* Kết quả của các dự án mới đạt được mục tiêu số lượng, quy mô song mục tiêu chất lượng còn hạn chế.
* Tính bền vững của dự án còn hạn chế, nhiều dự án có nguy cơ mất đi khi hoạt động của dự án không còn nữa. Chẳng hạn dự án trồng rừng ngập mặn ven biển hiện nay đang diễn ra hiện tượng người dân phá bỏ các rừng ngập mặn ven biển được trồng bằng tiền do WB tài trợ để hình thành khu nuôi trồng thuỷ sản hay tình trạng tái mù chữ ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, trẻ em đường phố…
* Tốc độ giải ngân chậm, danh mục dự án đang thực hiện "có vấn đề" tăng. Tỉ lệ giải ngân không đạt mục tiêu chung như đã đặt ra cho các dự án đầu tư của WB ở khu vực là 18%. Hiện nay, nhiều dự án có tiến độ thực hiện chậm. Số dự án "có vấn đề" trong việc thực hiện là 6, chiếm 19% tổng số dự án và 24% vốn cho vay. Trong các dự án "có vấn đề", có một dự án "có vấn đề" từ 1 năm trở lên [7, tr1, phụ lục B2].
Nguyên nhân của những hạn chế trên bao gồm:
Nguyên nhân thuộc về WB:
- Những nguyên nhân thuộc về chuẩn bị và thực hiện dự án: Thủ tục về phía WB phức tạp và phải qua nhiều khâu khác nhau: biểu hiện việc chuẩn bị dự án chịu sự chi phối của WB; quá trình khởi động dự án của WB kéo dài; thủ tục phê duyệt tài chính phức tạp; thiết kế dự án phức tạp; một số dự án thuê chuyên gia tư vấn quốc tế thiếu hiểu biết về Việt Nam đồng thời trả lương cao, tiền lương của các chuyên gia tư vấn quốc đã chiếm một phần chi phí không nhỏ của dự án.
- Những nguyên nhân thuộc về chính trị: Đứng đằng sau WB là các nước tư bản phát triển, các nước này sử dụng WB như là một công cụ để thu lợi ích về cho mình và luôn có âm mưu chống phá con đường xã hội chủ nghĩa ở những nước quá độ. Vì vậy, trong chiến lược hoạt động của mình, WB ngày càng can thiệp sâu vào hoạt động kinh tế thông qua các biện pháp và kỷ luật thị trường nhằm làm chệch hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam .
Nguyên nhân thuộc về phía Việt Nam:
- Năng lực thực hiện hạn chế do trình độ cán bộ phía Việt Nam yếu cả về lập kế hoạch và điều phối, thực hiện dự án. Điều này được thể hiện rõ nét ở sự lúng túng
trong việc giải quyết những vấn đề có tính chất liên ngành, thiết lập kế hoạch trung và dài hạn. Chẳng hạn các cán bộ Việt Nam thiếu kinh nghiệm chuẩn bị dự trù ngân sách của dự án, đặc biệt là thiếu năng lực dự báo các vấn đề có thể sẽ xảy ra khiến dự án phải điều chỉnh, bổ sung, đánh giá lại. Trình độ tiếng Anh của cán bộ phía Việt Nam còn hạn chế trong giao tiếp với các chuyên gia quốc tế, gây ra hiểu lầm giữa Việt Nam và các đối tác…
- Thủ tục hành chính quá rườm rà đặc biệt là thủ tục phê duyệt và thẩm định dự án, tái định cư và đền bù, đấu thấu mua sắm, thanh toán… Thủ tục phê duyệt và thẩm định dự án kéo dài, phải qua nhiêu bộ, ngành có liên quan sau đó mới chuyển cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư thực hiện. Theo một nguồn tin thì quá trình phê chuẩn một dự án có thể kéo dài tới 20 tháng.
- Năng lực huy động vốn đối ứng cho dự án còn hạn chế: Trong các dự án tài trợ, bao giờ đối tác cũng yêu cầu phía Việt Nam cung cấp khoản vốn đối ứng như văn phòng làm việc, nguồn nhân lực… Các nguồn vốn đối ứng này thường được đáp ứng hạn chế và giải ngân rất chậm. Nguyên nhân của hiện tượng này là các cơ quan nhận viện trợ thường là các cơ quan nhà nước, ngân sách cuả họ phụ thuộc vào ngân sách nhà nước và vậy họ phải huy động vốn chuẩn bị cho dự án từ nguồn ngân sách vốn đã rất hạn hẹp và họ chỉ được cấp ngân sách bổ sung khi dự án đã được thẩm định. Bên cạnh đó, nhiều dự án có quy mô nhỏ, các bộ có liên quan yêu cầu các tổ chức nhận viện trợ phải tự huy động vốn đối ứng, điều này vượt quá khả năng của tổ chức nhận tài trợ. Một khía cạnh khác, cán bộ phía Việt Nam tham gia dự án không được trả lương, họ phải đảm nhận cả hai cương vị trong khi đó tiền lương không thay đổi, điều này đã khiến họ không muốn tham gia vào dự án.
- Những vấn đề thuộc về thể chế và chế độ kinh tế: Việt Nam là một nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với vai trò chủ đạo của khu vực kinh tế nhà nước và vai trò điều tiết của nhà nước xã hội chủ nghĩa. Cho nên việc cải cách, sắp xếp lại các doanh nghiệp nhà nước không thể tiến hành ồ ạt thông qua con đường tư nhân hoá giống như các nền kinh tế chuyển đổi khác. Vì vậy, những điều kiện mà WB đưa ra ảnh hưởng đến việc lựa chon chế độ chính trị thì phía Việt Nam không thể đáp ứng được.