Cơ sở hình thành con đường tơ lụa trên biển

Một phần của tài liệu Vai trò của con đường tơ lụa thời kì cổ trung đại đối với sự giao lưu kinh tế và văn hóa đông tây (Trang 29 - 30)

7. Bố cục của luận văn

2.1.1. Cơ sở hình thành con đường tơ lụa trên biển

Con đường tơ lụa trên biển được hình thành qua một quá trình lâu dài và dựa trên nhiều cơ sở:

Trước hết, con đường tơ lụa trên bộ chỉ đến được một số quốc gia nhất định, trong khi đó con đường buôn bán trên biển thì đến được hầu hết các quốc gia, đặc biệt là các quốc gia hải đảo và những khu vực có biển. Sự lưu thông của con đường trên biển dễ dàng hơn, ít chịu tác động bởi những biến loạn và thay đổi của từng quốc gia. Sau khi Ba Tư thao túng con đường tơ lụa trên bộ, năm 166, hoàng đế La Mã đã cho thiết lập con đường thương mại trên biển với các quốc gia phương Đông [25, tr.115].

Mặt khác, ở bờ biển phía Đông của Trung Quốc có rất nhiều chủng loại hàng hóa: tơ lụa, gốm sứ, trà, đồ thủ công… Đồng thời, đây còn là khu vực có kĩ thuật đóng tàu và đi biển phát triển. Hàng hóa được vận chuyển bằng thuyền có nhiều lợi thế hơn so với sử dụng lạc đà vì khối lượng lớn, chi phí thấp và tính an toàn cao. Đó là những ưu thế mà con đường tơ lụa trên bộ không có được. Vì thế, cùng với sự hình thành của con đường tơ lụa qua Tây Vực, thương nhân thời nhà Hán cũng bắt đầu chú ý đến tuyến đường biển. Cho nên tơ lụa Trung Quốc đã được vận chuyển ra nước ngoài bằng đường biển từ thời nhà Hán, song đó mới chỉ là hoạt động “tư doanh”, mang tính chất dân gian, triều đình chưa chỉ đạo trực tiếp và kiểm soát gắt gao. Hàng tơ lụa tuyệt đẹp của Trung Quốc ngày càng trở nên hấp dẫn đối với người nước ngoài. Vì thế, các nước từ khu vực Đông Nam Á, Nam Á cho đến Tây Á, châu Âu lần lượt phái sứ đoàn vượt biển đến bang giao với Trung Quốc. Thực tế con đường giao thương trên biển thời Hán đã trở thành “con đường sứ giả”, “con đường hữu nghị”.

Bên cạnh thương nhân phương Tây, Trung Quốc, thương nhân các nước Ấn Độ và Ảrập cũng đóng vai trò quan trọng vào việc kết nối con đường giao

thương trên biển. Họ đã phát hiện ra dòng nước ấm chảy qua lục địa Ấn Độ, Ảrập và quy luật gió mùa ở miền đông - châu Á. Do có sự thay đổi về nhiệt độ ngược chiều nhau giữa mặt biển và đất liền nên hướng gió cũng có sự thay đổi. Bởi thế họ có thể lợi dụng gió Tây Nam vượt qua Ấn Độ Dương, chạy tới bờ biển Trung Hoa hoặc chạy thẳng tới quần đảo hương liệu (MaLắcca ở Đông Bắc Inđônexia) thu mua hương liệu, tơ lụa và các sản vật khác ở phương Đông. Đến khi gió Đông Bắc nổi lên thì theo đường cũ về tới biển Đỏ hoặc vịnh Ba Tư, rồi chở hàng hóa sang phương Tây. Các thương nhân đã rời lưng ngựa và lạc đà để dùng thuyền buồm vượt biển khiến cho việc đi lại thuận tiện hơn, hàng hóa nhiều hơn, rẻ hơn so với việc chuyên chở bằng con đường tơ lụa xuyên lục địa.

Vào thời kỳ này, kỹ thuật đóng tàu, các kiến thức về đại lý, hàng hải… của nhiều nước trên thế giới cũng đã có bước phát triển nhất định, tạo điều kiện cho con đường tơ lụa trên biển hình thành và phát triển.

Một phần của tài liệu Vai trò của con đường tơ lụa thời kì cổ trung đại đối với sự giao lưu kinh tế và văn hóa đông tây (Trang 29 - 30)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(90 trang)
w