Sự hình thành và phát triển của con đường tơ lụa trên biển (khoảng từ thế

Một phần của tài liệu Vai trò của con đường tơ lụa thời kì cổ trung đại đối với sự giao lưu kinh tế và văn hóa đông tây (Trang 30 - 37)

7. Bố cục của luận văn

2.2.1. Sự hình thành và phát triển của con đường tơ lụa trên biển (khoảng từ thế

(khoảng từ thế kỉ V đến thế kỉ XVI)

Những ưu thế vượt trội của tuyến đường biển đã tạo điều kiện cho nhiều dân tộc, nhiều quốc gia trên thế giới có thể giao lưu và dung hợp kinh tế văn hóa lẫn nhau . Con đường trở thành “cây cầu” kết nối văn minh phương Đông với văn minh phương Tây, trở thành “cánh cửa” mở rộng, liên kết văn minh, văn hóa toàn cầu. Trước khi nhà sư Pháp Hiển khai thông con đường thương mại trên biển đến khu vực Đông Nam Á vào thế kỉ V, có giả thuyết cho rằng, con đường tơ lụa trên biển có lịch sử tồn tại từ trước đó rất lâu, bắt đầu từ nhà Chu (thế kỉ XI TCN) [ 25, tr.122]. Năm 1112 TCN, Chu Vũ Vương đã tặng guồng quay tơ cho người Triều Tiên để “dạy dân nước đó biết ươm tơ tằm dệt vải” (Hán thư, Địa lí chí) [Dẫn theo 25, tr.123]. Tần Thủy Hoàng sau khi thống nhất lục quốc đã cho người mang kĩ thuật dệt lụa sang Triều Tiên bằng đường biển qua Bột Hải để dân ở đó biết “kĩ thuật dệt tơ lụa ra sao” (Hậu Hán thư, Đông di truyện) [Dẫn

theo 25, tr.123]. Theo các học giả Trung Quốc, kĩ thuật trồng dâu, nuôi tằm dệt lụa của Trung Quốc thời cổ đại đã được truyền ra bên ngoài bằng đường biển. Thời kì này cũng đánh dấu sự xuất hiện quá trình giao lưu và tiếp xúc văn hóa giữa Trung Quốc và các nước lân cận. Tuy nhiên, sự giao lưu văn hóa này diễn ra còn rất hạn chế do nhiều nhân tố khách quan tác động. Mặt khác, những tiếp xúc này lại diễn ra trên quy mô nhỏ hẹp nên chỉ được xem là giai đoạn xác lập cho các mối quan hệ bằng đường biển giữa Trung Quốc và các nước.

Đến thời Tây Hán, thuyền đi biển Trung Quốc xuất phát từ Từ Văn, Hợp Phố thuộc bán đảo Lôi Châu mang theo một lượng tơ lụa và vàng bạc đến nước Hoàng Chi ở Ấn Độ Dương (thuộc phía nam Ấn Độ ngày nay). Và chính chuyến đi này đã đi qua các quốc gia ngày nay là Việt Nam, Thái Lan đến trung bộ bán đảo Malay thì phải vượt đường bộ qua eo Kra (trung phần bán đảo Malay hiện nay) để sau đó đổi thuyền đến những nơi thuộc Miến Điện, Ấn Độ ngày nay. Trên đường trở về, đoàn thuyền này đi ngang các vương quốc ở đảo Giava, Xumatra lấy tơ lụa đổi lấy đặc sản (Trân Châu, Bảo Thạch) và trở về nước (Hán thư, Địa lí chí hạ) [Dẫn theo 25, tr.123]. Đây chính là những ghi chép đầu tiên về những chuyến đi đầu tiên của thuyền bè Trung Quốc xuống biển Đông. Điều đó chứng tỏ vào thời kì cổ đại đã có những mối quan hệ thông qua đường biển giữa Trung Quốc với các nước ngày nay là Nhật Bản, Triều Tiên, các nước Đông Nam Á, Ấn Độ và Xri Lan ca…Và đồng thời cho thấy, với kiến thức địa lí và kĩ thuật đi biển, người Trung Quốc đã có thể đi đến các địa phương vùng biển Đông, Ấn Độ Dương. Tuy nhiên lúc bấy giờ, thuyền bè Trung Quốc vẫn còn lệ thuộc vào eo đất Kra. Mặt khác, con đường tơ lụa trên bộ thời kì này vẫn là con đường thương mại chủ yếu giữa phương Đông và phương Tây. Trong khi người Trung Quốc đang làm quen với các hoạt động thương mại trên biển thì thương nhân Ấn Độ và Ả Rập đã khá quen thuộc và hoạt động tấp nập ở khu vực Đông

Nam Á. Trên thực tế, dấu ấn văn hóa Ấn Độ ảnh hưởng sâu sắc đến Đông Nam Á trong giai đoạn sơ kì thể hiện qua các công trình kiến trúc, văn hóa, tôn giáo.

