Hiện trạng sử dụng đất

Một phần của tài liệu NGHIÊN CỨU ẢNH HƯỞNG CỦA NƯỚC MƯA CHẢY TRÀN ĐẾN CHẤT LƯỢNG NƯỚC MẶT SÔNG SÀI GÒN (Trang 38 - 41)

2.1 Giới thiệu lưu vực nghiên cứu

2.1.1 Hiện trạng sử dụng đất

Tính không thấm nước là đơn vị vật lý được đặc trưng bởi sự đóng kín bề mặt từ các vật liệu xây dựng và ngăn cản sự thẩm thấu của nước vào trong lòng đất. Các mặt không thấm làm thay đổi tính chất khí hậu đô thị và tài nguyên nước. Nước mưa chảy tràn tạo thành dòng chảy mặt có thể xảy ra ngập lụt hay lũ quét, cũng như việc chảy tràn nhanh và khan hiếm thực vật trên các bề mặt cũng làm giảm lượng bốc hơi. Các mặt không thấm ở đô thị có tính dẫn nhiệt và khả năng lưu giữ nhiệt cao hơn so với các mặt thấm có lớp phủ thực vật, tuỳ thuộc vào đặc tính nhiệt của các vật liệu bề mặt tạo nên chúng, điều này ảnh hưởng đến điều kiện vi khí hậu và tác hại đến sức khoẻ của sông, suối trong lưu vực. Nhiều loại chất ô nhiễm, xuất phát từ nhiều nguồn, tích luỹ trên các mặt không thấm đô thị, và chúng cuốn trôi vào các khối nước, dẫn đến làm thoái hoá chất lượng nước và ảnh hưởng đến đời sống thuỷ sinh.

Quá trình đô thị hoá ở các thành phố thường liên quan đến các mặt không thấm. Do đó, mặt không thấm là tham số thích hợp cho việc xem xét quá trình đô thị hoá của một số khu vực. Các tác động này bao gồm: thay đổi định lượng nước; làm giảm chất lượng nước; thay đổi cân bằng năng lượng và vi khí hậu; làm thoái hoá, mất mát và phân mảnh môi trường sống; phá huỷ thẩm mỹ học của sông suối và cảnh quan.

Thảm phủ thực vật trên lưu vực bao gồm hệ thống rừng tự nhiên và thảm thực vật canh tác nhằm đảm bảo tích trữ nước để điều hòa lưu lượng nước sông vào mùa khô và hạn chế khả năng xói mòn, rửa trôi đất vào mùa mưa.

Hình 2-2: Hiện trạng sử dụng đất lưu vực nghiên cứu

Tại lưu vực nghiên cứu, do sự phát triển nhanh của đô thị, việc chuyển đổi từ đất trống, đất rừng và đất nông nghiệp thành các khu vực đô thị dẫn đến bề mặt phủ ngăn cản nước thấm vào đất, đã làm thay đổi hiện trạng sử dụng đất thành phố Hồ Chí Minh và khu vực nghiên cứu. Điều này khiến cho thành phố phải đối mặt với các vấn đề mất cân bằng sinh thái. Các vùng đất thấp trồng lúa nước thuộc quận 2 trước đây là nơi cân bằng tiêu thoát nước, nay bị thay vào các bề mặt bê tông đã khiến cho dòng chảy hẹp hơn và gây ra dòng chảy tràn vào các khu dân cư cũ tạo nên tình trạng ngập lụt thường xuyên mỗi khi có mưa lớn hoặc triều cường. Ngoài ra, do không có nguồn nước tự nhiên bổ sung thường xuyên cho lớp nước dưới đất (do bị ngăn cản sự thấm nước vào sâu trong lòng đất), tình trạng khan hiếm nước dưới đất đã xảy ra nhiều nơi trong thành phố.

Tính đến năm 2015 đất đai của lưu vực nghiên cứu đã khai thác sử dụng cho các mục đích với tổng diện tích 241.070,59 ha, chiếm 99,97% so với tổng diện tích tự nhiên. Đây là mức cao so với các lưu vực khác trong cả nước. Đất chưa sử dụng chỉ còn 89,99 ha phân tán, rải rác ở các địa hình trũng úng nước, có nhiều hạn chế về hóa tính đất và thiếu cơ sở hạ tầng kỹ thuật nếu muốn đầu tư khai thác sẽ rất tốn kém, hiệu quả kinh tế thấp (Hình 2-2).

Hình 2-3: Tỷ lệ các nhóm sử dụng đất lưu vực nghiên cứu

Đất nông nghiệp có diện tích lớn nhất chủ yếu tập trung ở các khu vực đoạn từ hồ Dầu Tiếng đến Thủ Dầu Một (năm 2015), với diện tích là: 138.869,95 ha,

chiếm 57,69% diện tích tự nhiên, trong đó đất sản xuất nông nghiệp: 135.932,75 ha (chiếm 97,85% diện tích tự nhiên), đất lâm nghiệp 1.251,79 ha (chiếm 0,91%), đất nuôi thủy sản 607,35 ha (chiếm 0,43% diện tích tự nhiên) và đất nông nghiệp khác 1.078,06 ha (chiếm 0,77% diện tích tự nhiên) (Hình 2-3).

Đất phi nông nghiệp có diện tích lớn nhất chủ yếu tập trung ở các khu vực đoạn từ Thủ Dầu Một đến mũi Đèn Đỏ (năm 2015) với diện tích là: 94.447,17ha (chiếm 15,07% diện tích tự nhiên) và đất chưa sử dụng: 89,99 ha (chiếm 0,03% diện tích tự nhiên). Đất sông hồ kênh rạch tự nhiên: 7.299,22 ha (chiếm 0,77%).

Một phần của tài liệu NGHIÊN CỨU ẢNH HƯỞNG CỦA NƯỚC MƯA CHẢY TRÀN ĐẾN CHẤT LƯỢNG NƯỚC MẶT SÔNG SÀI GÒN (Trang 38 - 41)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(174 trang)
w