1.1. Giống và thời vụ:
Hiện có một số giống cải bắp nhập nội được trồng tại Đà Lạt, nhưng phổ biến nhất là giống Shogun. Giống này thích hợp trồng quanh năm nhờ có khả năng chống chiụ sâu bệnh khá, cho năng suất cao trong điều kiện sinh thái tại địa phương và phù hợp với thị hiếu tiêu dùng.
1.2. Qui trình trồng:
1.2.1. Gieo hạt và chăm sóc cây con:
- Làm đất gieo tơi xốp, thoát nước, lên luống rộng 1m không kể rãnh. Bón lót phân như sau (cho 1m2): 2 kg phân chuồng hoai mục, 50 gam phân lân super, 20 gam urea, 20 gam kali. Xử lý đất gieo bằng thuốc trừ nấm Benlat C (0,2 - 0,3 %) hoặc Rovral (0,1 - 0,2 %) và thuốc trừ kiến Oncol. Trộn đều phân, thuốc và cào phẳng mặt luống rồi gieo với lượng hạt 3 gam /m2.
- Sau khi gieo, phủ một lớp đất mịn mỏng phủ hạt và dùng cỏ khô phủ luống. Khi hạt nảy mầm dỡ bỏ lớp cỏ.
- Khi cây có 2-3 lá thật, tỉa bỏ những cây bị bệnh dị dạng và làm cỏ. Có thể dùng phân urea hoặc NPK pha loãng (0,5 - 0,8 %) để tưới bổ sung cho cây sau khi tỉa. Tưới nước thường xuyên để giữ đủ độ ẩm cho cây.
- Khi cây có 5-6 lá thật nhổ đem trồng. Trước khi nhổ hạn chế tưới nước cho cây 3-5 ngày và tưới thật đẫm ngay trước khi nhổ cây.
- Để trồng 1000 m2 cần gieo khoảng 20-22 gam hạt tốt.
1.2.2. Trồng và chăm sóc ngoài đồng:
a) Làm đất, bón phân:
Rải vôi đều trên ruộng (50 - 100 kg/ 1000 m2 tùy độ chua của đất), sau đó cày xới đất thật kỹ với độ sâu 20-25 cm và lên luống. Làm luống rộng 1,2 - 1,3 m (cả rãnh). Trong mùa mưa làm luống cao 10 -15 cm để thoát nước. Mùa khô làm luống 5 -10 cm. Trong điều kiện thiếu nước có thể làm luống chìm để giữ nước tưới.
Định lượng phân bón cho 1000 m2 : * Phân hữu cơ:
- Phân chuồng hoai mục : 2 - 3 m3
- Phân lân hữu cơ vi sinh : 25 - 30 kg
* Phân đa lượng hóa học: trên các chân đất thuộc, tùy độ phì của đất, cần bón lượng phân tổng số theo tỉ lệ cân đối như sau: (kg/ha)
Đạm (N) Lân (P2O5) Kali (K2O) Manhê (Mg )++
150-200 120-150 150-200 5-7 Như vậy, trên diện tích 1000m2, có thể bón: (kg)
Urea Lân super Kali đỏ MgSO4
32-42 75-100 26-33 3-4
Khi sử dụng các loại phân hóa học hỗn hợp, cần chọn loại phải có tỉ lệ phù hợp. Đối với các chân đất mới, ít mùn và độ phì thấp chỉ nên bón tăng lượng phân hữu cơ, không cần thiết gia tăng quá nhiều phân vô cơ.
Không sử dụng phân cá, phân rác tươi, phân hữu cơ chưa qua chế biến. Không tưới nước phân, nước thải từ các xí nghiệp công nghiệp, chuồng trại chăn nuôi hoặc lò mổ gia súc.
Cách bón phân:
+ Bón lót: Toàn bộ phân chuồng, phân lân vi sinh, 1/5 kali, 1/5 urea, 4/5 lân. Có thể bón lót: bón theo rạch hoặc bón vào gốc. Trộn đảo đều, lấp đất và tưới cho tan thấm phân trước khi trồng. Phun thêm Sincosin (0,3 %, 180 cc/ 1000 m2) và Mocab (0,1 - 0,2 %, 48 - 60 cc /1000 m2) để xử lý đất, hạn chế tuyến trùng và một số bệnh nấm hại.
+ Bón thúc: chia làm 3 lần, lần 1 và 2 kết hợp xăm xới đất và làm cỏ. - Lần 1: (7-10 ngày sau trồng): 1/5 urea + 1/5 kali.
- Lần 2: (25-30 ngày sau trồng): 2/5 urea + 1/5 kali + 1/5 lân, kết hợp vun cao. - Lần 3: (45-50 ngày sau trồng): 1/5 urêa + 2/5 kali.
Ngoài ra, tuỳ thuộc vào mức độ sinh trưởng của cây mà trong quá trình bón phân nên phun bổ sung cho cây một số loại phân lá có chưá các chất vi lượng Mg, Cu, Mn, Fe, Mo để giúp quá trình chuyển hóa và giảm nitratetrong rau. Hạn chế dùng các loại phân bón lá có tác dụng kích thích tích lũy nitrate trong rau như Agrispon. Phun thêm một số loại phân bón lá như Atonik, Bayfolan, Komix hiện đang có trên thị trường. Ngưng dùng phân bón lá và vi lượng khi cây đã vào cuốn.
b) Trồng và chăm sóc:
Chọn những cây khỏe, cứng cáp, đồng đều. Nên nhổ, trồng vào buổi chiều mát.