Chuyến đi của nhà sư Pháp Hiển cũng được xem là cuộc hành trình để lại dấu ấn rõ nét về sự hình thành con đường tơ lụa trên biển. Đến thế kỉ V thời Đông Tấn, nhà sư Pháp Hiển từ Ấn Độ đến Xri Lanca, sau đó trở về nước bằng đường biển. Những ghi chép sinh động của ông trong “Phật quốc kí” (còn gọi là Pháp Hiển truyện) đã miêu tả chi tiết tuyến hàng hải từ Sư tử quốc (Xri Lanca) qua Da Phò Đề (Gia va) và cuối cùng là vùng Sơn Đông. Trong tác phẩm của ông có một số chi tiết rất đáng giá. Thứ nhất, thời gian hải trình từ Giava đến Trung Quốc được rút ngắn rất nhiều so với các hải trình trước đây, chỉ còn 50 ngày. Thứ hai, sự kiện “dĩ Tấn địa bạch quyên phiến cộng dưỡng” (lấy lụa trắng của nước Tấn cung cấp làm vật phẩm mua bán) cho thấy tơ lụa Trung Quốc đã trở thành mặt hàng khá phổ biến ở Ấn Độ thời kì này. Thứ ba, ông trở về trên một thuyền buôn chở gần 200 người xuất phát Xri Lanca cho thấy khả năng vận chuyển của tàu bè đã được cải thiện [25, tr.125].

Tuy vậy, tất cả những giả thuyết, những biểu hiện trên chỉ cho ta thấy nét định hình của con đường tơ lụa trên biển mà thôi; mọi hoạt động giao thương vẫn chưa liền mạch trên biển, việc mua bán trên con đường tơ lụa trên bộ vẫn chiếm phần lớn. Điều kiện tiên quyết cho những chuyến đi biển là tàu thuyền. Kĩ thuật đóng tàu tuy phát triển mạnh mẽ nhưng chủ yếu phục vụ trong chiến tranh (sản xuất thuyền chiến) nên các thương thuyền vẫn chưa được trang bị hoàn hảo. Mặc dù vậy, hải trình từ Trung Quốc đã đến với nhiều vùng đất hơn: lên hướng Đông Bắc là Triều Tiên, Nhật Bản, xuống phương Nam là Đông Nam Á, Nam Á rộng lớn.

Con đường tơ lụa trên biển cũng trùng hải trình với con đường hương liệu. Trước đây, nếu như hương liệu được thu mua và sản xuất ở các đảo Nam Dương rồi qua đường biển chở đến Trung Quốc, sau đó theo con đường tơ lụa

chở tới châu Âu thì nay các thương nhân chạy thẳng tới quần đảo hương liệu bằng đường biển và cũng theo lộ trình của con đường tơ lụa trên biển mà đến với châu Âu chứ không theo lộ trình của con đường tơ lụa trên bộ nữa.

Khi con đường tơ lụa trên bộ suy thoái thì cũng chính là lúc con đường tơ lụa trên biển bắt đầu hưng thịnh. Sự phát triển của con đường tơ lụa trên biển làm xuất hiện nhiều trung tâm buôn bán lớn ở phía Đông Nam - Trung Quốc như Quảng Châu, Dương Châu, Tuyền Châu và đặc biệt là Ninh Ba. Từ đây hàng hóa được xuất đi rất nhiều nước trên thế giới. Chính sự xuất hiện của con đường tơ lụa trên biển làm cho con đường tơ lụa trên bộ suy giảm và không được chú ý nữa.

Con đường tơ lụa trên biển có những thay đổi và phát triển lớn ở các triều đại nhà Đường, nhà Tống, nhà Nguyên, nhà Minh. Vào năm 714 tức là năm Khai Nguyên thứ hai thời nhà Đường, triều đình thiết lập Bách Ti (cơ quan phụ trách việc buôn bán với tàu bè nước ngoài, tương tự hải quan ngày nay) ở Quảng Châu quản lí việc mua bán của những thuyền bè nước ngoài. Hơn nữa, giao thông và buôn bán giữa Trung Quốc và các quốc gia bằng đường biển rất nhộn nhịp, phồn thịnh, trong “Quảng Châu thông hải di đạo” của Giả Đam ghi chép rất chi tiết các địa danh trong suốt tuyến hải trình từ Quảng Châu đến vịnh Ba Tư [Dẫn theo 25, tr.128]. Qua đó chứng tỏ dưới thời Đường, phạm vi hoạt động của thuyền bè Trung Quốc không những được mở rộng mà số địa điểm mà thuyền bè ghé lại cũng nhiều hơn, được ghi chép rõ ràng, cụ thể hơn. Trước chuyến đi lịch sử của Trịnh Hòa thì đây là tuyến hàng hải dài nhất của người Trung Quốc lúc bấy giờ.

