng hơn và thuân tiện hơn trong sinh hoạt, cuộc sống hàng ngày của con người khi đi du lịch.