7. Bố cục của luận văn
1.1.3. Sự suy vong của con đường tơ lụa trên bộ (khoảng thế kỷ VIII đến thế kỉ
đến thế kỉ XIV)
Sau một thời gian phát triển cường thịnh, đến thời Trung Đường con đường tơ lụa trên bộ đã bắt đầu xuất hiện những dấu hiệu của sự suy thoái, hạn chế ngày càng nhiều và không thể khắc phục.
Đầu thế kỉ VIII, đế quốc Ảrập dần dần lớn mạnh lên, khống chế và thay thế vai trò của Ba Tư trên con đường tơ lụa, thiết lập quan hệ mật thiết với nhà Đường. Người Ảrập không muốn mua tơ lụa Trung Quốc bằng con đường xuyên lục địa nữa vì đi lại hết sức khó khăn, đầy gian nan và nguy hiểm. Thêm vào đó, lúc bấy giờ các nước ở vùng Tân Cương - Trung Quốc lại đang bị dân du mục Đột Quyết khống chế cho nên họ thấy đường biển đi lại thuận tiện hơn. Do đó con đường tơ lụa trên bộ bắt đầu suy giảm và được thay thế bằng con đường biển qua Nam Hải và biển Ấn Độ đến Ba Tư, Ả Rập. Từ đây, các thành phố biển phía Đông Nam Trung Quốc như Quảng Châu, Dương Châu trở thành trung tâm buôn bán sầm uất thay thế Trường An trước đây.
Thế kỉ IX khi nhà Đường bị khủng hoảng và sau đó bị lật đổ thì con đường tơ lụa trên bộ cũng tắc nghẽn dần. Cũng chính trong thời gian này, dưới lớp áo ngụy trang là chiêu bài chống dị giáo, đi “giải phóng mộ chúa” khỏi tay bọn tà đạo, tòa Thánh Rôma và giai cấp phong kiến Tây Âu đã phát động một phong trào viễn chinh chữ thập (Thập tự chinh) sang bờ Đông Địa Trung Hải. Trong suốt từ thế kỉ XI đến thế kỉ XIII, quân đội phong kiến nhiều nước châu Âu với hình cây thập tự trên áo đã tiến hành liên tiếp 8 cuộc viễn chinh sang phương Đông cướp bóc và tàn phá dã man các quốc gia ở bờ Đông Địa Trung Hải. Chiến
tranh loạn lạc liên miên đã làm giao thương Đông - Tây vì thế mà cũng dần dần bị chững lại.
Cuối thế kỉ XIII, phong trào thập tự chinh hoàn toàn thất bại, tình hình đã trở lại ổn định hơn. Đồng thời dưới sự thống trị của đế chế Nguyên - Mông hùng mạnh, nhiều đường bộ và sông đào đã được mở mang để thuận tiện cho việc liên lạc giữa các vùng, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động thương mại. Việc buôn bán trở nên phồn thịnh và con đường tơ lụa trên bộ được phục hồi trở lại. Điều đó được thể hiện rõ nét từ sau chuyến đi sứ của Khưu Xứ Cơ.
Khưu Xứ Cơ (1148-1227), ông sinh ra trong một gia đình có hoàn cảnh khó khăn nhưng có ước mơ trở thành đạo sỹ. Từ thời thơ ấu ông đã tự tìm hướng đi riêng cho bản thân mình. Ông đến ẩn cư 13 năm tại Thiểm Tây, sau thời gian này ông đến Yên Kinh và được phong tước Cao Công pháp sư. Trong thời gian đó, nhà Nguyên đã thôn tính lần lượt các quốc gia Trung Nguyên, Khưu Sứ Cơ miễn cưỡng nhận lời hội kiến Thành Cát Tư Hãn. Tại đây, Khưu Sứ Cơ đã được chứng kiến cảnh buôn bán nhộn nhịp, phong tục tập quán của cư dân Trung Á, ông đã quan sát rất tỉ mỉ và những quan sát đó được thể hiện trong tác phẩm “Trường xuân chân nhân tây du ký”. Cuối cùng, Khưu Xứ Cơ đã gặp Thành Cát Tư Hãn và kết thúc chuyến viễn du ba năm ở Tây Á của mình. Đó cũng chính là thời điểm con đường tơ lụa trên bộ phát triển trở lại để rồi sau đó lụi tàn.
Ngoài những nguyên nhân kể trên, con đường tơ lụa trên bộ còn có một số nhược điểm như sau:
- Con đường tơ lụa chỉ chạy qua một số quốc gia nhất định, nói cách khác nó phụ thuộc rất nhiều vào các quốc gia, dân tộc mà nó đi qua. Nếu như một trong những quốc gia, dân tộc đó xảy ra biến loạn hoặc xuất hiện các thế lực lũng đoạn, chi phối con đường sẽ dẫn đến sự ngừng trệ toàn bộ hệ thống. Các cuộc chiến tranh, loạn lạc ở khu vực Trung Á và Tây Á, phần giữa của con đường là một hiện tượng phổ biến trong thời kì lịch sử này.
- Con đường tơ lụa nằm ở phía Tây Trung Quốc, cách xa nội địa. Hàng hóa vận chuyển buôn bán trên con đường chủ yếu là tơ lụa, gốm sứ, hương liệu và phần lớn đều xuất xứ ở vùng ven biển phía Đông. Việc vận chuyển đến điểm xuất phát rất bất tiện, hiệu quả kinh tế kém. Hàng hóa đến được nơi cần bán cũng trở nên đắt đỏ và khan hiếm.
- Điều kiện tự nhiên của con đường tơ lụa trên bộ rất nguy hiểm và khắc nghiệt, địa hình phần lớn là thảo nguyên, sa mạc, hẻm núi ít người sinh sống. Phương tiện vận chuyển chủ yếu chỉ có lạc đà với khối lượng vận chuyển hạn chế, mất thời gian và chi phí cao.
- Với sự phát triển của sản xuất hàng hóa và thương nghiệp, khối lượng hàng hóa được trao đổi, mua bán ngày càng nhiều. Cách thức vận chuyển như trên không thể nào thích ứng với sự phát triển của kinh tế thương nghiệp. Đây cũng là nguyên nhân tạo nên sự chuyển hướng con đường tơ lụa ra biển.
Từ những nguyên nhân trên đã cho thấy, sự thay thế con đường tơ lụa trên bộ do không phù hợp với yêu cầu thực tế bằng con đường tơ lụa trên biển là điều tất yếu của lịch sử. Nhưng có thể thấy rằng, trong suốt thời gian tồn tại từ thời nhà Hán đến thời nhà Đường, con đường tơ lụa trên bộ đã giữ vai trò là nhịp cầu quan trọng của quan hệ kinh tế, văn hóa giữa phương Đông và phương Tây.
Nguyên nhân dẫn đến sự suy thoái của con đường tơ lụa trên bộ chính là dấu gạch nối, chuyển tiếp đưa đến sự ra đời của con đường tơ lụa trên biển. Sự khủng hoảng của nền chính trị Trung Quốc từ thế kỉ VIII, thậm chí là trước đó nữa đã trở thành chướng ngại vật làm gián đoạn không nhỏ con đường tơ lụa trên bộ.
Sự chuyển hướng từ đường bộ sang đường biển không phải diễn ra một sớm một chiều mà nó là cả quá trình lâu dài. Con đường mới có tên là “con đường tơ lụa trên biển”, đã thích ứng được với nhu cầu phát triển của lịch sử kinh tế thương mại đương thời.
2.1. Khái quát về con đường tơ lụa trên biển