Trồng theo khoảng cách: 50 x 50 cm (31000 cây/ha) trong vụ Hè Thu và 50 x 45 cm (34200 cây/ha) trong vụ Đông Xuân.
Sau khi trồng tưới đẫm nước. Sau đó, tưới đều hàng ngày cho tới khi cây hồi xanh. Khi cây hồi xanh, tùy theo độ ẩm mà tưới nước cho cây, để giữ độ ẩm đất thường xuyên 75 - 85%.
1.2.3. Quản lý dịch hại:
a) Nguyên tắc chung :
Không dùng nông dược đã bị nhà nước cấm sử dụng trên rau như: Azodrin, Monitor, Furadan, Thiodan,Wotafox, DDT.
Dùng chủ yếu các loại nông dược vô hại hoặc ít độc hại với người, gia súc và thiên địch tự nhiên để phòng trừ sâu bệnh thuộc các nhóm thuốc: vi sinh ( Bacterin, Forwabit, Thuricide, Centari, Dipel, Delphin, MVP), điều hòa sinh trưởng côn trùng (Atabron, Mimic, Applaud, Nomolt), cúc tổng
Sử dụng thuốc phải đúng liều lượng khuyến cáo, phun kỹ sao cho ướt đều 2 mặt lá. b) Các biện pháp phòng trừ sâu bệnh hại:
Biện pháp chung: Vệ sinh đồng ruộng (dọn sạch những tàn dư thực vật và cỏ dại), cày lật đất sớm để diệt sâu non và nhộng của sâu khoang, sâu xám, sâu xanh và mầm bệnh. Luân canh cây trồng khác họ.
Biện pháp dùng thuốc:
+ Sâu hại: Cây con sau khi nhổ nên sử lý bằng cách nhúng lá vào dung dịch thuốc trong 5 giây bằng các dung dịch sau: MVP 2% (10 gam/ 5 l nước) + Polytrin (5 cc/ 5 l nước) hoặc Regent 0,01%, để trừ sâu tơ, sâu xanh. Khi trồng ra ruộng bón thuốc hạt Oncol 50 G quanh gốc để diệt sâu đất. Thường xuyên kiểm tra đồng ruộng, nếu có sâu tơ tuổi 1-2 với mật độ 1 con/cây cần sử dụng các loại thuốc khuyến cáo trên để phun. Nếu có khuyến cáo, có thể hỗn hợp những loại thuốc khác nhóm. Trường hợp sâu có khả năng phát dịch có thể dùng các thuốc: Pegasus 250 EC, Regent, Lanate. Khi phòng trừ sâu tơ cũng như một số loại sâu dễ kháng thuốc khác, cần lưu ý:
- Không phun thuốc đặc hiệu sâu tơ khi chưa có sâu xuất hiện. - Luân phiên các loại thuốc khác cơ chế tác dụng.
- Khi mật độ sâu thấp chỉ nên sử dụng các loại thuốc sinh học. Khi quần thể sâu bùng nổ ( dịch) mới dùng thuốc hóa học.
- Cùng một loại thuốc không nên phun liên tiếp quá 2 lần. Lần phun sau cách lần trước ít nhất một tháng.
- Tưới nước và phun thuốc vào buổi chiều tối là lúc bướm và sâu non hoạt động mạnh.
- Ngừng phun thuốc ít nhất 15-20 ngày trước khi thu hoạch. Trong giai đoạn này chỉ nên dùng thuốc sinh học hoặc điều hòa sinh trưởng côn trùng.
+ Một số bệnh hại chính thường gặp trên cây cải bắp trồng ngoài ruộng và cách phòng trừ: - Bệnh đốm vòng: phun Benlate C (0,2 -0,3 %), Rovral (0,2 -0,3 %);
- Bệnh sương mai: phun Curzate M8 (0,2 %), Tilt 250 ND (0,05 - 0,1 %); - Bệnh cháy lá: phun Ridomyl Mancozeb (0,15 -0,2 %) + Daconil (0,15 -0,2 %); - Bệnh thối nhũn: phun Funguran (0,2- 0,3 %) hoặc các loại thuốc gốc đồng khác;
- Bệnh nấm bông gòn: phun Topsin M (0,2 %), Derosal (0,1 %), Anvil (0,1 %); rắc vôi bột quanh gốc cây;
1.2.4. Thu hoạch:
Khi cải bắp đã cuộn chặt, các lá ngoài đã căng cứng thì tiến hành thu hoạch. Trước khi thu hoạch nên tưới kỹ để rửa cát, đất bám trên cây. Nên dùng nước vôi loãng 1% (100 gam vôi tôi trong 10 lít nước) phun đều trên cây trước khi thu hoạch để khử bớt vi khuẩn và trung hòa dư lượng thuốc còn trên bề mặt lá.