Bước sang thời nhà Tống, kĩ thuật hàng hải lại có sự đột phá mới, người Trung Quốc bắt đầu sử dụng la bàn trong việc đi biển. Do đó việc buôn bán, trao đổi các mặt hàng lại càng trở nên nhộn nhịp, đa dạng hơn. Trong “Lĩnh ngoại đại đáp” của Khu Khứ Phi và “Chư Phiên Chí” của Triệu Nhữ Quát thời nhà Tống

có những ghi chép về quan hệ mậu dịch giữa Trung Quốc và các quốc gia ở Đông Á, Đông Nam Á, Nam Á, bán đảo Ả Rập, thậm chí đến tận bờ biển Đông Phi [Dẫn theo 25, tr.128].

Đặc biệt đến thời nhà Nguyên, con đường tơ lụa trên biển không ngừng phát triển, ngành thương mại trên biển không ngừng mở rộng. Nghề đóng thuyền đi biển cũng phát triển với quy mô hơn trước bởi lợi nhuận rất cao. Ví như cảng Tuyền Châu thuộc tỉnh Phúc Kiến thời điểm này đã phát triển vượt xa thương cảng Quảng Châu. Thương nhân Ả Rập lúc bấy giờ nhận xét Tuyền Châu là một trong những thương cảng lớn nhất trên thế giới.

Có thể nói, giai đoạn nhà Tống, Nguyên, Minh là giai đoạn “phát triển cao độ” của con đường thương mại trên biển. Sự phát triển đó có những đặc điểm đáng lưu ý sau đây:

Thứ nhất, sau thời kì nhà Đường, việc mua bán tơ lụa trên bộ gặp rất nhiều khó khăn, cản trở, tơ lụa bắt đầu được vận chuyển bằng đường biển ngày càng nhiều. Việc thiết lập các Thị Bách Ti thời nhà Đường cho thấy sự chuyển hướng từ đường bộ sang đường biển của con đường thương mại giữa Trung Quốc và các nước [25, tr.129].

Thứ hai, kĩ thuật đóng thuyền, kinh nghiệm đi biển dài ngày cùng những kiến thức thiên văn - địa lí của con người Trung Quốc được tích lũy tiến theo thời gian. Những con tàu có trọng tải lớn được đóng ngày càng nhiều. Đây chính là cơ sở vật chất và kĩ thuật cho sự phát triển của con đường tơ lụa trên biển qua các giai đoạn [25, tr.129]

Thứ ba, xuất phát từ nhu cầu mua bán, trao đổi hàng hóa, phạm vi hoạt động thương mại của Trung Quốc ngày càng được mở rộng, từ khu vực Đông Á đến Đông Nam Á, Nam Á và xa hơn đến vùng biển Ả Rập, Đông Phi. Trong xu thế phát triển đó, quan hệ hữa hảo giữa Trung Quốc với các quốc gia cũng không ngừng được mở rộng [25, tr.130].

Vào thế kỉ XIV các bộ tộc du mục Trung Á chém giết lẫn nhau và thường xuyên ngăn chặn cướp bóc các đoàn thương nhân trên con đường tơ lụa trên bộ khiến cho con đường này vốn đã nguy hiểm nay lại càng không an toàn hơn. Trong khi nhu cầu sử dụng tơ lụa Trung Quốc của người châu Âu ngày càng tăng. Bởi thế muốn có tơ lụa chỉ có cách tốt nhất là đi theo con đường hương liệu và đây cũng chính là con đường tơ lụa trên biển.

Con đường tơ lụa trên biển có sự phát triển vượt bậc như vậy chính là nhờ vào sự đóng góp không nhỏ của Trịnh Hòa. Trịnh Hòa (1371-1433) là người dân tộc Hồi, quê ở huyện Côn Dương, tỉnh Vân Nam (nay thuộc huyện Phổ Ninh, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc). Ông là một tín đồ Hồi giáo vốn mang họ Mã. Năm lên 10 tuổi được tướng quân họ Phó đưa vào quân đội, sau đó ông bị “tịnh thân” được đưa vào làm gia nô trong phủ Yến Vương. Yến Vương Chu Đệ rất hài lòng về Trịnh Hòa vì ông thông minh lại chăm chỉ làm việc.

