B. NỘI DUNG
1.3. Sự cần thiết khách quan của thực hiện chính sách bảo hiểm y tế
1.3.1 Thực hiện chính sách bảo hiểm y tế là biện pháp đảm bảo công bằng xã hội
Bảo hiểm y tế là là một chính sách xã hội do nhà nước tổ chức thực hiện, đóng vai trò quan trọng không những đối với người tham gia bảo hiểm, các cơ sở y tế, mà còn là thành tố quan trọng trong việc thực hiện chủ trương xã hội hoá công tác y tế nhằm huy động nguồn tài chính ổn định, phát triển đa dạng các thành phần tham gia khám chữa bệnh cho nhân dân. BHYT là hình thức bảo hiểm bắt buộc được áp dụng đối với các đối tượng theo quy định của Luật BHYT để chăm sóc sức khỏe, không vì mục đích lợi nhuận do Nhà nước tổ chức thực hiện có vai trò quan trọng trong việc thực hiện tiến trình BHYT toàn dân.
Chính sách BHXH, BHYT hoạt động dựa trên nguyên tắc cơ bản “đóng - hưởng” đã tạo ra bước đột phá quan trọng về sự bình đẳng của người lao động về chính sách BHXH, BHYT. Khi đó, mọi người lao động làm việc ở các thành phần kinh tế, các ngành nghề, địa bàn khác nhau, theo các hình thức khác nhau đều được tham gia thực hiện các chính sách BHYT. Người tham gia BHYT khi ốm đau sẽ được khám chữa bệnh và được quỹ BHYT chi trả phần lớn chi phí. Do đó, việc tham gia BHYT là biện pháp góp phần thực hiện mục tiêu công bằng xã hội trong chăm sóc sức khoẻ nhân dân, thể hiện rõ nét tính nhân đạo, cộng đồng xã hội sâu sắc.
Những người tham gia BHYT, dù ở địa vị, hoàn cảnh nào, mức đóng là bao nhiêu, khi ốm đau cũng nhận được sự chăm sóc y tế bình đẳng như nhau, xoá bỏ khoảng cách giàu nghèo khi thụ hưởng chế độ khám chữa bệnh. BHYT góp phần nâng cao tính cộng đồng và gắn bó mọi thành viên trong xã hội theo phương châm “lá lành đùm lá rách”. BHYT là một công cụ vĩ mô của Nhà nước để thực hiện tốt phúc lợi xã hội, đồng thời tạo nguồn tài chính hỗ trợ, cung cấp cho hoạt động chăm sóc sức khoẻ của người dân.
1.3.2. Thực hiện chính sách bảo hiểm y tế giúp cho người dân khắc phục khó khăn, ổn định tài chính trong trường hợp rủi ro, ốm đau
Bảo hiểm y tế là nguồn hỗ trợ tài chính giúp người tham gia khắc phục những khó khăn về kinh tế khi ốm đau, bệnh tật bất ngờ. Bởi vì trong quá trình điều trị bệnh chi phí rất tốn kém ảnh hưởng đến ngân sách gia đình, trong khi đó thu nhập của họ bị giảm đáng kể thậm chí mất thu nhập. Góp phần giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước, khắc phục sự thiếu hụt về tài chính, đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh ngày càng tăng của người dân. Hiện nay tại Việt Nam kinh phí cho y tế được cấu thành chủ yếu từ 4 nguồn: Từ ngân sách nhà nước; từ quỹ BHYT; thu một phần viện phí và dịch vụ y tế; tiền đóng góp của các tổ chức quần chúng, của các tổ chức từ thiện và viện trợ quốc tế. Trong bốn nguồn trên từ khi chưa có BHYT thì nguồn do ngân sách Nhà nước cấp là chủ yếu. Do vậy BHYT đã thực sự góp phần giảm bớt gánh nặng cho ngân sách nhà nước.
Bảo hiểm y tế còn góp phần đề phòng và hạn chế những bệnh hiểm nghèo theo phương châm “Phòng bệnh hơn chữa bệnh”. Với việc kết hợp với các cơ sở khám chữa bệnh BHYT kiểm tra sức khoẻ, chăm sóc sức khoẻ cho đại đa số những người tham gia BHYT, từ đó phát hiện kịp thời những bệnh hiểm nghèo và có phương pháp chữa trị kịp thời, tránh được những hậu quả xấu, mà nếu không tham gia BHYT tâm lý người dân thường sợ tốn kém khi đi bệnh viện, do đó mà coi thường hoặc bỏ qua những căn bệnh có thể dẫn đến tử vong. Như vậy, BHYT không những giúp cho người tham gia BHYT khắc phục khó khăn về kinh tế khi rủi ro ốm đau xảy ra, mà còn giảm bớt gánh nặng cho ngân sách nhà nước, góp phần đổi mới cơ chế quản lý, nâng cao chất lượng và công bằng trong khám chữa bệnh.
1.3.3. Thực hiện chính sách Bảo hiểm y tế góp phần thực hiện chủ trương xã hội hóa
Nội hàm xã hội hóa y tế được hiểu rằng Nhà nước phải quan tâm đầu tư công tác y tế, tạo điều kiện huy động nguồn lực ngoài Nhà nước cho công tác
phòng bệnh và chữa bệnh, đồng thời bản thân mỗi người dân nhận thức và thực hiện các biện pháp tự giữ gìn, phòng bệnh và nâng cao sức khỏe. Xã hội hóa y tế bao gồm nhiều loại hình khác nhau trong việc đào tạo nhân lực, hoạt động từ thiện, nhân đạo, góp vốn, liên doanh liên kết đặt thiết bị, vay vốn ngân hàng… Trong đó, chính sách BHYT là một loại hình quan trọng và chủ chốt. BHYT là chính sách xã hội lớn, dưới hình thức huy động sự đóng góp của nhiều người trong cộng đồng tạo lập một quỹ để chi trả các chi phí y tế cho những người không may bị ốm đau, bệnh tật. Vì vậy chính sách BHYT mang ý nghĩa chia sẻ cộng đồng một cách sâu sắc. Bên cạnh đó, thông qua hoạt động quỹ BHYT đầu tư góp phần thực hiện chủ trương xã hội hóa y tế, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho người dân.
Kết luận chương 1
Xã hội ngày càng phát triển, đi cùng sự phát triển đó là nhu cầu ngày càng cao của con người nhất là nhu cầu về sức khỏe; thực tế cho thấy tuổi thọ của con người ngày càng gia tăng, các phương pháp chữa bệnh mới ra đời, các phương pháp khoa học được ứng dụng ngày càng rộng rãi, đi kèm với đó là chi phí chăm sóc sức khỏe ngày càng gia tăng. BHYT ra đời nhanh chóng trở thành một chính sách xã hội quan trọng, mang ý nghĩa nhân đạo và có tính chia sẻ cộng đồng sâu sắc.
Bảo hiểm y tế là một mảng lớn trong hệ thống Bảo hiểm xã hội cũng như trong hệ thống an sinh xã hội của mỗi quốc gia. Từ lâu nó đã được coi là một phần không thể thiếu trong đời sống của mỗi người, nhất là trong giai đoạn hiện nay khi mà mức sống của người dân Việt Nam ngày càng được nâng cao thì nhu cầu về chăm sóc sức khỏe là một nhân tố không thể thiếu. Đó là những cơ sở lý luận tiến hành nghiên cứu thực trạng thực hiện chính sách bảo hiểm y tế ở tỉnh Vĩnh Long.
Chương 2
THỰC TRẠNG THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH