Vùng, phân loại vùng và đặc trưng cơ bản của vùng

Một phần của tài liệu LA Tran Thi Thu Huong (Trang 36 - 38)

3. Kết cấu của luận án

2.1.1.Vùng, phân loại vùng và đặc trưng cơ bản của vùng

2.1.1.1. Khái niệm vùng và phân loại vùng

Thuật ngữ “vùng” được sử dụng khá rộng rãi và phổ biến, tuy vậy, cho đến nay vẫn chưa có một khái niệm hay một định nghĩa thống nhất trong giới khoa học về thuật ngữ này do có nhiều cách tiếp cận khác nhau, từ góc độ ngành địa lý học, ngành kinh tế học, ngành chính trị học hay xã hội học,… Khái niệm vùng được E.M. Hoover đưa ra năm 1970 hiện cũng đang được nhiều quốc gia sử dụng, đó là “Vùng là dải đất được xem là một thực thể khi có mục đích mô tả, phân tích, quản lý, lập quy hoạch hay xây dựng chính sách” [13, tr.1].

Trên cơ sở nhận thức các yếu tố khách quan về tự nhiên, kinh tế, xã hội của hệ thống vùng, và tùy theo mục đích phát triển khác nhau mà có nhiều cách phân loại vùng. Chẳng hạn, có thể phân vùng theo chức năng hoạt động (đa năng, kinh tế tổng hợp, kinh tế trọng điểm,…), theo quy mô (lớn, trung bình, nhỏ,…), theo tiềm năng phát triển (giàu, lạc hậu, thành thị,…), theo mục đích hoạch định và thực thi chính sách (vùng quy hoạch, hoạt động theo chương trình, …). Bên cạnh đó, từ những năm 1950s, nhiều nước đã bắt đầu sử dụng thuật ngữ “vùng thủ đô” (metropolitan region) với mục đích là giúp cho việc quản lý, điều hành các chính sách công tốt hơn, đáp ứng nhu cầu chung của những người dân trong vùng. Vùng thủ đô được xác định là vùng bao gồm một hoặc nhiều khu đô thị đông dân, hoặc các thành phố vệ tinh, và các thị trấn, khu vực nông thôn xung quanh mà có mối liên kết chặt chẽ về kinh tế và xã hội đối với khu đô thị lõi [86]. Ở các nước, việc phân vùng thủ đô thường dựa trên tiêu

chí dân số. Chẳng hạn, theo phân định của OECD thì vùng thủ đô có ít nhất 1 triệu dân; ở Hàn Quốc có ít nhất 1,5 triệu dân.

Vùng là một bộ phận lãnh thổ đặc thù của một quốc gia và được nhìn nhận như một công cụ quan trọng, không thể thiếu trong việc hoạch định chiến lược, quy hoạch, kế hoạch và chính sách phát triển KTXH của quốc gia. Ở Việt Nam, khái niệm vùng KTXH (vùng tổng hợp) được chính thức đề cập trong Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 7/9/2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển KTXH, theo đó, vùng KTXH “là một bộ phận của lãnh thổ quốc gia, gồm một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có các hoạt động kinh tế - xã hội tương đối độc lập, thực hiện sự phân công lao động xã hội của cả nước”. Như vậy, khái niệm vùng trong LA là các vùng thủ đô hay vùng liên bang (được đề cập trong phần phân tích kinh nghiệm quốc tế) và 6 vùng KTXH (được đề cập trong phần phân tích thực trạng của Việt Nam). Sáu vùng KTXH được định nghĩa là “là một bộ phận của lãnh thổ quốc gia, gồm một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương liền kề có các hoạt động kinh tế- xã hội tương đối độc lập, thực hiện sự phân công lao động xã hội của cả nước”.

2.1.1.2. Những đặc trưng cơ bản của vùng

Mặc dù có nhiều cách phân vùng khác nhau, nhưng về bản chất các vùng đều có đặc trưng, đó là: (i) một lãnh thổ tương đối đồng nhất: chiếm một không gian nhất định trên bề mặt trái đất với sự đồng nhất một cách tương đối về điều kiện tự nhiên, văn hóa, xã hội, trình độ phát triển kinh tế; (ii) có ranh giới xác định: với phạm vi có thể lớn hoặc nhỏ và ranh giới của vùng tự nhiên có lúc đứt đoạn (nhưng phần lớn là liên tục); và (iii) mối quan hệ giữa các nhân tố tạo vùng trong nội vùng và ngoại vùng (trong đó, các nhân tố tạo vùng gồm: tự nhiên, xã hội, kinh tế, con người và thể chế chính sách phát triển vùng) [32].

Một phần của tài liệu LA Tran Thi Thu Huong (Trang 36 - 38)