Vào năm 1398, Minh Thái Tổ băng hà, cháu đích tôn là Chu Duẩn Văn lên ngôi, Yến Vương Chu Đệ khi đó đã dấy binh chống lại triều đình. Năm 1402, Chu Đệ chiếm được Nam Kinh - kinh đô nhà Minh rồi lên ngôi Hoàng đế, đặt niên hiệu là Vĩnh Lạc (tức vua Minh Thành Tổ - vị vua nổi tiếng nhà Minh trong lịch sử phong kiến Trung Quốc). Nhờ những đóng góp và có công phù tá nên Trịnh Hòa (Mã Hòa) được đề bạt làm thái giám, được ban họ Trịnh và được gọi là Tam Bảo thái giám. Trịnh Hòa là người thân cận nhất mà Minh Thành Tổ tin tưởng giao phó trọng trách lớn sau này.

Từ năm 1405-1433, Trịnh Hòa vâng lệnh triều đình nhà Minh bảy lần xuất dương với hải đoàn hùng hậu gồm 200 bảo thuyền lớn nhỏ, đi từ Đông sang Tây, từ Thái Bình Dương sang Ấn Độ Dương, đi qua hơn 30 quốc gia trên suốt hải trình [25, tr.160]. Chuyến đi lịch sử này của Trịnh Hòa đã đưa lịch sử hàng hải Trung Quốc sang một trang mới, đồng thời góp phần thúc đẩy con đường biển phát triển đến cực thịnh. Nhưng để tiến hành những chuyến đi dài ngày với

lực lượng lớn như vậy thì cần có điều kiện khách quan thuận lợi, yêu cầu tiên quyết là phải có tiềm lực về kinh tế. Sau khi Minh Thái Tổ (Chu Nguyên Chương) thống nhất đất nước lên ngôi Hoàng đế, ông đã ban hành những biện pháp khôi phục kinh tế, trong đó lấy phát triển kinh tế nông nghiệp làm trọng điểm. Nhờ vậy mà xã hội dưới thời Minh Thành Tổ trở nên no đủ, thái bình và vươn đến cực thịnh, hàng hóa trao đổi dồi dào, mậu dịch ở trong nước và ngoài nước được mở rộng. Phải kể đến nữa là kĩ thuật hàng hải và bản đồ hàng hải của Trịnh Hòa xuất hiện những tuyến hàng hải được ghi chép, đánh dấu, tấm hải đồ này đã sử dụng phép vẽ đồ thị và nhiều kí hiệu khác nhau để thể hiện hình thế bờ biển. Được biết các chuyến hàng hải của Trịnh Hòa đã bắt đầu sử dụng các kĩ thuật quan sát thiên văn để xác định phương hướng: “Thiên Tinh bản” (bản đồ các vì sao) được dùng để đo độ cao các thiên thể. Khi điều kiện kinh tế cho phép, chuyến đi của Trịnh Hòa được khởi hành và được tính toán hải lộ rõ ràng.

Sau bảy chuyến xuất dương, Trịnh Hòa mang trọng bệnh và vì tuổi cao nên không lâu sau ông qua đời. Những gì Trịnh Hòa đã làm được, lịch sử hàng hải Trung Quốc nói riêng và lịch sử hàng hải nhân loại nói chung đều đã công nhận. Theo đánh giá của các nhà nghiên cứu thì Trịnh Hòa là người có công thúc đẩy sự phát triển của con đường tơ lụa trên biển trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt ở khía cạnh kinh tế và chính trị. Trong thời gian đi sứ của ông, triều đình nhà Minh đã thiết lập quan hệ ngoại giao, buôn bán với các quốc gia ở Đông Nam Á, Nam Á, Bán đảo Ả Rập và bờ biển phía đông châu Phi.

Rõ ràng, với sự tham gia của thương nhân nhiều nước ở những chặng hải trình ngắn trước đó, và đặc biệt là “sau khi Pháp Hiển khai thông con đường thương mại biển Đông - Tây qua khu vực Đông Nam Á vào thế kỉ V, con đường tơ lụa trên biển đã hình thành và phát triển” [25, tr.177]. Trải qua các thời đại nhà Đường, nhà Tống, nhà Nguyên, con đường này đã có những bước phát triển và đột phá đáng kể ở giai đoạn nhà Minh, trong xu thế nền kinh tế thế giới đang

phát triển theo xu hướng thương mại mậu dịch biển, con đường thương mại biển giữa Trung Quốc và các quốc gia càng có điều kiện phát triển [25, tr.177]. Trong bối cảnh đó, vai trò của khu vực Đông Nam Á được xem là cửa ngõ để Trung Quốc giao lưu kinh tế - văn hóa với thế giới bên ngoài và ngược lại.

Một phần của tài liệu Vai trò của con đường tơ lụa thời kì cổ trung đại đối với sự giao lưu kinh tế và văn hóa đông tây (Trang 30 - 37)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(90 trang)
w